Những bước tiến trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam là “điều phi thường“

VietTimes – Đó là nhận định của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink khi trả lời PV VietTimes về mối quan hệ song phương Hoa Kỳ-Việt Nam trong suốt 25 năm qua. Từ con số gần như bằng 0 trong quan hệ thương mại song phương 25 năm trước đây, ngày nay kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt con số 77 tỷ USD.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink

PV: Năm 2020 đánh dấu cột mốc kỉ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Đại sứ nhìn nhận như thế nào về bước tiến trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai quốc gia trong suốt chặng đường đã qua?

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: Đầu tiên, tôi cho rằng thành tựu phi thường nhất là Việt Nam và Hoa Kỳ giờ đã trở thành đối tác và những người bạn của nhau. Cả hai quốc gia đều coi đây là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất. Khi nhìn vào mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nhiều người gọi đó là một phép màu!

Mỗi lần nghe thấy, tôi lại nhớ lại điều mà Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam Pete Peterson từng nói với tôi: Những bước tiến trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam quả thực tuyệt vời, nhưng đó không phải điều ngẫu nhiên mà có được. Người dân và lãnh đạo của hai quốc gia đã cho thấy lòng dũng cảm và tầm nhìn sâu sắc của mình. Họ vẫn đang nỗ lực để xây dựng nền tảng niềm tin giữa hai nước, thứ cho phép chúng ta trở thành những người bạn và đối tác của nhau.

Mỗi ngày trôi qua, hai nước chúng ta vẫn đang làm việc cùng nhau để hướng đến mục đích đảm bảo lợi ích chung của hai quốc gia. Ngày hôm nay, chúng ta là đối tác trong mọi lĩnh vực, từ an ninh, thương mại cho đến y tế, môi trường và quan hệ giao lưu giữa nhân dân hai nước. Trong lúc tiếp tục xử lý những vấn đề quá khứ để lại, ngày nay Hoa Kỳ và Việt Nam đã xây dựng được một mối quan hệ đối tác và tình hữu nghị thực sự, dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau và cam kết chung vì hòa bình và thịnh vượng cho người dân hai nước. Tôi vô cùng tự hào về thành tựu đó.

  Hãy cùng suy ngẫm về những gì chúng ta đã đạt được. Những bước tiến trong quan hệ hai nước là một điều phi thường. Mối liên hệ giữa người dân và tổ chức của hai nước ngày càng sâu đậm, và là nền tảng và nguồn sức mạnh cho mối quan hệ của chúng ta. Ngày càng có thêm nhiều người Việt Nam đặt chân tới Hoa Kỳ và ngược lại. Các trường đại học của hai nước cũng liên kết với nhau nhiều hơn. Mỗi năm có hàng chục nghìn học sinh, sinh viên Việt Nam học tập tại Hoa Kỳ. Họ sẽ quay trở lại Việt Nam, mang trong mình kiến thức đã tích lũy ở một nền giáo dục đẳng cấp thế giới để góp phần xây dựng nền kinh tế quê hương giàu mạnh hơn.

25 năm trước, quan hệ thương mại giữa hai nước gần như là con số không. Ngày nay, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 77 tỷ USD. Ngày càng có nhiều các công ty Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam và đánh giá cao kỹ năng của người Việt. Chúng tôi ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập.

Trong khó khăn chưa từng có của đại dịch COVID-19, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đã trở nên sâu sắc và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thưa Đại sứ?

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: Hợp tác song phương giữa hai nước trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong bối cảnh đại dịch, đặc biệt là sự phối hợp trong lĩnh vực y tế của hai nước. Trong năm nay, Hoa Kỳ và Việt Nam đã dựa trên quan hệ hợp tác lâu năm trong lĩnh vực y tế của hai nước để tăng cường năng lực của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19. Trong 20 năm vừa qua, Hoa Kỳ đã viện trợ hơn 1,8 tỷ USD cho Việt Nam, trong đó hơn 706 triệu USD là dành riêng cho ngành y tế.

Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam may mắn có ba cơ quan khác nhau với đầy đủ nguồn lực bổ sung và chuyên môn, góp phần trong trận chiến chống lại dịch bệnh. Trong đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tận dụng thời gian hoạt động lâu dài tại Việt Nam từ năm 1989 để nhanh chóng huy động các đối tác phi chính phủ cũng như các nguồn lực nhằm hỗ trợ ứng phó khẩn cấp với đại dịch. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (U.S. CDC), với 22 năm làm việc với Bộ Y tế Việt Nam, đã cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp tới các đối tác chính phủ trong bối cảnh khoa học phát triển như vũ bão. Văn phòng Tùy viên Y tế Sứ quán trực thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã tìm hiểu các cơ hội trao đổi thông tin và vật tư như thiết bị bảo hộ cá nhân, máy thở và các công nghệ khác. Ba cơ quan trên đang cùng hợp tác giúp đỡ Việt Nam, cũng như mang Việt Nam và Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn.

Chúng tôi cũng rất cảm kích khi trong vài tháng qua, người dân và các doanh nghiệp Việt Nam đã quyên tặng hàng triệu khẩu trang cho người dân Hoa Kỳ. Đây là minh chứng cho việc các quốc gia đối tác tận dụng thế mạnh của mình để giúp đỡ người dân trong mọi thời điểm thăng trầm. Người Mỹ chúng tôi có câu “Một người bạn thật sự sẽ có mặt khi ta gặp hoạn nạn”.

