Nhật chuyển hai máy bay huấn luyện TC-90 cho Philippines

VietTimes -- Những máy bay huấn luyện này đều được cải tạo, đã trang bị thiết bị săn ngầm và trinh sát trên biển, có thể nâng cao khả năng trinh sát và tuần tra cho Hải quân Philippines trên Biển Đông.
Thứ trưởng Quốc phòng Nhật BẢn Kenji Wakamiya và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tại Lễ bàn giao 2 máy bay huấn luyện TC-90 ngày 27/3/2017. Ảnh: Kyodo
Thứ trưởng Quốc phòng Nhật BẢn Kenji Wakamiya và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tại Lễ bàn giao 2 máy bay huấn luyện TC-90 ngày 27/3/2017. Ảnh: Kyodo

Bàn giao trước 2 máy bay TC-90 cho Philippines
Ngày 23/3, có 2 máy bay huấn luyện TC-90 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã lần lượt cất cánh, bay về phía Nam. Sau các trạm dừng tại các khu vực như căn cứ Naha, tỉnh Okinawa, Nhật Bản, 2 máy bay này cuối cùng đã bay đến Philippines. Cùng bay còn có máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản.
Các máy bay này do phi công của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản điều khiển. Phi công của Hải quân Philippines cũng có mặt trên máy bay. 
Lễ bàn giao 2 máy bay này cho Philippines được thực hiện vào ngày 27/3/2017 với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kenji Wakamiya.
Căn cứ vào thỏa thuận đạt được giữa hai nước vào năm 2016, Nhật Bản sẽ lấy 5 máy bay huấn luyện trong “kho dự trữ” của Lực lượng Phòng vệ, cho Philippines thuê với giá siêu thấp - Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tiết lộ. Mỗi năm, Philippines chỉ phải trả 28.000 USD cho phía Nhật Bản.
Việc máy bay tuần tra săn ngầm P-3C bay theo được Bộ Quốc phòng Nhật Bản giải thích là vì mục đích “chi viện”, nhưng chi viện cho chương trình gì thì Nhật Bản đã không nói rõ, tạo không gian lớn cho dư luận phỏng đoán.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, theo thỏa thuận, Nhật Bản cho Philippines thuê tổng cộng 5 máy bay huấn luyện TC-90. Nhật Bản sẽ bàn giao 3 chiếc còn lại cho Philippines vào năm 2018. Đồng thời, Philippines sẽ “chờ Nhật Bản có luật cho phép tặng thiết bị quốc phòng cho nước khác”.

Ngày 27/3/2017, Nhât Bản bàn giao 2 máy bay huấn luyện TC-90 cho Philippines. Ảnh: Zaobao
Ngày 27/3/2017, Nhât Bản bàn giao 2 máy bay huấn luyện TC-90 cho Philippines. Ảnh: Zaobao

Những máy bay huấn luyện này đều được cải tạo, đã trang bị thiết bị săn ngầm và trinh sát trên biển, có thể nâng cao khả năng trinh sát và tuần tra cho Hải quân Philippines trên Biển Đông. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trang bị tổng cộng 28 máy bay huấn luyện TC-90.
Nhật Bản muốn đối phó Trung Quốc
Theo đài truyền hình CCTV Trung Quốc ngày 27/3, biên đội máy bay Nhật Bản đến Philippines lần này tiếp tục cho thấy Nhật Bản đang ra sức “lôi kéo” Philippines để ứng phó Trung Quốc.
Trang tin Đài tiếng nói Đức ngày 27/3 cũng cho rằng để tăng cường phòng thủ trên biển, đối phó Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines thuê máy bay huấn luyện của Nhật Bản là một phần trong kế hoạch này.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết: “Những máy bay này sẽ tăng cường khả năng phòng thủ biển của đất nước chúng tôi, đồng thời cũng cung cấp lực lượng đường không cần thiết cho Hải quân Philippines hoàn thành sứ mệnh”.
Ngoài tham gia các hành động cứu trợ nhân đạo và cứu nạn, những máy bay này đồng thời sẽ được dùng để “tuần tra trên biển và trinh sát, theo dõi, để chi viện cho các hành động phòng thủ biển” – ông Delfin Lorenzana cho biết thêm.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản cung cấp trang bị phòng vệ cho quốc gia Đông Nam Á. Điều này có lợi cho bảo vệ “hòa bình và ổn định khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Philippines dưới thời Benigno Aquino kiên định thực hiện chính sách “cứng rắn” với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nhưng, năm 2016, sau khi ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền, Philippines đã không ngừng cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Máy bay huấn luyện TC-90 Nhật Bản. Ảnh: Guancha
Máy bay huấn luyện TC-90 Nhật Bản. Ảnh: Guancha

Ngoài cung cấp máy bay huấn luyện cho Philippines, Nhật Bản còn cung cấp 2 tàu tuần tra cỡ lớn cũ cho Malaysia. Nhật Bản muốn thông qua tăng cường năng lực phòng thủ biển cho các nước này để kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Gần đây, Nhật Bản có rất tích cực tham gia vào các vấn đề ở Biển Đông. Ngoài những động thái nêu trên, thời gian tới, Nhật Bản sẽ còn điều tàu sân bay trực thăng, gia tăng hiện diện quân sự trên Biển Đông.
Theo tiết lộ của hãng tin Reuters Anh gần đây, từ tháng 5 đến tháng 8/2017, tàu sân bay trực thăng Izumo, loại tàu chiến lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ đến tuần tra Biển Đông, thăm cảng biển của Philippines và một số nước khác trong khu vực, sau đó sẽ đến Ấn Độ Dương tham gia cuộc tập trận chung Malabar với Mỹ - Ấn.
Là nước đưa ra yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp ở Biển Đông, Trung Quốc giữ thái độ “cảnh giác” rất cao đối với các động thái quân sự này của Nhật Bản.
Philippines thực sự muốn đối phó Trung Quốc?
Như đã nói ở trên, thỏa thuận thuê máy bay huấn luyện TC-90 đạt được giữa Nhật Bản và Philippines dưới thời Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Khi đó, thái độ “chống Trung Quốc” của Philippines rất mạnh. Philippines thậm chí kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài ở The Hague, Hà Lan.
Nhưng, hiện nay, Tổng thống đương nhiệm của Philippines, ông Rodrigo Duterte lại thường xuyên “nói tốt” cho Trung Quốc. Ông thậm chí tuyên bố đất nước Philippines có thể bị xóa sổ khi ngăn chặn Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, Philippines đang cải thiện rất lớn quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc. Hơn nữa, Tổng thống Rodrigo Duterte còn tuyên bố có thể mua sắm vũ khí trang bị của Trung Quốc.
Không chỉ có vậy, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte còn cho phép tàu chiến Trung Quốc đến thăm cảng biển của Philippines và ông sẽ lên tàu thăm quan. Trong khi đó, gần đây, ông Rodrigo Duterte từ chối thăm quan tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ khi nó đến tuần tra Biển Đông và ông được phía Mỹ mời.
Nhiều phát biểu gây sốc của ông Rodrigo Duterte trong quan hệ với Trung Quốc đã gây xôn xao cho dư luận quốc tế trong thời gian qua. Philippines không còn “cứng rắn” với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông như trước đây. Các động thái của họ đang được cộng đồng quốc tế tiếp tục theo dõi.