Ngày 23.03 Tạp chí Defense Weekly IHS Jane công bố những bức không ảnh từ cơ quan Airbus Defense and Space thuộc Tập đoàn Airbus cho thấy thực trạng tiến trình xây dựng đường băng trên các phần bồi đắp của đảo Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) thuộc quần đảo Trường Sa, khu vực mà Trung Quốc đang tranh chấp “chủ quyền phi pháp” với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Những bức ảnh từ đầu tháng Ba cho thấy quá trình nạo vét và bồi đắp trên trên đảo Đá Su bi (Subi Reef) trong quần đảo Trường Sa tạo lên các gò đất rộng mà nếu kết hợp với nhau, có thể hình thành một khu đất đủ cho một đường băng 3.000 mét (3.281 yard).
Những bức không ảnh của Airbus Defense and Space vạch trần thủ đoạn ăn cắp chủ quyền của Trung Quốc
Một bức ảnh khác cho thấy Trung Quốc đẩy mạnh mở rộng đường băng khác với chiều dài tương đương trên quần đảo Hoàng Sa về phía Bắc Biển Đông, khu vực có tiềm năng giàu về năng lượng tự nhiện và là tuyến đường vận tải thương mại quan trọng với tổng giá trị tài sản vận chuyển hàng năm qua đó là 5 nghìn tỷ đô la.
Bài viết được công bố một ngày sau khi Tư lệnh trưởng lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á, Đô đốc Samuel Locklear cho biết:Trung Quốc, từng tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, cuối cùng đã có thể triển khai các hệ thống radar và tên lửa trên đảo nhân tạo, tiền đồn mà Bắc Kinh có thể sử dụng để hiện thực hóa tham vọng kiểm soát toàn bộ bầu trời, mặt nước của biển Đông (Khu vực nhận dạng phòng không ADIZ).
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, gọi những động thái của Trung Quốc là "hung hăng" và tuyên bố: Chính quyền Obama thực sự cần phải đưa vào thực hiện kế hoạch gia tăng các lực lượng quân sự hơn nữa vào khu vực kinh tế quan trọng của châu Á và tăng cường hợp tác với các nước khu vực, đang quan ngại sâu sắc những hành động của Trung Quốc.
Ông McCain đã đưa ra bản đánh giá tình hình của tình báo Mỹ, được công bố từ tháng Hai cho thấy: tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc được xây dựng để chống lại sức mạnh Mỹ và cho rằng Washington có rất nhiều công việc phải thực hiện trong tương lai gần để duy trì sức manh quân sự vượt trội của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
"Bất kỳ quốc gia nào khi mở rộng đảo tự nhiên đến 600 mẫu đất, xây dựng đường băng và nhiều khả năng đưa vào sử dụng với các mục đích quân sự trên vùng biển quốc tế, đó rõ ràng là mối đe dọa khu vực vận tải thương mại tự do mà nền kinh tế thế giới đang đi qua, đã qua đi, và vẫn phải đi qua trong tương lai gần ", ông phát biểu công khai trong cuộc họp Quốc hội Mỹ.
Mỹ cảnh báo chống tiến trình quân sự hóa
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: quy mô bồi đắp đảo của Trung Quốc và những công trình xây dựng trên đó đã gia tăng sự quan ngại sâu sắc của khu vực, khi Trung Quốc có ý định quân sự hóa các tiền đồn của mình và nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải.
"Hoa Kỳ có lợi ích quan trọng hàng đầu trong duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Chúng tôi không tin rằng việc bồi đắp các đảo nhân tạo quy mô lớn với ý định quân sự hóa các tiền đồn trên khu vực tranh chấp là phù hợp với mong muốn hòa bình và ổn định của khu vực."
Vấn đề này cũng được đưa ra thảo luận trong một cuộc họp tại Washington giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki nói với các phóng viên sau cuộc họp: Trung Quốc có trách nhiệm giải quyết những mối quan ngại của khu vực, còn người đồng cấp Hàn Quốc của ông, Cho Tae-yong, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định ở Biển Đông đối với các hoạt động kinh tế thương mại quốc tế đối với các quốc gia như Hàn Quốc.
Mỹ đã cảnh báo chống lại việc quân sự hóa lãnh thổ tranh chấp ở châu Á, Tổng thống Barack Obama cáo buộc Trung Quốc sử dụng "số lượng và sức mạnh cơ bắp vượt trội" của mình để chèn ép các quốc gia láng giềng nhỏ hơn, sau khi Bắc Kinh đưa ra phác thảo kế hoạch sử dụng các đảo nhân tạo ở Trường Sa cho mục đích quân sự cũng như cung cấp các dịch vụ dân sự có lợi cho các nước khác.
Tạp chí IHS Jane công bố bức không ảnh đảo Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), trong đó thể hiện rõ nét một phần đường băng trải bê tông nhựa 505 mét (552 yards) dài 53 mét (58 yards) phía đông bắc của rạng san hô mà Trung Quốc đã biến nó thành một hòn đảo nhân tạo mà công trình nạo vét bồi đắp được tiến hành từ năm ngoái. IHS Jane's cũng cho biết: từ những bức không ảnh thấy rõ tiến trình bồi đắp ở phía Tây nam đảo và những chiếc cần cẩu nổi đang lắp ráp một cầu cảng.
Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế Washington (Washington's Center for Strategic and International Studies - CSIS) tuyên bố, những bức ảnh vệ tinh từ ngày 11.04 cho thấy 1/3 đường băng đã hoàn thiện, đường băng này sẽ có chiều dài 3.110 mét (3.401 yards), đủ để các máy bay vận tải quân sự hạng nặng và máy bay chiến đấu cất hạ cánh. CSIS cho biết các hòn đảo nhân tạo có thể giúp Trung Quốc áp đặt đòi hỏi “chủ quyền lãnh thổ”, khi những hòn đảo này cách xa bờ biển Trung Quốc đến 1.000 dặm (1.600 km), hỗ trợ Bắc Kinh trong các hoạt động tuần tra đường dài trên không và trên biển.
Tuy nhiên, những đảo nhân tạo này quá nhỏ và dễ bị tổn thương, kể cả bị ảnh hưởng bởi thời tiết, môi trường và là mục tiêu tấn công trong chiến tranh khi được sử dụng để triển khai lực lương quân sự, CSIS nhận định.
Trung Quốc: Cải tạo đảo là "tự nhiên"!
Trong một cuộc hội thảo ở Washington ngày thứ năm vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng điều đó là "tự nhiên" khi mà công việc cải tạo các đảo nhân tạo bao gồm cả các công trình phòng thủ quân sự. Ông Thôi còn ngang nhiên tuyên bố: " Bất cứ ai cũng đừng có ảo tưởng cho rằng có thể đơn phương áp đặt Trung Quốc" hoặc "liên tục vi phạm chủ quyền của Trung Quốc mà không có hậu quả."
Bình luận về những hoạt động của lực lượng Không quân Mỹ, Thôi Thiên Khải còn "đá xoáy" Mỹ rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, mà Hoa Kỳ không phải là một bên ký kết, không cho ai quyền "tiến hành các hoạt động trinh sát chuyên sâu và tầm gần ở 'vùng đặc quyền kinh tế’ của nước khác. " nhưng lại không nói rõ về vùng “đặc quyền kinh tế” nào.
Theo: QPAN