Nhà mạng lý giải việc dịch vụ Lời nhắn thoại làm phiền khách hàng

VietTimes – Thời gian gần đây, nhiều người dùng dịch vụ viễn thông di động tỏ ra bức xúc khi biết thuê bao của mình đã được cài dịch vụ Lời nhắn thoại từ lúc nào không hay…
Nhiều người dùng bức xúc bởi chưa bao giờ đăng kí dịch vụ lời nhắn thoại nhưng vẫn phải trả tiền khi đồng hồ tính cước đã bắt đầu đếm thời gian cuộc gọi mà đầu dây bên kia chưa nhấc máy.
Nhiều người dùng bức xúc bởi chưa bao giờ đăng kí dịch vụ lời nhắn thoại nhưng vẫn phải trả tiền khi đồng hồ tính cước đã bắt đầu đếm thời gian cuộc gọi mà đầu dây bên kia chưa nhấc máy.

Khó chịu vì... độc thoại mà vẫn phải trả tiền

Dịch vụ này được quảng cáo là dịch vụ miễn phí mang lại nhiều lợi ích cho người dùng như cho phép nghe lại lời nhắn từ người gọi và thông báo về cuộc gọi nhỡ. Tuy nhiên theo ghi nhận của VietTimes, không ít người dùng đã gặp phải những phiền toái vì thuê bao nhận cài dịch vụ này. Cụ thể, khi thực hiện cuộc gọi, sau khi hết thời gian đổ chuông sẽ tự động chuyển sang ghi âm tin nhắn thoại. Nếu không để ý, khách hàng có thể mất tiền oan.

“Tôi có thói quen không chủ động tắt máy khi thực hiện cuộc gọi. Nhiều khi không để ý, máy đã chuyển qua chế độ ghi âm tin nhắn thoại và tôi vẫn mất tiền như thường, mặc dù không liên lạc được với bên kia”  - chị Vân Anh, chủ thuê bao 097x.756.xxx - cho hay.

Bên cạnh đó, cách thể hiện khi chuyển sang chế độ tin nhắn thoại rất giống với cách thể hiện khi người dùng bắt máy - hệ thống đếm thời gian thực hiện cuộc gọi - khiến người dùng nhầm lẫn. Điều này gây khó chịu khi người gọi “độc thoại” mà đầu dây bên kia không phản hồi. Thậm chí, đối với người lớn tuổi hoặc những người ít hiểu biết về điện thoại, những trường hợp tương tự có thể gây hao tổn số tiền lớn nếu để máy ghi âm lời thoại.

Thông tin về việc tắt, hủy dịch vụ Lời nhắn thoại được người dùng chia sẻ nhiều trên Facebook - Ảnh chụp từ Facebook.
Thông tin về việc tắt, hủy dịch vụ Lời nhắn thoại được người dùng chia sẻ nhiều trên Facebook - Ảnh chụp từ Facebook.

“Trước kia, khi người nghe không bắt máy thì sẽ ngắt tín hiệu. Bây giờ cài dịch vụ này, tôi luôn phải “canh” xem người nghe đã bắt máy hay chỉ là ghi âm tin thoại, rất phiền phức” – anh Vũ Anh, chủ thuê bao 093x.290.xxx - cho biết.

Theo các nhà mạng, khi thuê bao nhận cuộc gọi cài dịch vụ này thì thuê bao gọi đến sẽ mặc định “được” sử dụng hộp thư thoại. Như vậy, việc tự ý kích hoạt cho tất cả các thuê bao gây ra phiền toái cho người dùng mà họ không hề hay biết. Mặc dù có hướng dẫn hủy, tuy nhiên không phải ai cũng để ý đến dịch vụ này.

“Vấn đề không chỉ đơn giản nằm ở việc hủy hay không. Khi biết, bạn phải nhắc cho người nhận cuộc gọi hủy chứ không đơn thuần chỉ hủy từ một phía. Tại sao nhà mạng không để người dùng chủ động đăng ký khi họ thực sự cần dịch vụ?” – chị Hồng, chủ thuê bao 085x.274.xxx, sống ở Hà Nội - bày tỏ.

