Nhật-Hàn tranh cãi về kế hoạch xả nước thải chứa phóng xạ

Thứ trưởng thứ nhất Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc, khẳng định nếu nước được xả ra đại dương, đó sẽ không còn là vấn đề nội bộ của Nhật mà tác động đến môi trường toàn cầu.
Trong ảnh: Lò phản ứng số 4 (trái) của nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Okuma, Fukushima, Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong ảnh: Lò phản ứng số 4 (trái) của nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Okuma, Fukushima, Nhật Bản. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhật Bản và Hàn Quốc đã tranh cãi quyết liệt tại một phiên họp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về kế hoạch xả nước có chứa chất phóng xạ từ nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 ra đại dương của Tokyo.

Theo hãng tin Jiji Press, trong phiên họp toàn thể thường niên của IAEA tại Vienna (Áo) ngày 16/9, Bộ trưởng Chính sách Công nghệ Thông tin Nhật Bản Naokazu Takemoto cho biết phần lớn các chất phóng xạ đã được tách khỏi nước đã qua xử lý tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ở phía Đông Bắc Nhật Bản ngoại trừ tritium, một chất phóng xạ yếu.

Phía Nhật Bản cũng cho biết có những chỉ trích không căn cứ vào thực tế hoặc bằng chứng khoa học, dường như ám chỉ vào các tuyên bố trước đó của Hàn Quốc.

Trước đó, dẫn lại phát biểu gần đây của cựu Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yoshiaki Harada rằng không có cách nào khác ngoài việc xả nước có chứa phóng xạ ra đại dương để pha loãng nó, bà Mun Mi-ock, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc, khẳng định nếu nước (từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1) được xả ra đại dương, đó sẽ không còn là vấn đề nội bộ của Nhật Bản mà là mối đe dọa có thể tác động tới môi trường biển toàn cầu. Vì vậy, Hàn Quốc kêu gọi sự can dự tích cực của IAEA trong vấn đề này.

Bà Mun Mi-ock cho rằng Nhật Bản vẫn chưa trả lời các câu hỏi về kế hoạch xả thải nói trên trong khi toàn thế giới lo lắng và sợ hãi về hành động này của Tokyo. Bà Mun Mi-ock nêu rõ: “IAEA cần phải tiến hành cuộc điều tra tại hiện trường về tình trạng hiện nay của nhà máy Fukushima và nguồn nước nhiễm xạ của nó." Bà còn yêu cầu đánh giá tác động về hệ sinh thái bằng phương thức khoa học và khách quan.

Bà Mun Mi-ock cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các phương pháp và tiêu chuẩn cho việc xả nước thải để không chất thêm gánh nặng cho các thế hệ sau./.

Theo TTXVN/Vietnam+

http://www.vietnamplus.vn/nhathan-tranh-cai-ve-ke-hoach-xa-nuoc-thai-chua-phong-xa/595764.vnp