Nhật Bản muốn dùng tên lửa Tomahawk “tấn công phủ đầu“

VietTimes -- Thủ tướng Nhật Bản coi tấn công bãi phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động tự vệ. Hiện nay, để giải quyết vấn đề Triều Tiên, Mỹ đã mềm mỏng về lập trường bán tên lửa hành trình Tomahawk cho Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Tờ The Japan Times Nhật Bản ngày 6/5 dẫn lời một quan chức Nhật Bản cho biết Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc mua sắm và triển khai tên lửa hành trình để ứng phó với các hoạt động thử hạt nhân và thử tên lửa mang tính khiêu khích của Triều Tiên.
Quan chức giấu tên này cho hay Chính phủ Nhật Bản cấp bách chi tiền cho nghiên cứu tính khả thi về sở hữu khả năng tấn công các cơ sở tên lửa của đối phương. Điều này có thể được đưa vào phương án ngân sách năm tài khóa 2018.
Tuy nhiên, vẫn có người trong Chính phủ và đảng cầm quyền Nhật Bản lo ngại việc sở hữu tiềm lực tấn công như vậy sẽ đi ngược lại nguyên tắc chỉ phòng thủ của Nhật Bản và gây phản ứng mạnh từ đảng đối lập, cho dù những năm gần đây họ đã cho biết không thể ngăn chặn được liên minh cầm quyền.
Quan chức này cho hay Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách mua sắm tên lửa hành trình Tomahawk. Loại tên lửa này đã được Mỹ sử dụng để tấn công một sân bay của Syria vào tháng 4/2017.
Tomahawk là một loại tên lửa hành trình tầm xa, cận âm, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Tầm bắn của Tomahawk đủ để từ biển Nhật Bản tấn công bất cứ nơi nào của Triều Tiên, có thể bay với độ cao rất thấp, từ đó càng không dễ bị radar phát hiện.

Tàu chiến Hải quân Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk tấn công Syria. Ảnh: Cankao
Tàu chiến Hải quân Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk tấn công Syria. Ảnh: Cankao

Quan chức này cho biết, Chính phủ Mỹ đang cân nhắc triển khai tên lửa Tomahawk trên tàu chiến Aegis của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Nếu thực sự nhập khẩu tên lửa Tomahawk, những tàu chiến này sẽ được cải tạo.
Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Mỹ - đồng minh an ninh của Nhật Bản từng giữ thái độ thận trọng với việc bán tên lửa hành trình cho Tokyo, nhưng xét tới tình hình căng thẳng của bán đảo Triều Tiên, lập trường của Mỹ đã trở nên mềm mỏng.
Để có được khả năng tấn công, Nhật Bản sẽ cần phải sửa đổi trước phương châm chỉ đạo của Kế hoạch phòng vệ mười năm, đồng thời xem xét lại Kế hoạch xây dựng quốc phòng 5 năm. Hai kế hoạch này đều được nội các Nhật Bản phê chuẩn vào cuối năm 2013.
Một tiểu ban vấn đề an ninh của Đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền Nhật Bản dự tính sẽ đưa ra kiến nghị cải thiện khả năng phòng vệ Nhật Bản vào cuối tháng 5/2017, tập trung giúp Chính phủ Nhật Bản nghiên cứu sở hữu khả năng tấn công.

Tàu khu trục Aegis lớp Kongo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Tàu khu trục Aegis lớp Kongo của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Tại hội nghị của một ủy ban thuộc Quốc hội Nhật Bản vào ngày 26/1/2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết căn cứ vào Hiến pháp đã giải thích lại cách đây không lâu của Nhật Bản, quyết định tấn công bãi phóng của đối phương khi không có sự lựa chọn nào sẽ thuộc hành động "tự vệ". Do đó, ông Shinzo Abe cho rằng sở hữu khả năng tấn công sẽ không tạo ra khó khăn cho Nhật Bản.