Theo BBC, số lượng chiến binh nước ngoài thời gian qua đã tăng vọt ở thành phố Sirte của Libya. IS đã chiếm đóng thành phố vốn là quê hương của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi từ năm ngoái.
Ông Ismail Shukri, giám đốc cơ quan tình báo ở thành phố Misrata, Libya, cho biết trong những tháng qua một lượng lớn chiến binh nước ngoài đã đổ vào Libya.
“70% chiến binh IS ở Sirte là người nước ngoài. Phần đông trong đó là người Tunisia, cùng với đó là người Ai Cập, Sudan và một số người Algeria. Còn có cả người Iraq, Syria. Hầu hết người Iraq là những thành phần thuộc lực lượng quân đội một thời của ông Saddam Hussein”, ông Ismail Shukri cho biết.
Theo ông Shukri, do áp lực truy quét từ các đợt không kích của liên minh quốc tế tại Iraq và Syria, các tướng lĩnh cao cấp của IS đã chạy về nương náu tại Libya. “Một số thành viên của chúng (IS), nhất là những tên có tầm quan trọng lâu dài với IS, đang trú ẩn tại đây. Chúng xem Libya như một nơi ẩn náu an toàn”, ông Shukri nói.
Chính quyền tại Misrata cho biết họ đang chuẩn bị chiến dịch tấn công IS tại thành phố Sirte. Tuy nhiên, tại thị trấn Abugrein, cách Misrata 120 km về phía nam, nơi được xem như tuyến phòng thủ cuối cùng chống IS, hiện chưa có tín hiệu cho thấy cuộc chiến sẽ sớm diễn ra.
Các tướng lĩnh chỉ huy ở Abugrein cho biết lực lượng trung thành với chính phủ ở Tripoli chỉ có khoảng 1.400 binh sĩ, ít hơn một nửa so với lực lượng của IS.
Viên sĩ quan Mohammed al-Bayoudi thừa nhận nếu không có sự trợ giúp của quốc tế, họ sẽ không thể đánh bại IS.
Ông nói: “Chắc chắn là chúng tôi sẽ hoan nghênh sự giúp đỡ của NATO. Nhưng chỉ riêng các cuộc không kích thôi thì chưa thể đánh bại IS. Những gì quân đội thực sự cần là sự trợ giúp về mặt hậu cần”.
Khả năng can thiệp quân sự quốc tế ở Libya là một vấn đề rất nan giải. Mỹ thừa nhận trong những tuần qua đã điều một số lượng nhỏ lực lượng đặc nhiệm tới Libya.
Một số nhóm quân tương tự của các nước NATO khác cũng đang cố gắng liên kết với các nhóm quân đồng minh ở địa phương trong cuộc chiến sắp diễn ra với IS.
Tuy nhiên binh lính ở Abugrein lại nói họ không muốn phương Tây đưa bộ binh vào. Ông al-Bayoudi nói: “Những người Libya chúng tôi sẽ chiến đấu. Không cần có binh sĩ nước ngoài”.
Những bất đồng giữa hai chính phủ cùng tồn tại ở Libya đã gây ảnh hưởng xấu tới các chiến dịch chống IS. Người ta tin rằng IS đã nhận được sự hỗ trợ của những phần tử trung thành với chính quyền cũ của ông Muammar Gaddafi.
Theo Tuổi trẻ