Nhiều người Việt trẻ sống ở vùng dịch Deagu rủ nhau chủ động về nước

VietTimes – Nhiều người trong số cộng đồng kiều bào đang sống và làm việc tại vùng tâm dịch COVID-19 Deagu (Hàn Quốc) tỏ ra hết sức lo lắng, tìm cách bay về Việt Nam, bất chấp đường bay thẳng từ đây về Hà Nội đã bị ngừng ít nhất đến hết tháng 3/2020.

Nơi bùng phát dịch gần khu sinh sống của cộng đồng người Việt

Trao đổi với VietTimes, chị Phạm Huệ – quê gốc Thái Bình, người đã có nhiều năm sinh sống tại Deagu (Hàn Quốc) – bày tỏ lo ngại khi vùng này đang trở thành một trong hai khu vực bùng phát dịch COVID-19 của Hàn Quốc.

Phạm Huệ và người chồng mới cưới đang sống tại Deagu (Hàn Quốc). Ảnh: Facebook nhân vật.
Phạm Huệ và người chồng mới cưới đang sống tại Deagu (Hàn Quốc). Ảnh: Facebook nhân vật.

Chị Huệ kể, khu nhà chị đang ở cách nhà thờ Shincheonji - nơi ghi nhận bùng phát dịch - khoảng 3km. Gần đó có khu rất đông người Việt sinh sống, đặc biệt là sinh viên ở trọ.

Trước bối cảnh bùng phát dịch COVID-19, nhiều người tỏ ra rất lo sợ. Cộng đồng người Việt hầu như ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi có việc thật sự cần thiết.

Phạm Huệ cho biết nhiều tốp bạn trẻ người Việt đang học tập và làm việc tại Deagu đã rủ nhau đặt vé máy bay về Việt Nam. Tại thời điểm này, nhiều người lại mua được vé máy bay giá tốt, chỉ khoảng hơn 4 triệu đồng/vé khứ hồi nếu mua vé Vietjet Air và hơn 3 triệu đồng/vé một chiều của hãng Vietnam Airlines tùy ngày. Toàn bộ chi phí đi lại, vé máy bay hoàn toàn là do các công dân này tự chủ động chi trả.

Đường phố khu vực trung tâm Deagu những ngày này vắng vẻ. Ảnh Phạm Huệ.
Đường phố khu vực trung tâm Deagu những ngày này vắng vẻ. Ảnh Phạm Huệ.

Ngay trong nhóm bạn của Huệ, có đến cả chục người đã đặt vé và sẽ bay về Việt Nam vào ngày 27 – 28/2 này.

Hiện đường bay thẳng từ Deagu về Hà Nội bị ngừng hoạt động đến cuối tháng 3/2020, nên nhiều người đã phải di chuyển xuống sân bay Busan bằng taxi với mức giá cao hơn nhiều so với đi tàu thông thường.

“Bên cạnh nhiều trường ở Deagu đã cho nghỉ từ thứ hai tuần trước (17/2), một số trường khác vẫn yêu cầu sinh viên phải đi học đầy đủ. Do đó, nhiều người đã phải xin bảo lưu chương trình học để trở về Việt Nam lánh dịch”, Huệ cho biết.

Nhiều người sống giữa tâm dịch nhưng không sợ dịch

Những ngày bùng phát dịch tại Deagu, cuộc sống của người dân ở đây đang có nhiều xáo trộn. Đường phố vắng hơn bình thường. Các quán ăn cũng đã đóng cửa. Tuy nhiên, trái ngược với cộng đồng người Việt “cố thủ” trong nhà, nhiều người dân Hàn Quốc, đặc biệt là người theo giáo phái Tân Thiên Địa vẫn tổ chức tụ tập đông người, không đeo khẩu trang.

Deagu buổi tối vài ngày nay cũng vắng vẻ hơn nhiều so với thời gian trước dịch. Ảnh: Phạm Huệ.
Deagu buổi tối vài ngày nay cũng vắng vẻ hơn nhiều so với thời gian trước dịch. Ảnh: Phạm Huệ.

“Nhưng hình như người Hàn họ không sợ dịch, nhiều người ra ngoài không bịt khẩu trang đâu, thậm chí nhiều người phụ nữ lớn tuổi còn mang ghế ra quán ngồi hóng thông tin. Vì vậy nên dịch lây càng nhanh. Chưa kể người theo giáo phái Tân Thiên Địa cứ lẩn trốn sau yêu cầu xét nghiệm của Chính phủ Hàn Quốc thì đến bao giờ mới hết được dịch chứ”, Huệ bày tỏ bức xúc.

Nói về cá nhân, Huệ cho biết cô gia đình tại Deagu và hơn nữa, cô cũng mới cưới được vài tháng, nên không thể về Việt Nam 1 mình. Hơn nữa, yếu tố lớn hơn cả thôi thúc cô ở lại Hàn Quốc chính là “hiện ở Việt Nam mình bây giờ đang yên, dịch cũng đỡ, chúng em lại đang ở ngay tâm dịch, nhà thờ ấy cách nhà em chưa đến 3km mà. Giờ đang khỏe mạnh thì không sao, chứ em sợ ra đến sân bay lại lây từ ai đó rồi mang COVID-19 về lây nhiễm cho mọi người ở nhà”, Huệ bộc bạch.

Bệnh viện có biểu hiện quá tải

Theo quan sát cá nhân của Huệ, bình thường hệ thống y tế của Deagu khá tốt, tuy nhiên, những ngày bùng phát dịch gần đây, bạn bè của cô chia sẻ gọi vào số điện thoại bệnh viện nhưng không có người nghe máy. Bệnh viện phát thuốc cho những người ốm sốt về uống thuốc tại nhà.

Cách đây vài hôm, Huệ có biểu hiện nóng sốt, nhưng cô chủ động uống thuốc ở nhà. Cô cho biết không dám ra ngoài hay đến bệnh viện vì sợ lây chéo.

Đối với các mặt hàng chống dịch hiện nay, khẩu trang đang trở thành món hàng đắt đỏ nhất. Những ngày gần đây, khẩu trang tại Deagu đội giá rất cao, lên tới 60.000 – 80.000 đồng/chiếc – tính theo tiền Việt.

Khẩu trang đội giá, lên đến 200.000 đồng/chiếc

Bạn Trần Dương Kỷ - quê gốc Long Xuyên (An Giang), hiện đang sống và làm việc được 3 năm ở vùng gần tâm dịch Deagu – thông tin với VietTimes, rằng mặt hàng khẩu trang ở đây đang bị “làm giá” chóng mặt, lên tới gần 200.000 đồng/chiếc. Ở vùng Kỷ sống, đường phố vắng hơn nhiều so với trước. Trước đây, chợ hay xe bus đều đông người, nhưng giờ khác hẳn. Cách đây 2 hôm, Kỷ di chuyển bằng xe bus và để ý những xe khác rất vắng khách, chỉ có 1, 2 người, thậm chí không có hành khách.

Trao đổi về thông tin dịch COVID-19 đang ở rất gần, Kỷ cho biết cộng đồng người Việt ở đây, cũng như người dân sau nghe thông tin về bệnh đều rất sợ hãi. Số lượng người Việt ở đây tuy không nhiều nhưng hầu hết họ không muốn về Việt Nam, vì sẽ bị cách ly 14 ngày.