Nhật Bản tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng để đối phó các mối đe dọa mới

VietTimes -- Nhật Bản sẽ tăng cường phòng thủ đảo nhỏ đối phó Trung Quốc, tăng cường khả năng đánh chặn tên lửa của Triều Tiên và tăng cường ứng phó với các mối đe dọa từ vũ trụ và không gian mạng...
Bà Tomomi Inada, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Getty Images
Bà Tomomi Inada, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: Getty Images

Hãng tin Kyodo, Nhật Bản ngày 1/12 cho biết Chính phủ Nhật Bản đang cân đối để tăng chi tiêu quốc phòng trong ngân sách năm tài khóa 2017 lên khoảng 5.100 tỷ yên (khoảng 308 tỷ nhân dân tệ).

Như vậy năm tài khóa 2017 là năm thứ 5 Nhật Bản liên tục tăng ngân sách quốc phòng. Mục đích tăng ngân sách này là để tăng cường ứng phó với tình hình quốc tế bất ổn liên quan đến Triều Tiên và Trung Quốc.

Trong dự thảo ngân sách bổ sung lần thứ ba năm tài khóa 2016 được xây dựng vào tháng 12/2016 cũng chuẩn bị số kinh phí quốc phòng tăng mới. Trong bối cảnh giảm các ngân sách khác như kinh phí giáo dục và an ninh xã hội, kinh phí quốc phòng hầu như được đặc biệt chú trọng.

Trước đây, ngân sách năm tài khóa tiếp theo được thông qua tại hội nghị nội các vào ngày 24/12, năm nay ngày này đúng vào thứ Bảy, cho nên hiện đã bắt đầu tiến hành sắp xếp phương án đẩy lên trước vào ngày 22/12.

Kinh phí quốc phòng trong ngân sách tài khóa năm 2012 do chính quyền Đảng Dân chủ cũ (DPJ) Nhật Bản xây dựng là 4.713,8 tỷ yên, sau đó dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe đã liên tục tăng hàng năm, năm tài khóa 2016 lần đầu tiên vượt 5.000 tỷ yên, đạt 5.054,1 tỷ yên.

Tàu sân bay trực thăng Izumo tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản. Ảnh: Cankao
Tàu sân bay trực thăng Izumo tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản. Ảnh: Cankao

"Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn" từ năm tài khóa 2014 đến năm tài khóa 2018 đưa ra chỉ tiêu tăng bình quân hàng năm về kinh phí là 0,8%, năm tài khóa 2017 cũng sẽ duy trì mức tăng khoảng 0,8%.

Do Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động trên biển, Nhật Bản sẽ tăng cường phòng thủ đảo nhỏ ở khu vực lân cận đảo Okinawa. Ngoài sẽ, Nhật Bản sẽ tập trung nâng cao khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, đồng thời đặt trọng điểm vào ứng phó trong không gian mạng và vũ trụ. Kinh phí dành cho ứng phó với các thảm họa như động đất và bão cũng được đưa ra.

Kinh phí dành cho điều chỉnh Quân đội Mỹ thuộc phần kinh phí trung hạn cũng có khả năng tăng lên trên cơ sở 179,4 tỷ yên của năm tài khóa 2016. Một khoản kinh phí khác sẽ tăng nhiều, đó là kinh phí phục vụ cho Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đóng ở Okinawa di dời tới Guam, máy bay trên tàu sân bay từ căn cứ Atsugi, tỉnh Kanagawa di dời đến căn cứ Iwakuni, tỉnh Yamaguchi.

Kinh phí quốc phòng của Nhật Bản là những chi phí liên quan đến phòng thủ của Nhật Bản như kinh phí chi cho nhân viên Lực lượng Phòng vệ, kinh phí mua sắm tàu ngầm và máy bay tuần tra... Trong đó bao gồm kinh phí dành cho Quân đội Mỹ đóng ở Nhật Bản và kinh phí điều chỉnh của Quân đội Mỹ.

Xét tới Triều Tiên thường xuyên "khiêu khích" bằng cách phóng tên lửa cũng như Trung Quốc thường xuyên hoạt động trên vùng biển đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư), những năm gần đây, Nhật Bản liên tục tăng ngân sách quốc phòng.

Kinh phí mua sắm các trang bị như máy bay chiến đấu và xe tăng chiếm tỷ lệ tương đối lớn, vì vậy Bộ Tài chính Nhật Bản đang yêu cầu thông qua điều chỉnh các biện pháp mua sắm để ép hạ giá.

Ngày 23/6/2016, Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan. Ảnh: Sina
Ngày 23/6/2016, Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan. Ảnh: Sina

Theo hãng tin Kyodo Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu cân nhắc tăng ngân sách quốc phòng lên 5.100 tỷ yên. Trong tình hình chính sách châu Á của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vẫn chưa rõ ràng, Nhật Bản thể hiện tư thế nỗ lực gánh vác "thích hợp", muốn củng cố vững chắc quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ.

"Mối đe dọa" hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã bước vào giai đoạn mới, cảm giác khủng hoảng về môi trường an ninh của Nhật Bản tăng lên cũng là một trong những bối cảnh dẫn tới Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng.

Ngoài ra, có chuyên gia cho rằng do Luật An ninh mới của Nhật Bản bước vào giai đoạn thực thi, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ có nhiều sứ mệnh, nhiệm vụ mới như tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng, từ ngày 12/12 tới sẽ bắt đầu triển khai nhiệm vụ "bảo vệ, chi viện", do đó, Chính phủ Nhật Bản quyết định tăng ngân sách quốc phòng.

Có nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng tình hình an ninh khu vực xung quanh Nhật Bản thực sự trở nên nghiêm trọng hơn. Tháng 1 và tháng 9/2016, Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân, đồng thời còn nhiều lần bắn tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong, loại tên lửa có thể vươn tới toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản. Do đó, tăng cường phòng thủ tên lửa là một vấn đề cấp bách trong đó có hợp tác Nhật - Mỹ - Hàn.

Ngày 1/8/2016, ba hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật ở biển Hoa Đông. Ảnh: Chinanews
Ngày 1/8/2016, ba hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật ở biển Hoa Đông. Ảnh: Chinanews

Có nguồn tin cho rằng đồng minh Nhật - Mỹ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này, nhưng có thể "lung lay" trong thời gian tới do ông Donald Trump lên nắm quyền. Do sự cân bằng của môi trường an ninh bị phá vỡ, Nhật Bản buộc phải tăng cường khả năng phòng vệ.

Tuy nhiên, cùng với việc bảo đảm ổn định môi trường an ninh và quan hệ với Mỹ, những nỗ lực ngoại giao cũng không thể thiếu. Do vấn đề ông Donald Trump yêu cầu Nhật Bản tăng chi trả cho hoạt động đóng quân của Mỹ tại nước này, khả năng đạt được thỏa thuận trong các cuộc hội đàm cấp cao Nhật - Mỹ trong thời gian tới sẽ trở thành trung tâm chú ý.