|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Tỷ giá tham chiếu mà NHNN công bố cho ngày 23/7 mua vào USD ở mức 22.700 đồng và bán ra USD ở mức 23.273 đồng, tăng 268 đồng so với phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, mức tăng tương đương gần 1%. Như vậy, với việc nâng giá bán USD trở lại và lên cao hơn nhiều so với giá bán của các ngân hàng thương mại, NHNN đã phát đi tín hiệu tạm dừng can thiệp tỷ giá. Các thành viên tham gia thị trường đã tạm không được mua USD với giá rẻ như trong 3 tuần qua.
Trước đó, ngày 3/7, NHNN đã chính thức có động thái can thiệp tỷ giá VND/USD khi giảm mạnh mức giá bán USD ra thị trường về 23.050 đồng, giảm 1%. Các thành viên tham gia thị trường có nhu cầu mua USD hợp pháp và đáp ứng đầy đủ các quy định sẽ được mua với giá rẻ hơn đáng kể. Ngay sau động thái này của NHNN, tỷ giá VND/USD đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt và ổn định trở lại.
Trở lại với diễn biến của tỷ giá, sau khi NHNN niêm yết mức giá mới, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng giá bán USD từ 170 – 200 đồng, có những ngân hàng mức giá bán USD được niêm yết rất sát với biên độ NHNN cho phép.
Cụ thể, tại một số ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước như Vietcombank, tỷ giá VND/USD đang dao động ở mức 23.180 – 23.250; tại BIDV là 23.170 – 23.240 (mua vào – bán ra). Một số ngân hàng cổ phần tư nhân có mức niêm yết giá bán sát với trần của NHNN như: Sacombank và Eximbank.
|
Ngân hàng Nhà nước đã phát đi tín hiệu tạm dừng can thiệp tỷ giá VND/USD (Nguồn: SBV)
|
Đây không phải là lần đầu NHNN can thiệp bằng cách hạ giá bán USD mỗi khi tỷ giá diễn biến căng thẳng. Biện pháp này, cho đến nay, vẫn phát huy những hiệu quả tích cực, ít nhất là trong ngắn hạn vì góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư và đảm bảo nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế. Khi tỷ giá bình lặng, nguồn cung dồi dào thì cơ quan này sẽ thực hiện mua vào nhằm tăng cường dự trữ ngoại hối.
Từ đầu năm đến nay, đồng VND đã mất giá so với đồng USD và đồng Yên Nhật (JPY) lần lượt là 1,5% và 1,4%. Tuy nhiên, VND lại có xu hướng tăng giá so với đồng Nhân dân tệ (NDT), đồng EUR và đồng bảng Anh. Theo một số chuyên gia, diễn biến này là phù hợp với bối cảnh chung mà các nước đối tác của Việt Nam đang gặp phải.
Một nguy cơ mới đối với tỷ giá xuất hiện gần đây là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những phê phán các chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong cuộc phỏng vấn với phóng viên đài CNBC, một điều chưa từng có tiền lệ.
Ông Trump tỏ ra lo ngại với viễn cảnh tăng lãi suất của FED vì cho rằng hành động này sẽ tác động tiêu cực tới sự hồi phục của thị trường chứng khoán, có khả năng làm chậm sự phát triển kinh tế của Mỹ. Và quan trọng hơn, hành động của FED sẽ làm gia tăng khoảng cách giữa chính sách tiền tệ của Mỹ và của các đối tác thương mại, do đó đẩy giá USD lên cao và làm giảm ảnh hưởng của thuế quan vừa được áp đặt.
Các nhà phân tích lo ngại rằng đây là dấu hiệu cho thấy sắp xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ mới giữa các nước lớn gây ra những biến động mới trong nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả diễn biến tỷ giá./.