Trong suốt ¼ thế kỷ, Nhật Bản đã vận dụng đủ mọi biện pháp để tăng giá và tạo cú hích cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của mình. Nhưng cuối cùng, chính đại dịch COVID-19 và chiến tranh mới tạo ra cú hích đó.
Giá năng lượng và thực phẩm leo thang do chiến sự ở Ukraine, cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong giai đoạn COVID-19, đã mang đến sự chấm dứt kỷ nguyên “Nhật Bản hóa” (Japanification) một cách đầy bất ngờ. "Nhật Bản hóa" - thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng tăng trưởng kinh tế ảm đạm kéo dài và lạm phát yếu ớt hoặc thậm chí là tình trạng giảm phát.
“Giống như một điềm gở biến thành sự may mắn vậy”, Etsuro Honda, cố vấn kinh tế của cố Thủ tướng Shinzo Abe, nói. “Nhờ vào những thảm họa này, tâm lý lo ngại giảm phát đã biến mất”.
Trong nhiều thập kỷ, “Nhật Bản hóa” đã trở thành cụm từ đại diện cho nỗi lo kinh tế về giá cả sụt giảm và đà tăng trưởng trì trệ. Giá giảm có thể là điều tốt đối với những người tiêu dùng phương Tây đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát, nhưng các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới luôn lo sợ rằng nền kinh tế của họ sẽ rơi vào cái bẫy như Nhật Bản đã từng gặp phải vào những năm 1990.
Việc Nhật Bản bất ngờ thoát ra khỏi vũng lầy đó đã đưa ra một bài học mới: Cần có một cú sốc mạnh mẽ mới có thể thoát khỏi “Nhật Bản hóa”.
Thông điệp này cũng khá phù hợp với Trung Quốc ngày nay, khi mà giá cả ở nước này đã ngừng tăng và người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, khiến nhiều người không khỏi so sánh với Nhật Bản cách đây 3 thập kỷ. Các nhà hoạch định chính sách ở Tokyo nói rằng Nhật Bản đáng lẽ ra nên hành động quyết liệt hơn từ sớm thay vì chờ đợi suốt nhiều thập kỷ.
Lạm phát ở Nhật Bản hiện ở mức 3% và mức lương đang tăng, mặc dù chậm hơn so với giá cả.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ngày 31/10 cho hay, họ kỳ vọng lạm phát cơ bản sẽ ở mức 2,8% trong năm 2024, cũng là năm thứ ba liên tiếp "đạt mục tiêu". Mặc dù nước này vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi tình trạng trì trệ, nhưng các nhà kinh tế học và giới hoạch định chính sách tin rằng đến cuối cùng họ sẽ có cơ hội thoát khỏi giảm phát.
Trải nghiệm lạm phát sau nhiều thập kỷ
Chihiro Ohno, nữ diễn viên kiêm nhân viên bán thời gian tại một cửa hàng đồ gốm, suốt nhiều năm nay vẫn để ý đến một cặp khuyên tai. Gần đây, khi cô tới cửa hàng xem lại, cặp khuyên tai này có giá khoảng 200 USD, tức cao hơn 50% so với cái giá trước đây. Nhân viên cửa hàng nói với cô rằng gần đây giá đã được nâng lên vài lần và có thể còn tiếp tục tăng.
Ohno, 27 tuổi, cuối cùng đã mua một cặp làm quà cho người bạn mình. “Tôi muốn quay lại cửa hàng và mua một cặp cho bản thân ngay khi có thể, khi lương của tôi tăng lên”, cô nói.
Và theo ông chủ cửa hiệu đồ gốm nơi cô làm việc, ông Hiroyuki Okami 43 tuổi, thì cô nằm trong số những người sắp được tăng lương. Ông Okami mới đây đã tăng giá các sản phẩm lần thứ hai trong năm nay, do nhận thấy khách hàng sẵn sàng chấp nhận đợt tăng giá đầu.
Tsutomu Watanabe, nhà kinh tế học đến từ ĐH Tokyo, cho hay thế hệ trẻ của Nhật Bản đã quen thuộc với giá cả và lương đi ngang, bởi vậy kỳ vọng về lương và giá tăng là điều đáng khích lệ.
