Những câu hỏi chưa có lời đáp từ “ổ dịch” Công ty Trường Sinh

VietTimes – Đã một tuần từ khi công bố nhân viên đầu tiên của Công ty Trường Sinh mắc COVID-19, đến nay, vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm (F0) cho các nhân viên Trường Sinh cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai. Điều này khiến nhiều người nghi ngại về nguy cơ lây nhiễm diện rộng từ một hoặc nhiều ca F0 "mất dấu" đang tồn tại và sẽ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Từ khi Bệnh viện Bạch Mai được coi là ổ dịch, việc ra vào Bệnh viện thuộc hàng lớn nhất đất nước này được kiểm soát chặt chẽ.
Từ khi Bệnh viện Bạch Mai được coi là ổ dịch, việc ra vào Bệnh viện thuộc hàng lớn nhất đất nước này được kiểm soát chặt chẽ.

Nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao

Ngày 28/3, ca nhiễm COVID-19 thứ 186 được xác định là một nhân viên của Công ty Trường Sinh. Rất nhanh sau đó, hàng loạt nhân viên của công ty này tiếp tục trở thành các ca bệnh mắc virus Corona. Từ đó, Công ty Trường Sinh - đơn vị cung cấp dịch vụ tại nhà ăn của Bệnh viện được xác định chính là nguồn lây nhiễm cho ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, chứ không phải từ các y bác sĩ của Bệnh viện này.

Trên mạng xã hội, các Facebooker liên tục đặt nghi vấn về nguồn lây ở Bệnh viện Bạch Mai, rằng có 3 chùm bệnh nhân ở Khoa thần kinh, Trung tâm Bệnh nhiệt đới và tại Nhà ăn Bệnh viện (nhân viên Công ty Trường Sinh). Tuy nhiên, điều đáng nói và cần làm rõ ở đây chính là: Ai hoặc những ai là bệnh nhân lây bệnh cho chùm bệnh nhân này?

Trao đổi với VietTimes, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, xác nhận “chưa thể xác định được một cách chắc chắn nguồn bệnh. Hiện chúng ta đã xác định được ổ dịch chính là bộ phận dinh dưỡng do Công ty Trường Sinh đảm nhiệm và có thể là do người bên ngoài vào rồi lây cho bộ phận này. Về việc này, các chuyên gia về dịch tễ đang tiếp tục điều tra”.

PGS.TS Trần Đắc Phu. Ảnh: Minh Thúy.
PGS.TS Trần Đắc Phu. Ảnh: Minh Thúy.

Cùng với đó, ông cũng cho rằng Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 3 chống dịch COVID-19. Đây là giai đoạn với nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao.

Dẫn ra trường hợp liên quan bệnh nhân số 17 ở Trúc Bạch (Hà Nội) hay ca 34 ở Bình Thuận, đều là các ca lây nhiễm cộng đồng xác định được F0; thì đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai đã một thời gian trôi qua, nhưng vẫn chưa thể xác định được ca nhiễm đầu tiên.

Cùng với đó, nhiều người đặt vấn đề: Thực sự nguồn là ở Công ty Trường Sinh hay ở Bệnh viện Bạch Mai? Liệu có phải bệnh nhân 86, 87 của Bệnh viện Bạch Mai mới chính là nguồn lây COVID-19? Ý kiến này nhận nhiều ý kiến ủng hộ. Bởi, khách quan mà nói, ngoài Bệnh viện Bạch Mai, công ty Trường Sinh cũng cung cấp đồ ăn chín cho 2 bệnh viện khác là Bệnh viện Hữu Nghị và Bệnh viện Nội Tiết TW, nhưng toàn bộ nhân viên Công ty Trường Sinh ở 2 Bệnh viện này âm tính hết, chỉ duy nhất nhân viên Công ty Trường Sinh làm ở Bệnh viện Bạch Mai mắc bệnh.

Chỉ khi có câu trả lời thấu đáo cho những vấn đề này thì mới có thể nói dịch virus SARS-CoV-2 thực sự được kiểm soát.

Nhiều điều "khó hiểu" liên quan Công ty Trường Sinh

Lại nói về các ca mắc COVID-19 là nhân viên của Công ty Trường Sinh, những ngày gần đây, trên mạng xã hội dấy lên rất nhiều ý kiến băn khoăn về chi tiết lịch trình di chuyển, tiền sử dịch tễ. Trong khi, các ca bệnh đều được công bố thông tin chi tiết thì thông tin của các ca bệnh là nhân viên của Công ty Trường Sinh lại hết sức sơ lược.

Nhân viên nhà ăn tại Bệnh viện Nội tiết TW.
Nhân viên nhà ăn tại Bệnh viện Nội tiết TW.

Công ty Trường Sinh có bao nhiêu nhân viên mắc virus Corona chủng mới?

Ví dụ, ngay 2 ca đầu tiên 168, 169 được công bố, thông tin đính kèm chỉ vỏn vẹn: “Là nữ, là nhân viên cung cấp nước sôi của Bệnh viện Bạch Mai”. Sau đó, liên tục 7 ca bệnh từ 190 đến 196 cũng chỉ được ghi vắn tắt: “Là nữ, sinh năm 19xx, là nhân viên của Công ty Trường Sinh tại Bệnh viện Bạch Mai”.

Phải cho đến sáng nay (3/4), khi công bố ca bệnh 231 cũng là nhân viên của Công ty Trường Sinh, thông nội dung về ca bệnh mới được chi tiết hơn: “Là nữ, 57 tuổi, có địa chỉ tại xã Kim Lư, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.

Ngày 27/3, bệnh nhân cùng đoàn của Bệnh viện Bạch Mai công tác tại tỉnh Hà Nam. Sau khi nhận thông tin về ca dương tính từ Bệnh viện  Bạch Mai, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hà Nam đã thực hiện cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm chuyển đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam”.

Tuy vậy, rà qua một lượt danh sách toàn bộ các ca đã được công bố, dễ thấy tất cả các ca bệnh của Trường Sinh đều rất sơ sài, không nói về hành trình tiếp xúc của họ, như các ca bệnh khác. Trong khi chắc chắn, do công việc đưa thức ăn, nước uống cho nhân viên và người bệnh, họ sẽ tiếp xúc với rất nhiều người, ở khoa, phòng mà họ được phân công.

Trước thực tế này, nhiều người đặt vấn đề về sự “phân biệt đối xử” giữa các bệnh nhân vốn là nhân viên của Công ty Trường Sinh và các bệnh nhân thông thường khác. Nếu việc này tiếp tục diễn ra, có khả năng cao nhiều cá nhân không biết mình đã vô tình tiếp xúc gần hoặc đã có tiếp xúc với các ca bệnh này để có biện pháp phù hợp nhằm tự bảo vệ bản thân và gia đình.