“Nhắc” địa phương “có ý kiến” đòi phí duy trì hầm Hải Vân, “yết hầu” giao thông quốc gia được đem đi mặc cả?

VietTimes -- Lý do việc "nhắc" này, là nếu các vấn đề tài chính liên quan không được giải quyết, thì "có thể làm gián đoạn lưu thông qua hầm Hải Vân", và "gây ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của đời sống xã hội và nhân dân” - Công ty CP Đầu tư Đèo Cả nói về nhiệm vụ duy trì huyết mạch giao thông quốc gia theo cách ấy.

Công ty CP Đầu tư Đèo Cả muốn "nhờ" gửi Đà Nẵng và T.T.Huế về việc thu phí qua hầm Hải Vân.
Công ty CP Đầu tư Đèo Cả muốn "nhờ" gửi Đà Nẵng và T.T.Huế về việc thu phí qua hầm Hải Vân.

"Nhờ" gây áp lực?

 Sau khi đưa ra cảnh báo với Bộ GTVT về nguy cơ có thể đóng cửa hầm Hải Vân và hầm Đèo Cả do thiếu kinh phí, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tiếp tục phát công văn "nhờ" hai địa phương có hầm Hải Vân đi qua "nói chuyện" với Bộ GTVT về nguy cơ hầm đóng cửa do thiếu kinh phí.

Cụ thể, công văn này cho biết, “theo cam kết của Bộ GTVT, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả sẽ được thu phí tại trạm thu phí Nam Hải Vân từ ngày 1/1/2017 để hoàn vốn cho kinh phí ứng trước (từ tháng 11/2015 đến tháng 1/2017) và đảm bảo nguồn duy trì công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và đường QL1A qua đèo các năm tiếp theo".

Tuy nhiên đến nay, Bộ GTVT vẫn chưa cho phép thực hiện việc thu phí tại đây và vì thế đã gây khó khăn cho hoạt động của công ty, tác động tiêu cực đến nguồn kinh phí duy trì vận hành đối với hầm Hải Vân 1.

Do đó, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả phát công văn đề nghị UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ công ty, có ý kiến đối với Bộ GTVT về bố trí vốn đảm bảo kinh phí, để duy trì liên tục công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1A qua đèo Hải Vân. 

Nợ tiền vận hành hay chuyện chủ đầu tư hầm Hải Vân gây sức ép với Bộ GTVT?

Công văn này... nhờ tiếp, với hàm ý cảnh báo: “Trong trường hợp vì các lý do khách quan như: bị điện lực cắt điện, người lao động đình công,… làm gián đoạn việc thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân và tuyến đường QL1 qua đèo Hải Vân, dẫn đến mất an toàn giao thông, thì đề nghị UBND TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp và hỗ trợ công ty điều tiết giao thông”.

Theo giải trình của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, do ngân sách nhà nước hạn hẹp, từ tháng 11/2015 đến hết năm 2016, công ty đã tự ứng vốn và vay vốn ngân hàng VietinBank với tổng số hơn 88 tỷ đồng, để đảm bảo duy trì liên tục công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1A qua đèo Hải Vân. 

"Đến nay, sau 3 năm, công ty đã ứng vốn cho công tác trên với kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Việc tự ứng vốn với quy mô lớn và kéo dài này đang gây gây mất cân đối về tài chính của công ty. Đặc biệt là dẫn đến không duy trì được nguồn kinh phí để đảm bảo liên tục nhiệm vụ duy trì vận hành, có thể làm gián đoạn lưu thông qua hầm Hải Vân, gây mất an toàn giao thông, gây ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của đời sống xã hội và nhân dân” - Công văn của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả nêu.

Do đó, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đề nghị UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ “có ý kiến với Bộ GTVT về việc bố trí vốn đảm bảo kinh phí để duy trì liên tục công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến đường QL1A qua đèo Hải Vân”.

Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã có trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia phía bắc hầm Hải Vân và đang muốn được thu phí tại trạm phía Nam hầm này
 Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã có trạm thu phí Phước Tượng - Phú Gia phía bắc hầm Hải Vân và đang muốn được thu phí tại trạm phía Nam hầm này

Trước khi có công văn gửi Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cũng đã có công văn gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ đề nghị bố trí kinh phí đảm bảo công tác quản lý vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hầm Hải Vân 1 và tuyến đường QL1A qua đèo Hải Vân. Văn bản này “cảnh báo”: nếu không đảm bảo được nguồn kinh phí, để xảy ra việc cắt điện, công nhân vận hành đình công, nhà thầu dừng thực hiện công tác quản lý vận hành…dẫn đến gián đoạn và không đảm bảo an toàn của việc lưu thông qua hầm Hải Vân 1 từ thời điểm sau ngày 5/11/2018 trở đi, Bộ GTVT hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Bộ "phải chọn" thêm trạm, hoặc trả tiền cho doanh nghiệp ?