“Giờ những người ở độ tuổi, 20, 30 hoặc đầu 40 đang có trải nghiệm thực tế về lạm phát, bởi vậy mà kỳ vọng của họ về lạm phát đang thay đổi”, Watanabe nói. “Tôi cho rằng đà tăng lương và lạm phát hiện nay là bền vững”.
Một bài học khác từ Nhật Bản, mặc dù chưa được công nhận rộng rãi, là về vai trò của chi tiêu công và giảm thuế, cùng với chính sách của ngân hàng trung ương, trong việc chống lại “Nhật Bản hóa”. Chính phủ nước này đã chi thêm hàng trăm tỉ USD trong 2 năm qua, bao gồm các khoản thanh toán bằng tiền mặt trực tiếp cho các hộ gia đình, giúp Nhật Bản vượt qua đại dịch COVID-19 và tạo thêm khoản tiền tiết kiệm cho người tiêu dùng để họ chi tiêu ngày nay, thúc đẩy nền kinh tế.
Ở Mỹ, Đạo luật Kế hoạch Giải cứu người Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỉ USD được Tổng thống Joe Biden phê duyệt vào tháng 3/2021 cũng bắt nguồn từ những ký ức về giai đoạn phục hồi trì trệ của Mỹ sau khủng hoảng tài chính năm 2008 – trong đó có một giai đoạn giống Nhật, khi lạm phát nằm dưới mức mục tiêu của Fed, bất chấp lãi suất bằng 0.
Mức chi tiêu này được cho là nguyên nhân khiến lạm phát ở Mỹ vượt mức 2% của Fed, đồng thời cho thấy các gói kích thích của chính phủ Mỹ đã đẩy giá cả lên cao.
Trong vài thập kỷ đầu sau Thế chiến II, khi Nhật Bản trỗi dậy và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nỗi lo sợ đến từ lạm phát, trong đó lạm phát tăng trên 20% trong cuộc khủng hoảng dầu những năm 1970.
Tỷ lệ lạm phát đã bình ổn trong những năm 1980 và tiếp tục giảm trong những năm đầu 1990 sau khi bong bóng bất động sản và chứng khoán vỡ. Năm 1995, dân số trong độ tuổi làm việc của Nhật Bản bắt đầu giảm. Sau một đợt tăng thuế và khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Nhật Bản rơi vào giảm phát toàn phần, mặc dù ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất xuống 0.
Nỗ lực tăng lạm phát bất thành
Mặc dù giá cả giảm có thể được xem là có lợi với người tiêu dùng, nhưng phần lớn các nhà kinh tế học cho rằng giảm phát là điều tồi tệ. Xói mòn giá cả trên toàn nền kinh tế thường kéo theo cả đầu tư doanh nghiệp yếu kém, giảm lương và tâm lý bi quan. Không ai ăn mừng khi giá tiêu dùng giảm hơn 25% ở Mỹ trong khoảng thời gian 1930-1933, giai đoạn bùng nổ Đại Suy thoái.
Haruhiko Kuroda, người trở thành Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản vào năm 2013, đã ví tình trạng giảm phát của nước này như một căn bệnh kinh niên. Căn bệnh này “thường gây ra nỗi đau khá nhỏ với bệnh nhân, nhưng chính vì lý do đó mà nó trở thành kẻ giết người âm thầm, lặng lẽ tàn phá toàn bộ cơ thể”, ông nói trong bài phát biểu năm 2016.
Năm 1999, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trở thành ngân hàng đầu tiên áp dụng chính sách lãi suất 0%. Họ cũng là bên đầu tiên nới lỏng định lượng (QE), trong đó mua thêm nợ chính phủ từ các ngân hàng thương mại để đổi lấy việc thêm lượng tiền gửi của những ngân hàng đó vào ngân hàng trung ương. Mục tiêu là nới lỏng các điều kiện tín dụng và khuyến khích cho vay.
Nhưng ông Kuroda tin rằng điều đó vẫn chưa đủ, bởi vậy ông bắt đầu tăng mạnh mua trái phiếu chính phủ dài hạn, nợ doanh nghiệp và quỹ chứng khoán, tuyên bố sẽ đạt lạm phát 2% trong vòng 2 năm.
