Nhân sự Đại hội Đảng XII: Quy chế bầu cử không mất dân chủ

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nói như vậy khi trao đổi nhanh về Quy chế bầu cử tại Đại hội XII. Quy chế bầu cử tại Đại hội là do Đại hội thảo luận, biểu quyết thông qua, thống nhất rất cao, gần như tuyệt đối.
Đại hội Đảng bắt đầu sang phần công tác nhân sự

Quy chế bầu cử tại Đại hội XII được thông qua theo hướng tương tự Quy chế bầu cử trong Đảng (ban hành kèm Quyết định 244 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI).

Cụ thể quy định Uỷ viên Ban chấp hành (BCH) Trung ương khoá XI không ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách nhân sự do Ban chấp hành cũ đề cử.

Trước việc có ý kiến cho rằng như vậy là mất dân chủ, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi nhanh với ông Vũ Ngọc Hoàng (Uỷ viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương).

Ông Hoàng nói:

Quy chế bầu cử tại Đại hội là do Đại hội thảo luận, biểu quyết thông qua, thống nhất rất cao, gần như tuyệt đối.

Nếu nói quy chế này mất dân chủ thì tôi không rõ là mất dân chủ với ai, chẳng lẽ Đại hội mất dân chủ với Đại hội?

Cũng không phải Đại hội mất dân chủ với Ban chấp hành Trung ương, vì trước đó Ban Chấp hành cũng tham mưu, đề xuất như vậy (đó cũng là thể hiện trách nhiệm của Ban chấp hành đối với công tác nhân sự).

Đối với các đại biểu dự Đại hội (không phải Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương khoá XI), việc ứng cử, đề cử là rất dân chủ, tự do, thoải mái, tín nhiệm ai thì có quyền đề cử và có quyền tự ứng cử, không có hạn chế gì cả, kể cả việc giới thiệu những đảng viên chính thức không dự Đại hội.

Còn các đồng chí ở trong BCH cũ, những người đã trực tiếp tham gia thảo luận và có quyết nghị tập thể về việc giới thiệu nhân sự, nếu không có trong danh sách đề cử mà được các đại biểu giới thiệu tại Đại hội thì tôi nghĩ các đồng chí ấy sẽ có cách ứng xử phù hợp với trách nhiệm và ý thức tổ chức đối với quyết nghị về nhân sự mà trước đó mình đã tham gia bàn và biểu quyết.

Đối với các đồng chí xin rút, Chủ tịch Đoàn sẽ xem xét, đề xuất, báo cáo xin ý kiến Đại hội quyết định việc cho rút hay không. Đó chính là công việc “chốt” danh sách trước khi bầu cử.

Theo suy nghĩ của riêng tôi, đồng chí nào xin rút thì nên để cho rút, vì đây là việc tự nguyện xuất phát từ những lý do chủ quan hoặc khách quan nào đó và là suy nghĩ thật lòng chứ không lẽ là động tác giả.

Tất nhiên, quyết định là do trách nhiệm và trí tuệ của các đại biểu Đại hội.

* Ông nhận định gì về số dư trong bầu cử tại Đại hội?

- Chủ tịch Đoàn và BCH khoá XI sẽ báo cáo ra Đại hội phương án về công tác nhân sự. Đại hội sẽ xem xét thông qua, biểu quyết về số lượng, sau đó tiến hành thảo luận ở các đoàn để giới thiệu cụ thể.

Nội dung này sẽ được tập hợp đầy đủ, thông tin tới các Đoàn đại biểu, lúc này ai xin rút thì viết phiếu gửi Đoàn Chủ tịch.

Đoàn Chủ tịch sẽ nghiên cứu để tham mưu cho Đại hội, sau đó đưa ra Đại hội chốt danh sách, quyết định việc cho rút hay không cho rút. Danh sách chính thức để bầu cử sẽ có các nhân sự được đề cử bởi BCH khoá XI, có nhân sự được giới thiệu tại Đại hội.

Chắc chắn danh sách này sẽ có số dư, vì trước đó danh sách giới thiệu của BCH cũ đã có số dư rồi, tôi nghĩ lần này số dư sẽ không ít. Cuối cùng Đại hội bỏ phiếu kín, chọn nhân sự theo số lượng đã biểu quyết trước đó.

Theo Tuổi trẻ