Nhật chốt chặn chuỗi đảo thứ nhất, phát triển “Tomahawk” đánh phủ đầu đối phó ai?

VietTimes -- Nhật Bản sẽ triển khai các đơn vị cảnh giới, tên lửa quy mô 700 - 800 quân ở đảo Miyako chốt chặn ở chuỗi đảo thứ nhất, phát triển tên lửa hành trình để đánh đòn phủ đầu, thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp để thay Mỹ...
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngồi trên xe tăng vào ngày 27/4/2013.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngồi trên xe tăng vào ngày 27/4/2013.

Theo hãng tin Kyodo Nhật Bản, gần đây, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã khởi động công trình san bằng khu đất đóng quân của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất ở đảo Miyako, tỉnh Okinawa. Đây là động thái mới nhất cho thấy Nhật Bản tăng cường triển khai ở các đảo phía tây nam, trong khi đó đảo Miyako cách đảo Senkaku chỉ 170 km.

Sau khi hoàn thành san đất khu vực đóng quân, từ năm 2018 sẽ lần lượt xây dựng các công trình như nhà ở cho binh sĩ, có kế hoạch triển khai các đơn vị cảnh giới và tên lửa đất đối không, đất đối hạm quy mô 700 - 800 quân.

Tăng cường phòng thủ khu vực tây nam

Từ năm 2016, Nhật Bản không ngừng tăng cường phòng thủ ở khu vực tây nam. Tháng 3/2016, triển khai lực lượng giám sát bờ biển của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất ở đảo Yonaguni, tỉnh Okinawa.

Đảo Yonaguni cách Trung Quốc chỉ 150 km, máy bay chiến đấu cất cánh từ đảo này chỉ bay khoảng 10 phút là có thể tới đảo Senkaku. Ngoài ra, địa điểm triển khai Lực lượng Phòng vệ theo quy hoạch của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe còn bao gồm các đảo Ishigaki và Amami Great.

Tháng 10/2017, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ thành lập “liên đội cơ động đổ bộ” vào tháng 3/2018. Đây là lực lượng bảo vệ đảo nhỏ chuyên nghiệp của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, cũng chính là lực lượng hải quân đánh bộ của Nhật Bản.

Theo đánh giá của bình luận viên quân sự Trung Quốc Tống Hiểu Quân, sau khi Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ, sửa đổi Hiến pháp và có quân đội chính quy trong thời gian tới, lực lượng triển khai trên đảo Miyako có thể sẽ chuyển đổi thành lực lượng hải quân đánh bộ.

Tên lửa đất đối hạm Type 12 Nhật Bản. Ảnh: People
Tên lửa đất đối hạm Type 12 Nhật Bản. Ảnh: People

Lực lượng này có thể tiến hành giám sát, thậm chí có thể đe dọa đối với tàu chiến ra vào eo biển Miyako. Nhật Bản không ngừng tăng cường phòng thủ ở khu vực tây nam, mối quan tâm chính ở phía tây là Đài Loan, rõ ràng có ý đồ thay thế Mỹ làm người “canh gác” ở tuyến đầu Tây Thái Bình Dương.

Phát triển tên lửa hành trình “Tomahawk”

Ngoài không ngừng tăng cường phòng thủ khu vực tây nam, báo chí Nhật Bản gần đây cho biết chính quyền Shinzo Abe đang nghiên cứu phát triển tên lửa hành trình có thể tấn công các mục tiêu mặt đất.

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản thực sự phát triển tên lửa hành trình đối đất. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa vấn đề này vào kế hoạch nâng cấp tên lửa chống hạm bắt đầu thực hiện từ năm 2018, mục đích chủ yếu là đoạt lấy đảo nhỏ xa xôi bị địch chiếm đóng.

Đồng thời, loại tên lửa này còn có thể dùng để tấn công căn cứ quân địch. Điều này sẽ có lợi cho Nhật Bản nâng cao khả năng răn đe đối với Triều Tiên.

Theo báo chí Hàn Quốc, về bề ngoài, tên lửa hành trình “Tomahawk phiên bản Nhật Bản” được phát triển nhằm phục vụ cho mục đích phòng thủ, nhưng một khi nó được triển khai thì có thể phát động tấn công đánh đòn phủ đầu đối với nước khác.

Trên thực tế, việc phát triển loại tên lửa này đã đi ngược lại quy định “chỉ dùng để phòng ngự, không thể phát động tấn công đánh đòn phủ đầu” của Hiến pháp hiện hành Nhật Bản.

Ngoài ra, Nhật Bản sẽ còn thành lập trung đoàn cơ động đổ bộ vào tháng 3/2018.

Tên lửa hành trình Tomahawk. Ảnh: NY Daily News.
Tên lửa hành trình Tomahawk. Ảnh: NY Daily News.

Tích cực thúc đẩy “sửa đổi Hiến pháp”

Từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ đến nay, ông Donald Trump đã từ bỏ chiến lược “tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương” của chính quyền Barack Obama, nhưng Nhật Bản vẫn tích cực điều chỉnh lực lượng quân sự hướng vào khu vực tây nam, điều này có liên quan đến “chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Mỹ và kế hoạch “sửa đổi Hiến pháp” bước tiếp theo của ông Shinzo Abe.

Chuyên gia Tống Hiểu Quân cho rằng Mỹ đang đối mặt với cục diện tất cả các lực lượng của Hạm đội Thái Bình Dương “bị mệt mỏi”. Mỹ hy vọng tăng cường chi tiêu quân sự để giải quyết những vấn đề này.

Do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch ưu tiên giảm thuế, chi tiêu quân sự của Mỹ ở trong trạng thái rất căng thẳng, cộng với năm 2018 là năm then chốt sửa đổi Hiến pháp của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Vì vậy, lúc này, ông Shinzo Abe đương nhiên muốn ra mặt, hỗ trợ Mỹ trên tuyến đầu, đẩy mạnh chi tiền, tăng quân, tích cực phối hợp với “chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Mỹ, giúp Mỹ giải quyết vấn đề. Điều này cũng chính là Nhật Bản tự giúp mình sửa đổi Hiến pháp.

Nhật Bản muốn chuyển đổi Lực lượng Phòng vệ thành quân đội chính quy.
Nhật Bản muốn chuyển đổi Lực lượng Phòng vệ thành quân đội chính quy. Ảnh: Tân Hoa xã.