Nhập khẩu ô tô Trung Quốc ồ ạt không đáng lo ngại?

Theo đại diện Bộ Công thương, đồng Nhân dân tệ phá giá có thể là cơ hội cho ngành dệt may, da giày bởi chi phí nguyên liệu thấp. Bên cạnh đó, lượng xe ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc tăng nhanh nhưng không đáng ngại.
Nhập khẩu ô tô Trung Quốc ồ ạt không đáng lo ngại?

Tăng lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc không đáng lo

Tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4.9, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay, ô tô là mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn từ Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay, trong đó chủ yếu là ô tô tải từ 10-45 tấn và xe chuyên dụng.

Theo con số thống kê, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là ô tô đầu kéo và ô tô tải từ Trung Quốc với lượng nhập khẩu là 9.510 chiếc (tăng 455%) và 6.370 chiếc (tăng 153,5%).

Theo ông Trần Thành Hải, việc tăng lượng xe nhập khẩu xuất phát từ tình hình sản xuất kinh doanh đang tốt lên, hệ thống giao thông đã được nâng cấp, hàng hóa lưu thông nhiều, nhu cầu của người dân ngày càng lớn. Ông Hải cho rằng việc tăng lượng nhập khẩu ô tô là không đáng lo ngại.

Cũng trong cuộc hợp, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định các mặt hàng nông sản, dệt may chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản tháng 8 ước đạt 1,7 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng trước và giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 8 tháng năm 2015, ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là sắn và các sản phẩm từ sắn ước tăng 26,5%, nhân điều tăng 22,6%, rau quả tăng 3,2%. Các mặt hàng có kim ngạch giảm mạnh so với cùng kỳ là thủy sản ước đạt 4,2 tỷ USD, giảm 16,6%; cà phê ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 32,8%; gạo ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11,0% và cao su ước đạt 921 triệu USD, giảm 10,3%.

Một số mặt hàng có lượng xuất khẩu giảm như cà phê giảm 32,4%, chè các loại giảm 5,4%, hạt tiêu giảm 21%... đã làm cho kim ngạch xuất khẩu cả nhóm giảm 766 triệu USD.

Dệt may, da giày hưởng lợi do đồng Nhân dân tệ xuống thấp

Cũng theo ông Hải, hiện nay ở Việt Nam,dệt may và da giày đang là hai ngành có lợi thế rất lớn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập hàng loạt các hiệp định kinh tế, trong khi hai ngành này đang nhập nguồn nguyên liệu lớn từ phía Trung Quốc.

Do đó, việc đồng Nhân dân tệ xuống thấp sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn nguyên liệu rẻ hơn, cạnh tranh hơn.

Liên quan đến việc ảnh hưởng của tỷ giá lên một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Cục phó Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) khẳng địnhTrung Quốc phá giá đồng nhân dân tệkhông ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo ông Hải, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc số lượng chưa nhiều, chủ yếu theo đường tiểu ngạch nên việc giảm giá đồng Nhân dân tệ chưa ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Song về mặt lâu dài, ông Hải cho rằng các mặt hàng như sắn, cao su xuất khẩu số lượng lớn sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Một thế giới