Khi nhận thấy mục tiêu lạm phát này khó đạt được, ông còn đi xa hơn khi áp dụng mức lãi suất ngắn hạn âm. Trong bài phát biểu năm 2016, ông gọi biện pháp này là “đợt nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ nhất trong lịch sử hiện đại của ngân hàng trung ương”. Vài tháng sau, ông cũng đưa ra cam kết duy trì lãi suất dài hạn xung quanh mức 0%.
Cả ông Kuroda và Thủ tướng lúc bấy giờ, Shinzo Abe, đều tin rằng những tuyên bố cứng rắn sẽ làm thay đổi tâm lý của người dân. Tuy nhiên, lạm phát không đi vào vùng dương, và ông Abe thường xuyên nói về hàng triệu việc làm mới được tạo thêm dưới thời chính quyền của ông, trong khi ít nói về mức lương được trả cho những công việc đó.
Cuối cùng, ông Kuroda không thể làm thay đổi tâm lý của đất nước.
Chính sách nới lỏng định lượng bị đem ra tính toán lại, khi nhiều nhà kinh tế học cho rằng nó chỉ tạo ra ảnh hưởng hạn chế, cả về lý thuyết và thực tiễn.
Người tiêu dùng không ngại tăng giá
Đại dịch COVID-19 ban đầu làm trầm trọng hơn vấn đề giảm phát của Nhật Bản. Nhưng rồi, cuộc chiến ở Ukraine đẩy giá các loại hàng hóa, đặc biệt là dầu, khí đốt và ngũ cốc lên cao, trong khi giá trị đồng yên so với đồng USD sụt giảm, làm tăng chi phí nhập khẩu bằng đồng yên. Tháng 4/2022, tỷ lệ lạm phát ở Nhật đạt 2,5%, vượt qua mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Ban đầu, các công ty Nhật Bản liên tục xin lỗi vì nâng giá hàng hóa, và dường như họ sẽ ngừng ngay lập tức một khi cú sốc qua đi. Ông Okami, chủ cửa hàng đồ gốm, nói rằng ông phải chi nhiều hơn để đốt lò điện và mua đất sét, men và các vật liệu khác. Bởi vậy, ông phải tăng giá một nửa các sản phẩm của mình thêm 20-25% vào tháng 9/2022, và nín thở chờ đợi phản ứng của khách hàng.
Ngạc nhiên thay, các khách hàng của ông đều không phàn nàn gì về việc tăng giá.
Ayumi Kinoshita, một khách hàng mua đĩa của ông Okami để bày trong nhà hàng Thái mà bà điều hành ở Tokyo, đã tăng giá đồ ăn thêm tổng cộng 20% trong 3 đợt, do chi phí đội lên, bao gồm cả tiền mua đĩa. “Hầu hết các khách hàng đều nghĩ rằng đây là điều không thể tránh khỏi”, bà nói.
Cuối năm ngoái, bà Kinoshita nâng lương cho nhân viên của mình thêm 5-8%, và cho hay đang cân nhắc về việc tiếp tục nâng thêm.
Tháng 9 vừa qua, ông Okami đã tăng giá bán lượng sản phẩm còn lại của mình. Ông dự định sẽ tăng lương cho khoảng hơn một chục nhân viên và mua thêm trang thiết bị để mở rộng sản xuất.
Một số CEO doanh nghiệp cho rằng lạm phát có nghĩa rằng họ phải đầu tư vào nhân viên và trang thiết bị mới nhiều hơn, để có thể cải thiện sản phẩm của mình sao cho phù hợp với mức tăng giá.
Asahi Shuzo, hãng rượu sake ở miền Tây Nhật Bản, trong năm ngoái đã bắt đầu đề xuất tăng gấp đôi lương trong giai đoạn 5 năm tới. Chủ tịch công ty này, Kazuhiro Sakurai gọi đây là “khoản đầu tư tích cực nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường”. Ông nói Nhật Bản cần phải từ bỏ tâm lý “hàng chất lượng cao hơn với giá thấp hơn”, thay vào đó phải theo đuổi “giá trị cao hơn với giá cao hơn”.
