Đây là những lời xúc động của Giáo sư Goro Nakamura – người bạn thân của Nhà báo nước ngoài duy nhất hi sinh trong chiến tranh biên giới 1979, tại buổi nói chuyện tưởng nhớ nhà báo Takano Isao. Đã 40 năm qua, giờ ông có mặt ở Việt Nam để chia sẻ về mất mát đau lòng này.
Câu chuyện từ 40 năm trước được tái hiện qua lời kể của chính người bạn đồng hành trở nên chân thực hơn bao giờ hết. Tại Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, nơi nhà báo Takano từng theo học, cả hội trường như được sống lại trong những giây phút đầy cảm xúc, giây phút người phóng viên quả cảm đã ngã xuống trên con đường đồng hành cùng nhân dân Việt Nam đi tìm chính nghĩa.
“Quân Trung Quốc đã bắt đầu xâm lược biên giới Việt Nam ngày 17/2 năm đó. Đến ngày 5/3, Tân Hoa xã của Trung Quốc đã đưa tin rằng Trung Quốc đã rút khỏi Việt Nam. Vì thế, Takano và tôi quyết định đi kiểm chứng xem liệu tin tức từ Tân Hoa Xã đó có phải sự thật hay không”.
Theo lời kể, đoàn nhà báo di chuyển bằng 2 xe ô tô từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Đến khu vực thị xã, cả đoàn bị tấn công bằng súng cối. “Lúc đó, chúng tôi cố gắng nấp mình vào các rãnh ven đường, nhưng rất nhiều những mảnh đạn vỡ bay quanh chúng tôi. Khoảnh khắc đó, chúng tôi nhận ra rằng nếu quay trở về Hà Nội ngay lập tức, chúng tôi sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn. Vì vậy chúng tôi quyết định tiến sâu hơn vào thị xã Lạng Sơn”.
Bản đồ chiến dịch cho thấy, phía Trung Quốc đã xâm lược vào lãnh thổ của Việt Nam. Khi đến nơi, ông Nakamura và đoàn xe thấy đường phố tại Lạng Sơn cũng như Đồng Đăng bị phá hủy rất trầm trọng, các tàu chiến xếp hàng qua biên giới Việt Nam. Theo lời kể của ông Nakamura, nhờ địa hình núi hiểm trở, những chiếc xe tăng Trung Quốc không phát huy được tác dụng và bị phá hủy bởi quân đội Việt Nam. “Quân Trung Quốc giết người dân vô tội vạ, không kể phụ nữ hay trẻ em. Độ tàn ác không kém gì quân đội Hoa Kỳ đã xâm lược vào Việt Nam trước đó”.
2 xe ô tô chở đoàn nhà báo đi trên đường bị vướng vào dây điện phía trên, dây điện đó cuộn xuống dưới xe của ông Nakamura nên phải dừng lại để xử lý. Do quá nguy hiểm không thể dừng lại lâu gây chú ý, ô tô của ông Takano từ phía sau vượt lên và nói: “Chúng ta không nên ở lại đây lâu. Xe tôi đi trước nhé. Các bạn cũng nhanh lên”, ông Nakamura kể lại.
Lúc đó, cả đoàn không lường trước được phía trước chỉ khoảng 100 mét chính là địa điểm bị quân đội Trung Quốc tấn công. Ông Nakamura và đồng nghiệp thấy một tiểu đội súng máy của Trung Quốc đã phục sẵn để tấn công tại vị trí bờ bên kia sông Kỳ Cùng.
“Trước đó, khi anh Takano xuống xe và tiến gần nơi quân Trung Quốc phục sẵn, anh chỉ cầm máy ảnh thôi nhưng phía Trung Quốc vẫn tấn công. Rõ ràng, họ cố tình tấn công khi biết chúng tôi không phải người Việt và không đem theo vũ khí.”
Theo lời thuật lại, cả tòa nhà UBND tỉnh Lạng Sơn đã bị phá hủy nghiêm trọng. Lính Trung Quốc phục sẵn trên tầng 2 của tòa nhà dùng súng bắn tỉa tấn công.
Nhà báo Takano đã hi sinh bởi đạn súng nhỏ từ lính trên tòa nhà gần đó. Lính Trung Quốc dùng súng máy bên kia sông cũng xả đạn xối xả vào đoàn xe. “Tôi nhớ không nhầm thì loạt đoạn kéo dài đến 15 phút. Người lái xe của tôi – anh Tước cũng đã bị đạn bắn vào bụng và bị thương rất nặng”, ông Nakamura bồi hồi nhớ lại.
