Nhà đầu tư vẫn để sẵn hơn 92.500 tỷ đồng tại công ty chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tổng số dư tiền của khách hàng tại thời điểm 31/12 ở các công ty chứng khoán đạt trên 92.452 tỷ đồng, tăng 63% so với cuối năm 2020.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trở lại ở quý IV sau quãng thời gian điều chỉnh ở quý trước đó và khép lại một năm 2021 với nhiều thành công. Chốt phiên giao dịch cuối cùng của quý IV (31/12), VN-Index đứng ở mức 1.498,28 điểm, tương ứng tăng 115,22 điểm (11,6%) so với thời điểm cuối quý III. HNX-Index cũng tăng 116,66 điểm (32,6%) lên 473,99 điểm. UPCoM-Index tăng 16,12 điểm (16,7%) lên 112,68 điểm.

Không chỉ tăng về mặt điểm số, thanh khoản thị trường ở quý IV cũng có sự bứt phá. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 26.582 tỷ đồng/phiên, tăng 26,3% so với quý III.

Lượng mở mới tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn ở mức cao và góp phần không nhỏ trong việc giữ thị trường giao dịch sôi động. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), cá nhân trong nước mở mới tổng cộng 5763.556 tài khoản chứng khoán trong quý IV, tăng 72% so với quý trước đó. Riêng trong tháng 12, lượng mở mới lập kỷ lục với 226.580 đơn vị, tăng 2,6% so với tháng 11.

Việc nhà đầu tư mới tích cực nhập cuộc đã khiến dư nợ margin tại các công ty chứng khoán liên tục lập kỷ lục trong các quý. Thống kê các công ty chứng khoán đứng đầu về dư nợ cho vay (bao gồm cho vay margin và ứng trước) tiếp tục lập kỷ lục với trên 194.000 tỷ đồng tại 31/12. Dư nợ cho vay tăng là 39.053 tỷ đồng (25%) so với quý cuối quý III/2021 và hơn gấp đôi so với cuối năm 2020 (91.481 tỷ đồng). Tổng lượng cho vay của 10 đơn vị dẫn đầu chiếm khoảng 65% toàn nhóm CTCK.

Không chỉ vậy, nhà đầu tư chứng khoán vẫn còn để một lượng lớn tiền lớn trong các công ty chứng khoán. Cụ thể, tổng số dư tiền của khách hàng tại thời điểm 31/12 ở các công ty chứng khoán đạt trên 92.452 tỷ đồng, tăng 1% so với quý III và 63% so với cuối năm 2020.

Trong số này đa phần là tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý với hơn 72.545 tỷ đồng (chiếm 78%), giảm 3,3% so với quý III nhưng vẫn tăng đến 60,5% so với cuối năm 2020.

Tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý tại Chứng khoán VPS (VPS) là lớn nhất với 18.391 tỷ đồng tăng 17% so với quý III. Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) cũng có 7.217 tỷ đồng số dư tiền này. Đứng ở vị trí thứ ba là Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) với 4.951 tỷ đồng, nhưng mức này giảm mạnh 34% so với quý trước. Trong khi đó, khoản này tại Chứng khoán Techcombank (TCBS) tăng vọt 42% và đạt 4.575 tỷ đồng.

Tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý. Đơn vị: Tỷ đồng.

Tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý. Đơn vị: Tỷ đồng.

Theo NDH