|
Nhà báo Trương Anh Ngọc. Ảnh: thethaovanhoa.vn. |
PV: Chào anh. Xin anh cho biết những nhận định về đối thủ của Việt Nam trong trận tứ kết sắp tới?
Rõ ràng chúng ta so với đội bạn không khác gì “người tí hon” với “người khổng lồ”. Đó là so sánh về đẳng cấp và trình độ. Việt Nam mới có tên tuổi trong khu vực Đông Nam Á, còn Nhật Bản đã trở thành “ông lớn” của cả châu lục và đã quen với từng khuôn mặt ở World Cup, kì World Cup nào họ cũng chơi rất hay, nhất là trong năm vừa rồi.
Nhật Bản đã tạo ra rất nhiều ấn tượng tốt, chỉ có điều sau World Cup thì đội hình này bắt đầu trẻ hóa, thay đổi HLV, đưa vào rất nhiều nhân tố mới. Mặc dù vậy, Nhật Bản cũng đặt ra mục tiêu phải vô định giải Asian Cup lần này, sau đó chuẩn bị lực lượng tốt nhất cho Thế vận hội 2020. Nói gì thì nói, dù chúng ta có tự tin đến đâu, tự hào đến đâu thì cũng phải thừa nhận rằng Nhật Bản mạnh hơn Việt Nam rất nhiều. Đây là điều chắc chắn không cần bàn cãi.
PV: Trước một đối thủ mạnh như Nhật Bản, anh dự đoán thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ tiếp cận trận đấu như thế nào?
Tôi nghĩ mình mạnh gì thì chơi đấy thôi. Đội tuyển Việt Nam giỏi về lối chơi phòng ngự phản công. Bên cạnh đó, tinh thần của đội tuyển cũng đang rất tốt. Năm ngoái, đội tuyển thi đấu tại giải ASIAD do chính HLV Park Hang Seo dẫn dắt đã thắng U21 Nhật Bản.Việt Nam lúc đó ra sân với đội hình U23+3, còn Nhật Bản là đội hình U21. Mặc dù chiến thắng đó so với lần này có thay đổi đội hình, nhưng ít nhiều cũng tạo ra được tâm lý tốt cho đội tuyển Việt Nam khi đối mặt với Nhật Bản lần này.
Một điều đáng nói nữa là Việt Nam không còn gì để mất, còn Nhật Bản với tư cách là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch nên rõ ràng gánh áp lực nhiều hơn so với đội tuyển Việt Nam. Việt Nam đá với tâm trạng thoải mái, nếu triển khai đúng ý đồ của ông Park nữa thì rất tốt. Tôi nghĩ rằng với lối đá phòng ngự phản công tốt, đội tuyển Việt Nam cứ chơi hiệp đầu như trong trận Iraq, hiệp hai như trận với Jordan thì không có gì đáng ngại cả. Chắc chắn đội bạn sẽ chiếm bóng nhiều hơn, họ sẽ chủ động điều chỉnh nhịp độ trận đấu theo cách của riêng họ. Còn chúng ta có sự kiên nhẫn, có sự dũng cảm nên tôi nghĩ chúng ta không có gì phải sợ cả.
PV: Anh nhận thấy Nhật Bản có những điểm yếu gì khiến chúng ta có thể tận dụng để tạo cơ hội cho đội tuyển Việt Nam không, thưa anh?
Tuy là một đội rất mạnh nhưng Nhật Bản cũng có điểm yếu. Cách chơi của Nhật Bản đa dạng và khó lường, không giống như cách chơi của Iran hay Hàn Quốc. Thay vì đè bẹp đối phương ngay từ đầu, Nhật Bản triển khai lối đá giống như “mèo vờn chuột”. Khi đá với Việt Nam, Nhật Bản buộc phải chơi ở vị trí đội cửa trên và chịu những áp lực đáng kể.
Điểm yếu của Nhật Bản nằm ở hàng phòng ngự. Ngoài hậu vệ cánh trái Nagatomo, các hậu vệ còn lại tốc độ đều không cao, cặp trung vệ gồm đội trưởng Yoshida dày dặn kinh nghiệm, trung vệ còn lại là Tomiyasu thì lại xoay sở chậm. Nếu trong lúc phản công, chúng ta đánh thẳng vào cặp trung vệ đó thì có thể tạo ra cơ hội. Nagatomo phía cánh trái thực ra tấn công giỏi hơn phòng ngự, mặt khác cầu thủ này cũng đã qua thời kỳ đỉnh cao rồi, vì thế chúng ta có thể lợi dụng điều này để phản công.
Một vấn đề nữa hàng tiền vệ của Nhật Bản được đánh giá cao nhưng khi phân tích 2 trong trong số 3 bàn thua của đội tuyển này, tôi thấy rằng hàng tiền vệ này đang thiếu cảnh giác. Bàn thua đầu tiên với Turkmenistan là do sút xa và thiếu cảnh giác. Bàn thua thứ 2 do tiền vệ chơi bị động để mất bóng khiến tiền đạo đối phương lao thẳng vào khu cẩm địa ghi bàn. Đó là những điểm yếu “chết người”, sau đó đội tuyển này đã điều chỉnh lại nhưng phần nào đó họ vẫn có một chút chủ quan khi chơi ở khu vực giữa sân.
PV: Anh dự đoán khả năng đi tiếp của đội tuyển Việt Nam là bao nhiêu trong mùa giải Asian Cup lần này?
Tôi nghĩ cửa vào sâu nữa của chúng ta rất hẹp và vô cùng khó khăn, khả năng của Việt Nam so với đội bạn là 30/70. Tuy nhiên, chúng ta có lợi thế về tâm lý thoải mái, dù kết quả có ra sao thì cũng rất đáng mừng. Mong đội tuyển sẽ tận dụng tốt cơ hội và triển khai đúng ý đồ của ông Park.
PV: Xin chân thành cảm ơn anh!