Nhật “bắt bài” tàu ngầm Trung Quốc, quyết bảo vệ chủ quyền Senkaku

VietTimes -- Mặc dù Nhật Bản tích cực thúc đẩy cải thiện quan hệ với Trung Quốc nhằm tổ chức Hội nghị Cấp cao Trung - Nhật - Hàn tiếp theo, nhưng Nhật Bản đang kiên quyết bảo vệ chủ quyền nhóm đảo Senkaku trước Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: The Japan News.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: The Japan News.

Ngày 31/1, tại hội nghị Ủy ban ngân sách Thượng viện Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề cập đến vấn đề hải quân Trung Quốc xâm nhập khu vực lân cận đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư), cho biết Nhật Bản “sẽ kiên quyết và bình tĩnh ứng phó”, đồng thời tuyên bố “hy vọng Trung Quốc không nên nhìn nhầm quyết tâm của chính quyền Shinzo Abe”. Ông Shinzo Abe khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận Nhật Bản.

Những phát biểu này có thể liên tưởng đến thời gian gần đây Trung Quốc có nhiều hành động đòi hỏi chủ quyền ở nhóm đảo Senkaku. Ngày 11/1/2018, chính phủ Nhật Bản cho biết tàu chiến mặt nước và tàu ngầm Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển lân cận đảo Senkaku.

Khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đã tiến hành phản đối với Đại sứ Trung Quốc tại Nhật là ông Trình Vĩnh Hoa. Trung Quốc nói là hai tàu chiến của Nhật Bản đã hoạt động ở khu vực này, do đó hải quân Trung Quốc đã tiến hành theo dõi.

Đề cập đến sự kiện này, trung tướng nghỉ hưu Kunio Orita của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản cho rằng tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc bị Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản phát hiện và theo dõi đã “làm cho Trung Quốc xấu hổ trên vũ đài thế giới”, chúng không thể hoạt động ở biển Hoa Đông.

Ngoài ra, để khẳng định chủ quyền, ngày 25/1, chính phủ Nhật Bản đã mở “Khu triển lãm lãnh thổ và chủ quyền” ở Tokyo. Nhật Bản muốn coi đây là nơi tổ chức triển lãm thường xuyên, tuyên truyền ở trong và ngoài nước về đảo Senkaku và đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là đảo Dokdo) là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản.

Nhóm đảo Senkaku. Ảnh: AP.
Nhóm đảo Senkaku. Ảnh: AP.

Việc tuyên truyền chủ quyền này đã gây “bất mãn mạnh mẽ” cho phía Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong đó, ngày 26/1, Trung Quốc đã lên tiếng tiếp tục khẳng định họ có các “bằng chứng lịch sử và pháp lý” khẳng định chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư, cho rằng việc làm của Nhật Bản sẽ không thể thay đổi “sự thực đảo Điếu Ngư thuộc Trung Quốc”.

Mặc dù Trung Quốc và Nhật Bản vẫn ồn ào xung quanh vấn đề đảo Senkaku, nhưng quan hệ Trung - Nhật gần đây có xu hướng cải thiện. Đáng chú ý, tháng 5/2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ triển khai hợp tác tích cực về sáng kiến “Vành đai, con đường” do Trung Quốc đề xướng. Tháng 12/2017, Trung Quốc và Nhật Bản đã đạt được tiến triển tích cực về việc “xây dựng và khởi động sử dụng cơ chế liên lạc trên biển, trên không”. Việc thiết lập cơ chế này có lợi cho tránh xảy ra xung đột ngẫu nhiên ở biển Hoa Đông. Giữa Trung Quốc và Mỹ cũng có cơ chế tương tự như “Quy tắc gặp nhau bất ngờ trên biển” và “Quy tắc ứng xử an toàn trên biển, trên không Trung - Mỹ”.

Từ ngày 27 - 28/1, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã đến thăm Trung Quốc, hai bên đồng ý thúc đẩy cải thiện quan hệ song phương, đồng ý tạo môi trường thích hợp cho nhanh chóng tổ chức Hội nghị Cấp cao Trung - Nhật - Hàn tiếp theo. Nhật Bản hoan nghênh Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm chính thức Nhật Bản.

Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Nhật Bản còn bày tỏ thái độ tích cực đối với tham gia xây dựng “Vành đai, con đường”, tìm kiếm hợp tác ba bên. Hai bên hoan nghênh việc đạt được nhất trí nguyên tắc về thiết lập cơ chế liên lạc trên biển, trên không, sẵn sàng sớm ký kết, thực hiện. Hai bên đồng ý bảo vệ hệ thống thương mại tự do, đẩy nhanh nhất thể hóa kinh tế khu vực, xây dựng kinh tế thế giới mở.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiến hành hội đàm ngày 28/1/2018. Ảnh: AP.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiến hành hội đàm ngày 28/1/2018. Ảnh: AP.

Nhìn vào tình hình hiện nay, quan hệ Trung - Nhật vẫn còn tồn tại nhiều biến số, triển vọng tổ chức Hội nghị Cấp cao Trung - Nhật - Hàn tại Nhật Bản trong năm nay vẫn còn phải tiếp tục quan sát.