Thuê bao có thể chủ động hủy và bật lại dịch vụ

Trao đổi với PV VietTimes, đại diện các nhà mạng đều cho biết, dịch vụ này được triển khai vài năm nay với mong muốn mang lại sự thuận tiện cho khách hàng trong quá trình liên lạc. Khi thuê bao A gọi cho thuê bao B mà thuê bao B không nhấc máy hoặc từ chối nghe máy vì đang bận hoặc đang bận đàm thoại với 1 thuê bao khác thì thuê bao A có thể để lại lời nhắn thoại (dạng audio) gửi cho thuê bao B.

Trao đổi riêng với VietTimes, Vietnamobile cho biết đã dừng triển khai dịch vụ Lời nhắn thoại từ năm 2017.

Lời nhắn sẽ được chuyển thể thành dạng text (văn bản) và gửi đến cho thuê bao nhận dưới dạng tin nhắn SMS. Thuê bao nhận cũng có thể trực tiếp gọi lên tổng đài để nghe lại lời nhắn thoại.

Trao đổi với VietTimes, Viettel cũng xác nhận lời nhắn thoại là tính năng của tổng đài, cung cấp mặc định cho khách hàng trên toàn mạng. Như các nhà mạng khác, Viettel cũng miễn phí đối với thuê bao nhận lời nhắn.

Cước phí phát sinh khi thuê bao gọi để lại lời nhắn thoại và được tính như cước cuộc gọi thông thường, tùy thuộc vào gói cước mà khách hàng sử dụng. Nếu khách hàng sử dụng gói cước có miễn phí cước gọi thì cũng sẽ không bị tính phí khi gửi lời nhắn thoại” – đại diện Viettel Telecom cho biết.

VinaPhone cũng cho biết do chưa có thói quen để lại lời nhắn sau khi tổng đài phát lời chào “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện đang bận hoặc không nhấc máy, vui lòng để lại lời nhắn sau tiếng bíp”, nên có thể những thuê bao gọi đến máy bạn không để lại lời nhắn nào. Khi đó, hệ thống sẽ chỉ gửi về bản tin thông báo là có thuê bao khác để lại lời nhắn.

Tổng đài dịch vụ lời nhắn thoại chỉ phát thoại trong 2 trường hợp: Thuê bao sử dụng dịch vụ đang bận hoặc thuê bao này không thể nghe máy. Vì thế, dịch vụ không làm ảnh hưởng đến cuộc gọi của khách hàng hay làm gián đoạn gây sự cố mạng.

 

Nói về dịch vụ đã triển khai từ năm 2017 này, MobiFone khẳng định “chỉ tính cước để lại lời nhắn đối với thuê bao thực hiện cuộc gọi đi sau khi nghe hết câu thông báo, và cước phí lời nhắn thoại được tính theo cước cuộc gọi thông thường, có độ dài không quá 20 giây với tất cả các trường hợp. Không tính cước các lời nhắn dưới 2 giây”.

Mobifone cũng cho biết thêm, trong lời mời thuê bao thực hiện cuộc gọi để lại lời nhắn thoại, nhà mạng thông báo rõ về hình thức tính cước, rằng: “(…) Như cước thoại thông thường đối với thuê bao thực hiện cuộc gọi đến. Cước tắt và bật lại dịch vụ hoàn toàn miễn phí. Cước gọi lên tổng đài để nghe lại lời nhắn miễn phí. Thuê bao nhận cuộc gọi không phát sinh chi phí duy trì dịch vụ”.

Đại diện Viettel còn cho biết thêm, trên thế giới, rất nhiều nhà mạng lớn như T–Mobie (Mỹ);  Three (Anh); Rogers (Canada),... cũng cung cấp mặc định tính năng lời nhắn thoại trên mạng và áp dụng chính sách trừ cước như cước phí cuộc gọi thông thường.