Nhà Trắng cảnh báo Pakistan đang phát triển tên lửa tầm xa có khả năng tấn công Mỹ

Chỉ vài tuần trước khi rời nhiệm sở, chính quyền Tổng thống Biden cho biết Pakistan đang phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa, thứ có thể cung cấp cho Islamabad, một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, khả năng tấn công Mỹ trong tương lai.
Một cuộc duyệt binh ở thủ đô Islamabad của Pakistan hồi đầu năm nay. Ảnh: WSJ.

Chính quyền Mỹ đã công khai thông tin tình báo về hoạt động phát triển tên lửa bí mật của Pakistan và áp đặt lệnh trừng phạt đối với một doanh nghiệp nhà nước liên quan, sau khi các nỗ lực trao đổi qua kênh mật nhiều lần không đạt kết quả, các quan chức Mỹ cho hay.

“Danh sách các quốc gia sở hữu cả vũ khí hạt nhân và khả năng phóng tên lửa đến thẳng lãnh thổ Mỹ rất ít, và thường là các nước có quan hệ đối đầu với chúng ta”, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Jon Finer phát biểu hôm 19/12. “Thẳng thắn mà nói, chúng tôi khó có thể coi hành động của Pakistan là điều gì khác ngoài một mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ”.

Cảnh báo từ Nhà Trắng nhấn mạnh mối rạn nứt ngày càng lớn giữa Washington và Islamabad – quốc gia từng được coi là đối tác quan trọng của Mỹ tại Nam Á, được chính quyền ông George W. Bush coi là “đồng minh lớn ngoài NATO” cách đây hai thập kỷ.

Thông tin tình báo mới công bố cho thấy Pakistan đang nỗ lực mở rộng tầm bắn của lực lượng tên lửa, bao gồm cả việc phát triển thiết bị để thử nghiệm động cơ tên lửa lớn, các quan chức tiết lộ.

Hôm 21/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan bác bỏ các cáo buộc của ông Finer, gọi chúng là “vô căn cứ”, “phi lý” và “gây bất lợi cho quan hệ song phương”.

Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden, việc phát triển tên lửa tầm xa nhắm vào Mỹ có thể mất vài năm, thậm chí cả một thập kỷ.

“Chúng tôi đang cố gắng gia tăng áp lực từ sớm để ngăn chặn vấn đề này trước khi Pakistan tiến quá xa, khiến chúng tôi phải đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng hơn”, quan chức này nói thêm.

Mối quan hệ thăng trầm

Pakistan từ lâu đã có mối quan hệ quân sự mật thiết với Trung Quốc – quốc gia cũng coi Ấn Độ là đối thủ – và nhận được sự hỗ trợ từ Bắc Kinh trong việc cung cấp vũ khí cũng như phát triển chương trình tên lửa.

Ông Finer nhấn mạnh Mỹ vẫn mong muốn một mối quan hệ hợp tác với Pakistan và đã làm việc cùng Islamabad trong các vấn đề chống khủng bố suốt nhiều năm qua. Dù quan hệ có thăng trầm, Washington luôn duy trì các kênh liên lạc, phần nào vì vị trí chiến lược và vị thế của Pakistan với tư cách là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Sự tập trung của Mỹ vào việc đối phó với Trung Quốc và cải thiện quan hệ với Ấn Độ trong những năm gần đây đã làm gia tăng căng thẳng với Islamabad – một quốc gia trở nên kém quan trọng hơn với Washington kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Jon Finer thảo luận về nỗ lực của Pakistan trong việc phát triển tên lửa tầm xa. Ảnh WSJ.

Dưới thời Thủ tướng Shehbaz Sharif, Pakistan bị Mỹ coi là ngày càng mang xu hướng độc tài hơn, phần lớn do ảnh hưởng của quân đội – lực lượng từ lâu đã nắm quyền lực đáng kể. Chương trình hạt nhân của Islamabad từ trước đến nay được cho là nhằm vào Ấn Độ, quốc gia cũng sở hữu vũ khí hạt nhân và từng có 3 cuộc chiến lớn với Pakistan kể từ năm 1947.

Việc công khai thông tin tình báo của Mỹ vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Biden đồng nghĩa với việc chuyển giao vấn đề này cho Tổng thống đắc cử Donald Trump. Trước đó, ông Trump đã cắt giảm viện trợ an ninh cho Pakistan trong nhiệm kỳ đầu tiên và yêu cầu nước này có lập trường mạnh mẽ hơn đối với các mạng lưới khủng bố trên lãnh thổ mình.

Ông Finer đưa ra các phát biểu này tại một sự kiện do Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế và Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí tổ chức, và những bình luận của ông được mô tả như một phần trong nỗ lực ngoại giao nhằm gây áp lực buộc Pakistan dừng chương trình này.

“Nếu xu hướng này tiếp tục, Pakistan sẽ có khả năng tấn công các mục tiêu xa hơn nhiều so với Nam Á, bao gồm cả lãnh thổ Mỹ”, ông Finer nói về chương trình phát triển tên lửa tầm xa của Pakistan. “Nhìn vào bản đồ và tầm bắn, rõ ràng điều này đang nhắm trực tiếp vào chúng ta”.

Ông không giải thích lý do Pakistan muốn phát triển tên lửa tầm xa như vậy. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Islamabad có thể đang tìm cách răn đe Washington khỏi việc hỗ trợ Ấn Độ nếu chiến tranh nổ ra giữa hai quốc gia.

Pakistan cũng có thể muốn nâng cao mức độ rủi ro để ngăn Mỹ tìm cách giải trừ kho vũ khí hạt nhân của mình bằng vũ lực, dù các quan chức Mỹ khẳng định Washington không có ý định làm vậy.

Chương trình hạt nhân của Pakistan

Kho vũ khí hạt nhân của Pakistan đang tăng chậm, hiện có khoảng 170 đầu đạn, theo ông Hans Kristensen thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu các vấn đề an ninh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết các chương trình quân sự của nước này “nhằm bảo vệ chủ quyền và duy trì hòa bình, ổn định tại Nam Á”.

Mối lo ngại về chương trình tên lửa của Pakistan xuất hiện khi Mỹ đang phải đối mặt với lực lượng hạt nhân ngày càng lớn của Trung Quốc, một hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược với Nga sắp hết hạn vào tháng 2/2026 và nỗ lực tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Một chỉ thị mật được Tổng thống Biden ban hành hồi đầu năm nay đã yêu cầu Lầu Năm Góc phát triển các phương án ngăn chặn đồng thời hành động gây hấn từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên.

Hôm 18/12, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lệnh trừng phạt đối với Tổ hợp Phát triển Quốc gia tại Islamabad – cơ quan chịu trách nhiệm phát triển tên lửa đạn đạo Shaheen của Pakistan và tham gia mua sắm các vật tư cho chương trình tên lửa tầm xa, bao gồm khung xe đặc biệt và thiết bị thử nghiệm tên lửa.

Đây là lần đầu tiên Mỹ trừng phạt một doanh nghiệp nhà nước của Pakistan liên quan đến phát triển tên lửa, ông Finer cho biết.

Lệnh trừng phạt cũng được áp dụng đối với ba công ty Pakistan tại Karachi, mà Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc đã cung cấp thiết bị cho chương trình tên lửa tầm xa. Trước đó, Mỹ cũng đã trừng phạt một viện nghiên cứu và các công ty Trung Quốc vì hỗ trợ chương trình tên lửa của Pakistan.

Theo Wall Street Journal