Nhập khẩu ô tô không cần thiết phải có “giấy khai sinh”

VietTimes -- Dự thảo mới của Bộ GTVT không còn yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải nộp “Bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng”.
Dự thảo mới về nhập khẩu ô tô khiến doanh nghiệp vui mừng -(Ảnh minh họa)
Dự thảo mới về nhập khẩu ô tô khiến doanh nghiệp vui mừng -(Ảnh minh họa)

Trong Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.mới nhất, ban soạn thảo đã bổ sung quy định về hậu kiểm. Đây là quy định được bổ sung nhằm triển khai Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ. Mục đích của quy định này là giảm thời gian và chi phí trong quá trình thông quan hàng hóa.

Thông qua việc hậu kiểm, nếu phát hiện vi phạm thì tùy vào mức độ vi phạm thì cơ quan kiểm tra sẽ có các biện pháp tương ứng đối với người nhập khẩu và phương tiện. Đánh giá về việc bổ sung quy định này, đại diện VCCI nhấn mạnh, đây là bước chuyển biến khá rõ nét, cần thiết, thể hiện sự cầu thị cao độ của ban soạn thảo.

Đặc biệt, tại dự thảo trước đây có quy định, trong hồ sơ đăng ký kiểm tra, doanh nghiệp phải nộp “Bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng” gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp thì tại dự thảo mới nhất, quy định này đã tách ra để một số phương thức kiểm tra, doanh nghiệp không đáp ứng được quy định có thể lựa chọn các giải pháp thay thế.

Cụ thể, xe cơ giới chưa qua sử dụng cùng kiểu loại từng được đăng lý lưu hành tại các nước có mức khí thải tương đương hoặc cao hơn mức hiện hành của Việt Nam (như EU, G7...); hoặc xe có mức khí thải tương đương hoặc cao hơn quy định của Việt Nam, cùng kiểu loại đã được đăng ký lưu hành ở nước ngoài... sẽ không cần phải có bản chính 2 loại giấy nêu trên.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu nằm trong chương trình rà soát, sửa đổi và xây dựng luật hàng năm của Bộ.

Nếu vẫn giữ nguyên nội dung tại dự thảo cũ, các doanh nghiệp nhập khẩu xe không chính hãng sẽ phải “bó tay”, không đáp ứng nổi. Tuy nhiên, khi ban soạn thảo có sự điều chỉnh, doanh nghiệp đã cảm thấy khá hài lòng bởi vẫn có hướng đi cho mình.

Các doanh nghiệp đã tỏ ra rất vui mừng cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp khi trong việc đề ra thông tư mới này.

Ngoài ra, một trong những nội dung khá mới mẻ được đưa vào Dự thảo Thông tư lần này là, khi các xe đã được nhập khẩu bị phát hiện có lỗi thì người nhập khẩu có trách nhiệm triệu hồi xe cơ giới nhập khẩu theo công bố của nhà sản xuất hoặc yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Trong trường hợp người nhập khẩu không thực hiện quy định, cơ quan kiểm tra sẽ tạm dừng việc xác nhận vào Hồ sơ đăng ký kiểm tra, chứng nhận chất lượng với nhãn hiệu thuộc diện triệu hồi.

Tuy nhiên, việc triệu hồi xe sẽ không làm được nếu thiếu sự hỗ trợ của nhà sản xuất. Quy định triệu hồi này trong Dự thảo Thông tư còn khá sơ sài, chủ yếu kiểm soát tại cảng với các xe chưa thông quan. Trong khi đó, thị trường hiện nay có hàng nghìn nhà nhập khẩu, không hiểu việc này sẽ được kiểm soát như thế nào?

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu xe chính hãng khi muốn triệu hồi sản phẩm phải có giải trình gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam báo cáo phương án xử lý. Bên cạnh đó, cứ sau ba tháng doanh nghiệp phải báo cáo tiến độ. Trong khi đó, tại Dự thảo Thông tư không đưa ra quy định nào cụ thể đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe nhỏ lẻ. Cục Đăng kiểm Việt Nam nên cân nhắc để đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn trong kiểm soát triệu hồi xe lỗi.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam kỳ vọng, bản dự thảo Thông tư sớm được hoàn thiện để có thể ban hành vào cuối năm 2016 và có hiệu lực bắt đầu từ 2017.