Sự hào phóng và tốt bụng của người dân Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này đã cho thấy sức mạnh thực sự của tình hữu nghị giữa hai nước. Chúng tôi vô cùng cảm kích và biết ơn sự hỗ trợ của Việt Nam dành cho Hoa Kỳ.   

Thưa Đại sứ, chúng ta cần có những chính sách gì để tiếp tục thúc đẩy hợp tác phát triển giữa hai nước, đặc biệt trong việc vượt qua những khó khăn mà đại dịch COVID-19 gây ra?  

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: Theo tôi, chúng ta sẽ cần nỗ lực hết sức để vượt qua những thách thức do đại dịch COVID-19 đặt ra. Chúng ta đang chứng kiến những ảnh hưởng sâu rộng của COVID-19 đến mọi mặt từ y tế cho đến kinh tế trên toàn thế giới. Dù khó khăn, tôi vẫn vững tin và an tâm rằng quan hệ hợp tác song phương vững mạnh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ giúp chúng ta giải quyết được những thách thức do đại dịch gây ra và cùng phát triển mạnh mẽ.   

Trước đại dịch, chúng tôi đã đặt ra phương châm “Đối tác tin cậy. Thịnh vượng bền lâu”. Trong đại dịch, khẩu hiệu này càng được thể hiện rõ nét. Cùng nhau chúng ta sẽ phát triển thịnh vượng! Là đối tác của Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam. 

Chính sách ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập của chúng tôi sẽ không lung lay. 

Năm nay cũng là năm Việt Nam đảm nhận trọng trách chủ tịch luân phiên ASEAN. Đại sứ có thế cho biết, vị trí của ASEAN trong chính sách ngoại giao, kinh tế của Hoa Kỳ cũng như những hỗ trợ, sáng kiến giúp Việt Nam đảm nhận tốt cương vị này?

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: ASEAN đóng vai trò trung tâm trong tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. ASEAN là khu vực có ý nghĩa quan trọng về mặt ngoại giao, kinh tế và chiến lược đối với Hoa Kỳ và sự thịnh vượng toàn cầu trong thế kỷ 21. Cùng với các đồng minh và đối tác của mình, Hoa Kỳ hướng đến mục tiêu giữ vững chủ quyền, duy trì sự minh bạch và quản trị hiệu quả, tôn trọng vai trò trọng tâm của ASEAN và một trật tự dựa trên các quy tắc. Hoa Kỳ cũng có quan hệ ngày càng mật thiết với ASEAN trong bốn lĩnh vực ưu tiên là kinh tế, cơ sở hạ tầng, hàng hải và kết nối trong Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hợp tác với ASEAN cũng như tham gia vào các diễn đàn liên quan đến ASEAN là cơ chế khu vực trọng yếu giúp Hoa Kỳ xây dựng mối quan hệ hợp tác tại khu vực Đông Nam Á thuộc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tổng thống Hoa Kỳ, các thư ký Nội các và những lãnh đạo cấp cao khác trong Chính phủ Hoa Kỳ coi hợp tác với Việt Nam và ASEAN là con đường đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng cho một tỷ người dân trong khu vực của chúng ta.

Hoa Kỳ tin rằng ASEAN, dưới sự chủ trì và điều hành của Việt Nam trong năm 2020, sẽ tăng cường quan hệ hợp tác trong khu vực, đặc biệt trong việc giải quyết thách thức toàn cầu chưa từng có tiền lệ là đại dịch COVID-19. Đại dịch này làm nổi bật tuyên bố về hoạt động của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch năm 2020 hướng đến một ASEAN “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là hoàn toàn phù hợp.

ASEAN đã chứng minh được sự hiệu quả của mình khi các nước thành viên đều đoàn kết chung một tiếng nói nhằm giải quyết các thách thức về an ninh và kinh tế trong khu vực. Chúng tôi mong chờ được làm việc với Việt Nam để thực hiện Sáng kiến hội nhập ASEAN cũng như tăng cường sự tham gia của Hoa Kỳ vào các vấn đề ở khu vực sông Mekong.

Chúng tôi hy vọng dưới sự chủ trì và điều hành của Việt Nam, ASEAN sẽ sát cánh vượt qua mọi thách thức cấp bách trong khu vực, như an ninh hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, khủng hoảng nhân đạo, đồng thời bảo vệ nhân quyền của những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong khu vực.     

Đại sứ đánh giá thế nào về tương lai phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ?  

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: Tôi nhìn thấy một tương lai tươi sáng. Tôi rất lạc quan về vấn đề này. Năm 2013, hai quốc gia đã ra mắt Hiệp định Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam. Ngày nay, Hiệp định Đối tác Toàn diện đã bao quát mọi khía cạnh trong mối quan hệ hợp tác, từ quốc phòng đến thương mại, y tế và giao lưu nhân dân. Nhìn vào ảnh hưởng tổng thể của các yếu tố này, tôi thực sự thấy ấn tượng! 

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Tôi nóng lòng chờ đợi những thành tựu chúng ta sẽ đạt được trong 25 năm tiếp theo. Hơn lúc nào hết, chúng ta biết rõ rằng, là đối tác tin cậy của nhau, chúng ta sẽ cùng phát triển thịnh vượng.

Trân trọng cám ơn Đại sứ!