Nhiều doanh Việt không đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để tự phát triển chiến lược số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngoài việc thiếu chuyên môn và kiến thức chuyển đổi số, nhiều doanh Việt vẫn còn không đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để tự phát triển và thực hiện chiến lược số hiệu quả - chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam nhận định
Các chuyên gia ĐH RMIT Việt Nam cho rằng, chiến lược số góp phần thu thập và phân tích dữ liệu, làm gia tăng lợi ích cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia ĐH RMIT Việt Nam cho rằng, chiến lược số góp phần thu thập và phân tích dữ liệu, làm gia tăng lợi ích cho doanh nghiệp.

Trong khi Việt Nam tiếp tục phát triển về mặt công nghệ, các công ty dần nhận ra sự cần thiết của việc thực hiện chiến lược số hiệu quả nhằm duy trì tính cạnh tranh trên thị trường.

Chiến lược số góp phần thu thập và phân tích dữ liệu

Nghiên cứu gần đây của Đại học RMIT Việt Nam chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu một chiến lược số rõ ràng trong khi điều này mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp họ.

Tiến sĩ Burkhard Schrage - Chủ nhiệm cấp cao chương trình MBA và bộ môn Quản trị tại Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam - cho biết: “Một trong những lợi ích chính của chiến lược số đối với doanh nghiệp Việt là khả năng tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Cùng với sự phát triển của internet và công nghệ di động, ngày càng có nhiều người Việt thường xuyên truy cập internet hơn”.

Theo Tiến sĩ Schrage, điều này tạo cơ hội cho các công ty kết nối với người tiêu dùng và tương tác với họ theo những cách mới và sáng tạo.

“Chiến lược số có thể giúp công ty tăng cường hiện diện trực tuyến thông qua việc sử dụng mạng xã hội và các nền tảng số khác” - Tiến sĩ Manjit Sandhu, Giảng viên cấp cao Khoa Kinh doanh, cho biết thêm.

Tiến sĩ Manjit Sandhu (trái) và Tiến sĩ Burkhard Schrage (phải).

Tiến sĩ Manjit Sandhu (trái) và Tiến sĩ Burkhard Schrage (phải).

Điều này đặc biệt hiệu quả ở Việt Nam do tỉ lệ sử dụng mạng xã hội cao, và nhiều người dùng các nền tảng như Facebook và Instagram để kết nối với bạn bè, gia đình, cũng như các nhãn hàng. Bằng cách tạo nội dung hấp dẫn và liên quan, doanh nghiệp có thể xây dựng một cộng đồng trực tuyến vững mạnh và đẩy mạnh quan hệ tích cực với khách hàng của họ.

Tiến sĩ Schrage giải thích rằng chiến lược số góp phần thu thập và phân tích dữ liệu. Với công cụ và hệ thống phù hợp, doanh nghiệp có thể thu thập thông tin giá trị, bao gồm cả sở thích, hành vi và thói quen mua sắm, về khách hàng của mình.

Sau đó, doanh nghiệp có thể dùng dữ liệu này để cải thiện sản phẩm và dịch vụ của công ty, cũng như giúp các hoạt động marketing mục tiêu hiệu quả hơn.

Ngoài ra, chiến lược số còn giúp các công ty vận hành trôi chảy và giảm chi phí. Bằng cách số hóa quy trình và chức năng, công ty có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc mà lẽ ra phải chi cho các việc thủ công và giấy tờ. Ví dụ như có thể tận dụng nền tảng số để quản lý chuỗi cung ứng.

Lo ngại về chi phí chuyển đổi số

Theo Tiến sĩ Sandhu, một trong những thách thức mà các công ty Việt Nam gặp phải khi thực hiện chiến lược số là thiếu chuyên môn và kiến thức trong lĩnh vực này. Nhiều doanh Việt vẫn còn tương đối nhỏ và có thể không đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để tự phát triển và thực hiện chiến lược số hiệu quả.

Tiến sĩ Schrage cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp có thể còn thiếu hiểu biết về lợi ích tiềm năng của chiến lược số, cũng như lo ngại về chi phí và nỗ lực cần bỏ ra để thực hiện.

Tiến sĩ Sandhu gợi ý: “Để vượt qua những thách thức này, doanh nghiệp Việt có thể tìm hỗ trợ và chuyên môn từ bên ngoài. Chẳng hạn, họ có thể làm việc với các công ty tư vấn về chuyển đổi số doanh nghiệp, những bên có thể đưa ra lời khuyên và hướng dẫn về cách xây dựng và thực thi chiến lược số”.

Ngoài ra, hiện có một số tổ chức và sáng kiến cung cấp đào tạo và hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát triển năng lực số, chẳng hạn như Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (vecom.vn) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (idea.gov.vn)./.