Những ảnh hưởng lâu dài từ các chính sách của Mỹ đối với Huawei

Lệnh trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 15/5/2020 đối với Huawei đã có những tác động lớn đến sự tăng trưởng trong ngắn hạn của Huawei. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt này cũng sẽ ảnh hưởng lâu dài đến thị trường và công nghệ Mỹ. 
Ảnh: Fiercewireless
Ảnh: Fiercewireless

Huawei không dễ dàng biến mất nếu không thể sử dụng các linh kiện và IP của Mỹ. Họ sẽ chiến đấu một mất một còn với sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc và một thị trường nội địa rộng lớn, đó là vấn đề sống còn và là niềm tự hào của quốc gia.

Có thể mất thời gian, nhưng Huawei sẽ tìm cách thay thế các nhà cung cấp ở Mỹ và tăng thêm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Cụ thể, Huawei đã chi 8,38 tỷ USD (khoảng 15% doanh thu) cho nghiên cứu và phát triển tức là gần gấp đôi so với nguồn kinh phí dành cho đầu tư và phát triển của cả Ericsson và Nokia cộng lại (4,46 tỷ USD).

Tác động đến Mỹ


Huawei là nhà cung cấp lớn nhất về thiết bị di động và Trung Quốc là thị trường di động lớn nhất thế giới. Các lệnh trừng phạt của Mỹ, những phản ứng của Huawei và Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả trên toàn thế giới và rủi ro cụ thể cho ngành công nghiệp di động Mỹ.

Tác động trước mắt là các nhà cung cấp thiết bị và cơ sở hạ tầng của Mỹ sẽ thấy doanh số giảm do không thể bán cho Huawei hoặc các đối tác của họ. Điều này đặc biệt làm tổn thương các công ty chipset và linh kiện như Qualcomm, Intel và Broadcom, cũng như các công ty nhỏ hơn như Finisar hoặc Oclaro. Về lâu dài, sự xuất hiện của các nhà cung cấp không sử dụng công nghệ của Mỹ có thể làm xói mòn vai trò hàng đầu của Mỹ trong thị trường bán dẫn.

Nhưng sự gián đoạn sẽ vượt ra ngoài lĩnh vực bán dẫn, đặc biệt là nếu Trung Quốc quyết định trả đũa. Nó có thể ảnh hưởng đến các công ty như Apple, với 14,8% doanh thu từ Trung Quốc. Người Trung Quốc có thể quyết định mua thiết bị di động của Trung Quốc và bỏ qua những chiếc iPhone ngay cả khi không có lệnh cấm bán.

Để loại bỏ hoặc giảm thiểu sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ, các nhà cung cấp Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu để phát triển các công nghệ dựa trên IP trong nước. Trung Quốc và các nước mới nổi khác như Ấn Độ có một lượng lớn các kỹ sư, nhà phát triển phần mềm và các nhà công nghệ khác có thể thấy việc đến Mỹ kém hấp dẫn hơn. Nhiều người trong số họ sẽ chọn ở lại đất nước của mình và xây dựng một ngành công nghiệp di động ít phụ thuộc hơn với sự hỗ trợ của các nhà khai thác địa phương và chính phủ. Trung tâm của sự đổi mới công nghệ trong dài hạn có thể chuyển hướng khỏi Mỹ và chủ nghĩa bảo hộ sẽ đẩy nhanh tốc độ của sự thay đổi này.

Ngoài ra, các động thái của Mỹ chống lại Huawei có thể gây ra sự phân mảnh các tiêu chuẩn và phát triển công nghệ toàn cầu. Tính toàn diện và sự hội tụ theo các tiêu chuẩn toàn cầu là rất cần thiết cho sự phát triển của các công nghệ vô tuyến, mặc dù nó luôn đòi hỏi sự thỏa hiệp cứng rắn từ mọi người. Wi-Fi có thể trở thành công nghệ vô tuyến được sử dụng rộng rãi nhất mà không có sự hài hòa giữa các tiêu chuẩn và phổ tần toàn cầu hay không? Tạo ra một môi trường công nghệ phân cực, nơi các nhà cung cấp và nhà khai thác phải bảo vệ cẩn thận những người họ có thể và không thể làm việc cùng sẽ khiến họ khó hợp tác hơn và đồng ý thỏa hiệp.

Việc loại bỏ Trung Quốc khỏi các cơ quan tiêu chuẩn như 3GPP rất có thể sẽ tạo ra các tiêu chuẩn cạnh tranh. Sự phân mảnh tiêu chuẩn dẫn đến gây tổn hại không chỉ cho Trung Quốc, Mỹ và ngành công nghiệp di động.

Ngoài ra, chiến tranh kinh tế kéo dài và leo thang có thể lan rộng ra ngoài Trung Quốc, Mỹ vì các nhà cung cấp trên toàn cầu có thể muốn giảm sự phụ thuộc vào các linh kiện của Mỹ hoặc Trung Quốc và sẽ muốn duy trì quyền truy cập vào cả thị trường Trung Quốc cũng như Mỹ. Nếu lãnh đạo công nghệ trở nên phân tán hơn trên khắp các quốc gia, hệ sinh thái khu vực có thể xuất hiện. Sự đa dạng về địa lý sẽ làm tăng sự cạnh tranh cho các công ty Mỹ và cả các công ty Trung Quốc.

Sự cởi mở sẽ thay thế cho chủ nghĩa bảo hộ


Thay vì đóng cửa cho những người chơi đơn lẻ, việc mở hệ sinh thái di động cho một nhóm các nhà cung cấp đa dạng sẽ có lợi hơn cho thị trường Mỹ.

Khi các nhà khai thác di động xây dựng mạng 5G của họ, một môi trường mở khuyến khích nhiều nhà cung cấp lựa chọn làm việc cùng nhau và thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả chi phí. Nó cũng tăng cường cam kết của tất cả người chơi đối với các tiêu chuẩn toàn cầu và nền tảng nguồn mở.

Cách tiếp cận này gây áp lực lên các nhà cung cấp cấp 1 đương nhiệm để mở ra cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc của các nhà khai thác vào họ. Thật vậy, đây là một trong những lý do tại sao các nhà khai thác đã nỗ lực thúc đẩy các giao diện mở và mở rộng hệ sinh thái. Dưới áp lực của các nhà khai thác di động, những nhà cung cấp cấp 1 như Nokia và Ericsson đã chấp nhận thách thức và tham gia vào các tổ chức như Liên minh O-RAN, cam kết phát triển một mạng truy cập vô tuyến mở.

Đáng chú ý, Huawei không phải là thành viên của Liên minh O-RAN và không tham gia vào một số sáng kiến toàn hệ sinh thái và nguồn mở. Điều này có thể gây hại nhiều hơn cho công ty trong dài hạn.

Với nhiều người chơi hơn, giao diện mở hơn và tính minh bạch được xây dựng trong các mạng có thể phơi bày những vi phạm về an ninh, quyền riêng tư và an toàn thông tin.

Nhìn chung các giao diện mở như kiến trúc phân tán, ảo hóa có hiệu quả hơn nhiều trong việc đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, an ninh và đạt hiệu quả cao so với các lệnh cấm cũng như rào cản thương mại.

Một hệ sinh thái mở toàn cầu cho phép Mỹ giữ được vị trí lãnh đạo công nghệ mà Mỹ đã xây dựng bằng cách sử dụng tài năng từ khắp nơi trên thế giới.

Theo ICTNews