Việt Nam lọt top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch tiền mã hóa nhiều nhất trên sàn Binance (Ảnh: CoinDesk) |
Cụ thể, trong tháng 5 vừa qua, khối lượng giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư Việt Nam trên sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã lên tới hơn 20 tỉ USD, trong đó hình thức giao dịch hợp đồng tương lai chiếm khoảng 90%. Con số này đưa Việt Nam lên vị trí thứ 4 trong top 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có khối lượng giao dịch hàng tháng cao nhất trên Binance.
Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 2 với khoảng 58 tỉ USD, tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 3 với khoảng 44 tỉ USD và Quần đảo Virgin, thuộc Anh, đứng ở vị trí thứ 5 với khoảng 18 tỉ USD.
Đứng đầu trong danh sách này chính là Trung Quốc với khối lượng giao dịch các tài sản liên quan tới tiền mã hóa lên tới 90 tỉ USD. Lượng giao dịch khổng lồ này giúp Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của Binance tính đến thời điểm này, chiếm khoảng 20% tổng lượng giao dịch trên toàn thế giới.
Đáng chú ý, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới đáng lẽ ra đã phải rời khỏi thị trường Trung Quốc kể từ khi chính quyền nước này cấm tất cả hoạt động giao dịch tiền mã hóa vào năm 2021.
Binance đang đối diện nhiều thách thức
WSJ dẫn lời dẫn lời một số nhân viên đã và đang làm việc tại Binance, cho biết tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Binance là đề tài được thảo luận một cách công khai bên trong công ty. Ở Trung Quốc, hiện có hơn 900.000 người dùng vẫn gắn bó với Binance.
Binance hiện đang phải đối diện với nhiều thách thức về mặt pháp lý, một phần là do cách thức hoạt động mờ ám của họ trên toàn cầu. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) trong tháng 6 đã kiện Binance và người sáng lập Changpeng Zhao vì hoạt động phi pháp và sử dụng sai mục đích tiền của khách hàng. Bộ Tư pháp Mỹ vẫn đang điều tra Binance. Thị phần của họ ở Mỹ gần như không còn, và mới đây công ty này phải cắt giảm hơn 1.000 trên tổng số 8.000 nhân sự trên toàn cầu.
Hoạt động của Binance ở Trung Quốc – chưa từng được tiết lộ trước đây – đã phần nào cho thấy cách mà “gã khổng lồ” tiền mã hóa này hoạt động ẩn danh ở những nơi không chào đón họ.
Theo tài liệu mà WSJ có được, Binance đã giúp người dùng Trung Quốc lách các lệnh hạn chế bằng cách điều hướng họ sang những website có tên miền Trung Quốc, sau đó mới chuyển họ sang sàn giao dịch toàn cầu Binance.com. Số tài liệu này đã lưu hành trong công ty từ trước lệnh cấm năm 2021, nhưng sau khi Trung Quốc chặn website của sàn giao dịch này vào năm 2017.
Binance xử lý lượng giao dịch tiền mã hóa trên khắp thế giới, nhiều hơn hầu hết các đối thủ cạnh tranh của nó gộp lại. Duy trì hoạt động giao dịch ở Trung Quốc đóng vai trò sống còn đối với Binance trong bối cảnh sàn giao dịch đang phải đối mặt với nhiều quy định thắt chặt, có khả năng đe dọa tương lai của nó.
Zhao, người sáng lập Binance, sinh ra ở Trung Quốc nhưng lớn lên ở Canada. Ông sáng lập sàn giao dịch tại Thượng Hải vào năm 2017. Vài tháng sau, sàn giao dịch tiền mã hóa này đã rơi vào tầm ngắm của chính phủ. Giới chức Trung Quốc lo ngại rằng các giao dịch sẽ bị lợi dụng để chuyển tiền ra nước ngoài một cách bất hợp pháp. Zhao sau đó tuyên bố chuyển hoạt động của Binance ra nước ngoài.
Tuy nhiên, Binance vẫn duy trì đội ngũ hàng chục người ở Trung Quốc, theo WSJ đưa tin trước đó.
Trung Quốc tiếp tục siết chặt tiền mã hóa vào năm 2021, tuyên bố tất cả các giao dịch liên quan tới tiền mã hóa là phi pháp. Mục đích của giới chức nước này là duy trì an ninh quốc gia và ổn định xã hội.
Lúc bấy giờ, Binance cho hay họ sẽ tiến hành kiểm kê người dùng và chuyển đổi tài khoản của khách hàng ở Trung Quốc sang chế độ “chỉ được rút tiền”, có nghĩa rằng họ sẽ bị cấm giao dịch.
Sau khi lệnh cấm được thực thi, hoạt động kinh doanh của Binance ở Trung Quốc đã giảm xuống còn 17% tổng khối lượng giao dịch vào thời điểm cuối năm 2021, từ 24% vào giữa năm đó.
Tuy nhiên, lượng giao dịch của khách hàng Trung Quốc đã tăng trở lại vào năm 2022 và duy trì ở mức cao. Trong tháng 5 năm nay, khách hàng Trung Quốc đã thực hiện giao dịch tiền mã hóa với tổng giá trị 90 tỉ USD. Hầu hết giao dịch đều là hợp đồng tương lai có liên quan tới tiền mã hóa, mà giao dịch này lại bị cấm ở Mỹ./.
Khi Binance quyết làm stablecoin giữa 'mùa đông crypto'
Nợ nần chồng chất, đại gia tiền mã hóa hàng đầu thế giới Genesis chính thức nộp đơn xin phá sản
Mỹ bắt giữ Legkodymov, chủ sàn giao dịch tiền mã hóa người Nga hoạt động ở Trung Quốc
Theo Wall Street Journal