Sau khi nhiều cơ quan báo chí lên tiếng việc chậm thanh toán tiền vận hành đèo Hải Vân khiến hầm này có nguy cơ bị ngưng hoạt động, chiều tối ngày 29/10, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã phát đi thông cáo báo chí liên quan đến vụ việc.

Theo đó, phía Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, trong quá trình triển khai mở rộng hầm Hải Vân 2, Bộ GTVT đã yêu cầu Công ty thực hiện việc nâng cấp hầm Hải Vân 1. Lý do, sau hơn 10 năm sử dụng hàm này cần thực hiện trung tu, nâng cấp để đảm bảo điều kiện an toàn khai thác. Bộ GTVT cũng đề nghị Công ty ứng kinh phí để thực hiện công tác quản lý vận hành từ tháng 11/2015.

Đến thời điểm hiện nay, Công ty đã chi 900 tỷ đồng để thực hiện nâng cấp hầm Hải Vân 1, và hơn 300 tỷ đồng nữa để thực hiện công tác quản lý vận hành hầm này.

Theo Phương án tài chính được Bộ GTVT phê duyệt, hợp đồng BOT đã ký với Bộ GTVT, thì Công ty CPĐT Đèo Cả được thu phí tại trạm Nam Hải Vân từ tháng 01/2017. Tuy nhiên, việc thu phí tại trạm Nam Hải Vân hiện không được thực hiện, do trạm Bắc Hải Vân đang thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT Phước Tượng - Phú Gia.

“Hiện nay, chi phí quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 khoảng gần 100 tỷ đồng/năm. Tại văn bản số 70/TTg-KTN ngày 12/01/2016, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc việc bố trí 07 trạm thu phí (trong đó có trạm Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan) để hoàn vốn cho Dự án hầm Đèo Cả. Bộ GTVT đã phê duyệt phương án tài chính hoàn vốn Dự án tại Quyết định số 3107/QĐ-BGTVT ngày 05/10/2016 với thời gian hoàn vốn khoảng 28 năm. Như vậy, cần nguồn kinh phí khoảng 2.660 tỷ đồng/28 năm (nếu tính thêm hệ số trượt giá sẽ là 5.548 tỷ đồng) để quản lý vận hành hầm Hải Vân 1, đây là khoản kinh phí quá lớn và nếu không có giải pháp để đảm bảo thì doanh nghiệp không thể cân đối được” - đại diện Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết.

Cũng theo Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, khi công ty đang không được thu phí đúng phương án tài chính, thì Bộ GTVT đồng thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ không thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan, và từ đó càng làm giảm nghiêm trọng nguồn thu của dự án. Do đó, doanh nghiệp hiện bế tắc về nguồn chi phí chi trả lương CBNV, nhân công, nhiên liệu vận hành máy móc thiết bị, chi phí điện…để duy trì hoạt động các hầm.

Hầm Hải Vân 1
Hầm Hải Vân 1 

Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, nguồn tiền ứng từ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp quá lớn và kéo dài, công ty đang rất khó khăn nhưng lại không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan tâm giải quyết. Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã đối diện với việc không thể tiếp tục chi trả các chi phí quản lý vận các hầm Đèo Cả, Hải Vân 1.

Đó là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gián đoạn hoạt động của các hầm này trong 1 - 2 tháng, tới nếu các vướng mắc này không được Bộ GTVT và Chính phủ tháo gỡ kịp thời. 

Công ty CP Đầu tư Đèo Cả "bổ sung" thêm thông tin, công ty đã nhiều lần kiến nghị, nhưng chưa được Bộ GTVT tham mưu kịp thời hướng giải quyết cho Thủ tướng Chính phủ. Hiện, công ty vẫn đang nỗ lực làm việc với nhà thầu quản lý vận hành Hầm Hải Vân 1, Điện lực Đà Nẵng để duy trì công tác quản lý vận hành hầm. Tuy nhiên, những cảnh báo về nguy cơ gián đoạn hoạt động của các hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân 1 là có cơ sở, vì nếu chỉ mình Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thì không thể đảm bảo được kinh phí cho công tác này.

Vậy thì Công ty CP Đầu tư Đèo Cả có dám bỏ mặc hầm Hải Vân 1?. Có lẽ đó là câu hỏi chỉ Bộ GTVT đủ thông tin để trả lời. Trước mắt, một cách không chính thức, đang loan truyền thông tin Công ty CP Đầu tư Đèo Cả sẽ ngưng hoạt động của hầm Hải Vân, hoặc đưa vụ việc ra tòa án.

Hầm Hải Vân 1 - một huyết mạch giao thông của quốc gia - có lẽ đang trở thành vật mặc cả tay đôi giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý theo cách ấy (?!).