Sakurai cho hay ông bất ngờ khi chứng kiến có nhiều nhân viên kết hôn hoặc sinh con hơn sau khi đưa ra sáng kiến tăng lương gấp đôi. “Điều hết sức tự nhiên là, tiền thứ cần thiết để xây dựng một gia đình”, ông nói.
Nhà quản lý câu lạc bộ sức khỏe Renaissance đã tăng phí thành viên cho một chương trình thông thường hai lần kể từ khi đại dịch bắt đầu, mỗi lần tăng khoảng 10%. Họ cũng đã cải tạo cơ sở tắm hơi và bắt đầu hoạt động 24 giờ tại một số phòng tập thể dục để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vào tháng 7, công ty đã tăng lương cho công nhân thêm 5%, so với mức tăng 2% đến 3% trong thời kỳ trước đại dịch.
Chủ tịch Renaissance, Toshiharu Okamoto, cho biết chiến lược thu hút nhiều khách hàng hơn của ông đã chuyển từ cạnh tranh về giá sang cố gắng cung cấp dịch vụ tốt hơn, ngay cả khi chi phí cao hơn.
Doanh nghiệp rục rịch thay đổi
Những doanh nghiệp thành công từ thời kỳ giảm phát cũng đang thay đổi mô hình kinh doanh của họ.
Hãng bán lẻ Daiso từng tăng trưởng vượt bậc nhờ bán mọi thứ hàng hóa với giá chỉ 100 yên. Nhưng ngày nay, ngày càng có thêm nhiều hàng hóa của họ được bán với giá 300 yên. Fast Retailing, công ty mẹ của thương hiệu quần áo Uniqlo, cũng nâng giá và mới đây tăng lương nhân viên thêm 40%.
Tính trung bình, các công ty Nhật Bản đồng ý tăng lương 3,58% cho nhân viên, mức tăng lớn nhất trong 3 thập kỷ. Nhiều công ty tăng cường đầu tư với con số kỷ lục, với tổng vốn hàng năm dự kiến đạt 100 nghìn tỉ yên (665 tỉ USD) trong năm nay và năm tới, theo Viện Nghiên cứu NLI. Điều này cho thấy bước tiến trong việc đẩy lui “Nhật Bản hóa” đang hướng đến một nền kinh tế năng động hơn. Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 4,8% trong quý II, so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm tới.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda thừa nhận rằng ông vẫn chưa chắc chắn rằng thay đổi tâm lý sẽ tiếp diễn, bởi vậy mà quyết định chưa nâng lãi suất đáng kể. Nỗi lo lớn nhất là tiền lương – mặc dù đang tăng nhưng chưa bắt kịp lạm phát.
Trong một bài phát biểu trong tuần, ông Ueda nói rằng ông cảm thấy lạc quan khi chứng kiến các công ty tăng lương và giá hàng hóa, nhưng “vẫn chưa rõ liệu chu kỳ này có được tăng cường hay không”.
Etsuro Honda, cựu cố vấn của ông Abe, cho hay ông lo ngại rằng Thủ tướng Fumio Kishida có thể tăng thuế để bù cho chi tiêu quốc phòng cao hơn. “Nếu bạn bàn về việc tăng thuế trong giai đoạn này, nó sẽ gây tác động đáng sợ đối với tâm lý người dân”, ông Honda cho hay.
Trước những lời cảnh báo như vậy, ngày 2/11 vừa qua, ông Kishida nói rằng trong năm tới ông sẽ thực hiện cắt giảm thuế thu nhập một lần, khoảng vài trăm USD mỗi hộ gia đình. Đây là một phần trong gói kích thích kinh tế 113 tỉ USD nhằm khuyến khích các công ty tăng lương cho nhân viên./.
Kỷ nguyên giảm phát của Nhật Bản sắp kết thúc?
Báo động tình trạng già hoá dân số tại Nhật Bản: Cứ 10 người lại có 1 người trên 80 tuổi
Trung Quốc lần đầu vượt Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu xe hơi đứng đầu thế giới
Theo Wall Street Journal