Nhà băng cảnh giác với nợ xấu, cắn răng trích lập dự phòng rủi ro

Trích lập dự phòng rủi ro lớn, lợi nhuận của hầu hết ngân hàng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 50% kế hoạch năm. Lợi nhuận khó có sự đột biến do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu trước áp lực đưa nợ xấu về dưới 3%.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo con số mà Vietcombank công bố, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước dự phòng của Vietcombank vẫn đạt mức cao với 6.035 tỷ đồng (tăng 16,6% so cùng kỳ). Tuy nhiên, lợi nhuận sau trích lập dự phòng rủi ro chỉ còn lại 3.040 tỷ đồng (tăng 9,45% so cùng kỳ), tức đạt 50,7% kế hoạch năm. Điều này có nghĩa, 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đã chi tới gần 50% lợi nhuận cho trích lập dự phòng rủi ro (2.995 tỷ đồng).

Sự “cảnh giác” của lãnh đạo Vietcombank với nợ xấu là không thừa, khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tính đến tháng 6/2015 đã tăng so với cuối năm 2014 với số nợ xấu tuyệt đối tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau trích lập dự phòng của Vietcombank 6 tháng đầu năm chỉ bằng 50% kế hoạch năm
Lợi nhuận sau trích lập dự phòng của Vietcombank 6 tháng đầu năm chỉ bằng 50% kế hoạch năm

Ngoài chi phí lớn cho trích lập dự phòng, lợi nhuận của Vietcombank chưa có sự đột phá, một phần là do dư nợ cho vay tiền đồng tăng chậm. Tính đến ngày 30/6/2015, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank là 6,52%, tương đương mức tăng trưởng chung của cả hệ thống. Tuy nhiên, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cảnh báo, chất lượng tín dụng của Vietcombank đang ở mức đáng lo ngại do vẫn chủ yếu tập trung ở ngoại tệ và kỳ hạn dài dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn, hạn chế các dịch vụ ngân hàng và tạo áp lực rủi ro về thanh khoản.

Trước Vietcombank, TPBank cũng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 với lợi nhuận 342 tỷ đồng. Tuy mức lợi nhuận này vượt 112% kế hoạch 6 tháng và đạt 55% kế hoạch lợi nhuận cả năm của TPBank, song lại thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (363 tỷ đồng). Đáng lưu ý, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này 6 tháng đầu năm mới đạt 10%, trong khi mục tiêu đặt ra của cả năm được Đại hội đồng cổ đông thông qua là 62,11%.

Trước đó, theo công bố của ABBank, lợi nhuận trước thuế 5 tháng đầu năm đạt 122,2 tỷ đồng, đạt 40,7% kế hoạch của cả năm (300 tỷ đồng). Cũng theo công bố của ngân hàng này, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm chỉ đạt 1%, chỉ bằng 1/5 so với mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống.

Dù chưa công bố con số chính thức, song lãnh đạo một số ngân hàng như Sacombank, Techcombank, VIB, Sacombank, SCB… cho biết, lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay ước đạt 50% kế hoạch năm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết: “Năm nay, tín dụng phục hồi tốt hơn từ đầu năm, nên lợi nhuận của ngân hàng được cải thiện. Tuy nhiên, các ngân hàng đang phải tăng tốc xử lý nợ xấu, bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Điều này khiến trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng tăng lên, phần nào ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng”. 

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương đưa tỷ lệ nợ xấu về 3% chậm nhất vào cuối quý III/2015 thay vì cuối năm. Như vậy, chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, các ngân hàng phải chạy nước rút để tự xử lý thu hồi nợ và bán nợ cho VAMC. 

Hiện nay, rất nhiều ngân hàng đang phải xử lý một khối lượng nợ xấu khá lớn, đồng nghĩa phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều là Sacombank, SouthernBank, Dong A Bank, ACB, ABBank, SCB…

Theo số liệu của VAMC, tính đến ngày 30/6/2015, VAMC đã mua vào tổng cộng 160.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Mức trích lập cho loại trái phiếu này là 20%, đồng thời các ngân hàng đang phải nghiến răng “cắt” 32.000 tỷ đồng lợi nhuận cho trích lập dự phòng rủi ro, chưa tính đến các khoản trích lập cho những khoản nợ xấu mà ngân hàng để lại để tự xử lý.

Chính vì vậy, dù đã hoàn thành cơ bản chỉ tiêu lợi nhuận 6 tháng đầu năm, song lãnh đạo nhiều ngân hàng đều tỏ ra thận trọng cho chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nay. Với một số ngân hàng đứng trước thềm sáp nhập hoặc nghi án sáp nhập như Sacombank, Eximbank, Nam A Bank, Dong A Bank… lợi nhuận thậm chí sẽ còn giảm giai đoạn đầu, khi các thương vụ sáp nhập chính thức được thực hiện.  

Theo dự báo của các chuyên gia, 3 quý đầu năm nay, lợi nhuận ngành ngân hàng khó có sự đột biến do các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu trước áp lực đưa nợ xấu về dưới 3%. Tuy nhiên, bắt đầu từ quý IV/2015, lợi nhuận ngân hàng sẽ được cải thiện, một phần nhờ việc trích lập cơ bản đã hoàn thành, một phần do tín dụng khởi sắc từ đầu năm và vẫn tiếp tục cải thiện tích cực.

Theo Đầu tư