“Tôi không chứng kiến khoảnh khắc anh Takano hi sinh mà nghe qua thông báo của một người đồng nghiệp. Tôi cùng những người còn lại cố gắng chạy trong mưa bom bão đạn từ phía Trung Quốc. Rất may mắn là tôi có thể chạy thoát mà không bị thương, sau đó tôi được bộ đội Việt Nam chăm sóc. Sau một thời gian thi thể anh Takano được đưa đến và thật đau lòng khi thấy anh đã lạnh ngắt. Lúc đó tôi đã đau đớn nghĩ rằng nếu không có dây điện vướng vào xe tôi, chắc chắn xe tôi sẽ đi trước và xe anh Takano không phải vượt lên để rồi hứng súng đạn Trung Quốc. Anh Takano đã hi sinh thay tôi.”
Sau một thời gian trú ẩn trong hang, ông Nakamura được các cán bộ quân đội Việt Nam cảnh báo rằng không nên qua đêm ở đây, vì quân đội Trung Quốc sẽ tấn công vào hang. “Các chiến sĩ cũng khuyên chúng tôi nên tháo hết các vật dụng kim loại trên người để tránh phản chiếu khiến quân địch phát hiện. Họ cũng cử chiến sĩ tháp tùng đưa chúng tôi về căn cứ. Chỉ cách 2 km nhưng phải mất cả đêm chúng tôi mới đến được căn cứ quân đội Việt Nam. Sau đó tôi về Hà Nội cùng với thi thể anh Takano”.
Cuối cùng, thi hài của “chứng nhân quả cảm” Takano cũng được đưa về an táng tại quê hương. Những di vật nhà báo Takano để lại gồm những vật dụng cá nhân như giày dép, quần áo và chiếc máy ảnh – vật mà ông luôn mang theo cho đến lúc hi sinh. “Kế từ đó, tôi luôn cảm thấy có lỗi với anh Takano. Suốt 40 năm qua tôi vẫn chưa đủ sẵn sàng để đến thăm nơi này cho đến mấy hôm trước, tôi mới đủ can đảm để đến thăm bia tưởng niệm anh Takano và gửi tặng anh bó hoa”, ông Nakamura xúc động chia sẻ.
Ngày nay, ngoài phần mộ chính của nhà báo Takano tại quê nhà Kobe, Nhật Bản, một bia tưởng niệm cũng được dựng lên trên chính mảnh đất Lạng Sơn, nơi ông đã ngã xuống. Đó như một minh chứng cho tấm gương quả cảm của người chiến sĩ trên mặt trận thông tin, không ngại gian khó đi tìm công bằng cho một dân tộc khác.
Những bức ảnh tư liệu quý về nhà báo Nhật Bản Takano do Giáo sư Goro Nakamura cung cấp:
Ảnh một nhóm bộ đội Việt Nam do Giáo sư Goro Nakamura chụp tại Lạng Sơn vào tháng 3-1979.
|
Chiếc xe Jeep chở hai nhà báo Takano Isao và Nakamura đúng ngày Takano hi sinh
|
Phụ nữ và trẻ em sơ tán khỏi thị trấn để tránh các cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc.
|
Nhà báo Takano Isao bước ra khỏi một hang động hướng về phía đỗ xe.
|
Quân đội Trung Quốc với tiểu liên và súng máy trong chiến tranh biên giới.
|
Tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thị xã Lạng Sơn, nơi quân đội Trung Quốc từng chiếm giữ.
|
Vị trí gần ga Lạng Sơn, nơi xe của Nakamura bị mắc phải dây diện. Lúc này, xe ô tô của Takano đã đi trước.
|
Xe Jeep chở nhà báo Takano bị phá hủy hoàn toàn.
|
Đạn từ họng súng của binh lính Trung Quốc xuyên qua kính chắn gió, trúng đầu nhà báo Takano.
|
Di vật của nhà báo Takano, bao gồm: Quần áo, giày và máy ảnh.
|
Vỏ đạn của quân đội Trung Quốc.
|
Sổ tay của nhà báo Takano.
|
Pháo cối của quân đội Trung Quốc.
|
Mảnh đạn pháo cối thu được sau một trận oanh tạc của quân đội Trung Quốc vào thị xã Lạng Sơn.
|
Sau khi chạy thoát khỏi thị trấn, Nakamura được đưa đến hang ẩn náu của một tiểu đội bộ đôi Việt Nam.
|
Tại đây, Nakamura đã được tiếp lương thực và đưa về hậu phương.
|
Bia tưởng niệm nhà báo quả cảm Takano Isao tại chính nơi anh hi sinh.
|
Ông Goro Nakamura (áo sáng) chụp ảnh cùng nhân dân Việt Nam.
|
Con gái nhà báo Takano Isao (áo sáng) được đưa tới Việt Nam để tham dự lễ viếng cha.
|
Lễ viếng nhà báo Takano Isao của tờ Akahata (Cờ đỏ) tại Hà Nội ngày 13.3.1979.
|
Con gái ông Takano Isao tới thắp hương tại mộ cha mình ở Nhật Bản.
|