Nhân sự công nghệ Trung Quốc tan tành 'giấc mơ Mỹ'

Căng thẳng thương mại khiến cho cơ hội làm việc với những công nghệ nhạy cảm của Mỹ đang thu hẹp lại với những nhân sự gốc Trung Quốc.

Xiao Wang, một kỹ sư cơ khí Trung Quốc đã sống ở Mỹ 8 năm không nghĩ rằng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp của anh. Năm 2018, anh Wang nhận được lời mời từ chi nhánh tại Mỹ của ASML, một công ty bán dẫn của Hà Lan.

Wang tới phỏng vấn và được nhận vào ASML từ tháng 2/2018. Tuy nhiên khi chưa kịp gia nhập công ty mới, anh đã bị dội một gáo nước lạnh khi bộ Thương mại Mỹ từ chối cấp phép cho Wang được làm việc.

Để có thể làm ở vị trí tiếp xúc với công nghệ nhạy cảm tại Mỹ, người có quốc tịch nước ngoài phải xin một loại giấy phép đặc biệt. Ảnh: Nikkei.

Để có thể làm việc với những công nghệ được coi là nhạy cảm của Mỹ, những người không phải công dân Mỹ phải được cấp giấy phép nhằm đảm bảo an ninh. Sau 3 tháng chờ đợi, Wang mới biết là đơn xin cấp phép của mình đã bị từ chối. Quyết định này được đưa ra vào tháng 6/2018, khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lên cao nhất.

Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể lấy cắp các bí mật thương mại, gây nguy hại tới an ninh mạng và nhất là đánh cắp các công nghệ hiện đại của Mỹ. Đó là lý do cơ hội cho những người Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực được đánh giá là nhạy cảm ngày càng ít.

“Đáng lẽ ra việc cấp phép không nên khó khăn như thế. Công ty đó cũng có nhiều người Trung Quốc làm việc. Bạn bè tôi đã từng nói chuyện về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng tôi không nghĩ là chuyện này lại có thể xảy ra với mình”, Wang chia sẻ với SCMP

Theo số liệu của bộ Thương mại Mỹ, từ năm 2013-2017 những người Trung Quốc thường chiếm hơn nửa số giấy phép đặc biệt mà bộ này cấp mỗi năm. Năm 2016, có tới 809/1.388 người được cấp phép là người Trung Quốc. Con số năm 2017 là 781/1.406 người.

Dù vậy, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng người Trung Quốc sẽ ngày càng khó được cấp giấy phép trong những tháng tới đây.

Ông Doug Jacobson, luật sư tại Washington cho biết giấy phép đặc biệt được cấp theo từng trường hợp cụ thể, xét tới kinh nghiệm làm việc, hoàn cảnh của người lao động và cả tính chất của công nghệ mà họ sử dụng. Ông Jacobson cũng cho rằng những người có quốc tịch Trung Quốc sẽ “bị soi sét rất kỹ” trong thời gian tới vì tác động của cuộc chiến thương mại giữa 2 nước.

“Mỗi quyết định về việc cấp giấy phép đặc biệt để một người không có quốc tịch Mỹ được sử dụng các công nghệ đặc biệt đều được soi xét rất kỹ, và rõ ràng là những vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại càng làm cho quy trình kỹ càng hơn”, ông Jacobson chia sẻ.

Những cuộc đàm phán để gỡ rối căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra gần nhất vào tháng 2/2019. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định việc xin giấy phép đặc biệt vẫn sẽ rất khó dù hai nước đạt được thỏa thuận. Ảnh: Xinhua.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đang thực hiện nhiều biện pháp hơn để ngăn người Trung Quốc tiếp cận các công nghệ hiện đại. Từ cuối năm 2017, Ủy ban đầu tư quốc tế của Mỹ đã có thêm thẩm quyền để thẩm định những dự án đầu tư dựa trên lo ngại về an ninh.

Vào tháng 8/2019, đạo luật về kiểm soát xuất khẩu được thông qua, yêu cầu bộ Thương mại Mỹ đưa ra một danh sách những công nghệ được cho là quan trọng đối với an ninh của Mỹ để kiểm soát chặt chẽ hơn. Danh sách này sẽ được thông báo vào giữa năm nay.

Điều này chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới chính sách tuyển dụng của các công ty công nghệ. Dan Wang, một nhà phân tích tại Gavekal Dragonomics cho rằng càng nhiều công nghệ bị kiểm soát, thì ảnh hưởng tới nhân sự càng lớn.

“Những công ty bị ảnh hưởng sẽ phải thực hiện 1 trong 3 biện pháp: chuyển những nhân sự Trung Quốc sang đơn vị khác, cố gắng lấy được giấy phép để họ có thể tiếp tục làm việc, hoặc chấm dứt hợp đồng”, ông Wang viết trong một báo cáo.

“Nỗ lực lấy giấy phép khi tuyển dụng sẽ không hề dễ dàng với những công ty khởi nghiệp vốn luôn tìm kiếm những cá nhân giỏi nhất từ các quốc gia khác nhau”, hiệp hội đầu tư mạo hiểm Mỹ cho biết.

ASML là công ty cung cấp hệ thống khắc bán dẫn lớn nhất thế giới. Khách hàng của họ bao gồm những công ty như Intel, Samsung và TSMC. Công nghệ của ASML giúp cho khách hàng kiểm soát được kích thước và kiểu dáng của con chip.

“Chúng tôi tin tưởng sự đa dạng về nhân sự giúp chúng tôi đổi mới hơn. Giấy phép đặc biệt không phải là một loại thủ tục mới. ASML có thể và vẫn tiếp tục tuyển những nhân sự từ Trung Quốc”, ASML phản hồi về vấn đề này.

ASML là một trong những nhà cung cấp lớn nhất về máy móc bán dẫn cho Intel, Samsung và TSMC. Ảnh: ASML.

Theo SCMP, một trong những yêu cầu mà phía Trung Quốc từng đưa ra là Mỹ giảm sự kiểm soát việc xuất khẩu, bao gồm cả những công nghệ, nhưng phía Mỹ nhiều khả năng sẽ không đồng ý.

“Kể cả khi chính quyền của ông Trump bị thay thế sau 2 năm nữa, tôi nghĩ rằng sự căng thẳng sẽ còn tồn tại ở chính quyền tiếp theo, dù họ có thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Cái khó là nhiều công ty Mỹ muốn sản xuất ở Trung Quốc, đây sẽ là điều khó giải quyết nhất.

Đây là mối quan hệ cộng sinh: cả 2 nước đều cần nhau, nhưng để đạt được sự cân bằng là rất khó, khiến cho việc chuyển giao công nghệ gần như khó xảy ra”, ông Jacobson nhận định.

“Kể cả khi 2 nước đạt được thỏa thuận về các lệnh cấm vận, thì việc kiểm soát chặt công nghệ vẫn sẽ tiếp tục. Phía bị ảnh hưởng chính là các công ty Mỹ và cả những công ty công nghệ khác”, ông Wang chia sẻ.

“Mục tiêu cuối cùng không phải là đánh bại Trung Quốc, mà là đưa ra những phương án để mối quan hệ thương mại có thể tiếp tục mà không làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia”, James Lewis, một chuyên gia về chiến lược ngoại giao nhận xét.

Phải tới gần nửa năm sau khi mất cơ hội ở ASML, Xiao Wang mới có thể tìm được công việc khác tại 1 công ty về phần cứng. Anh này không trách ASML, nhưng cho rằng chính sách của phía Mỹ là vô lý.

“Nếu chính phủ Mỹ cho rằng một ngành nghề nhạy cảm và có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, sao họ không nói các công ty ngừng tuyển dụng người nước ngoài”, anh Wang chia sẻ.

Theo Zing

http://news.zing.vn/nhan-su-cong-nghe-trung-quoc-tan-tanh-giac-mo-my-post925136.html