Các tập tản văn Nguyễn Ngọc Tư được ra mắt đan xen với các tập truyện ngắn. Năm nay là “Hành lý hư vô” (2019), trước đó Tư có “Đong tấm lòng” xuất bản năm 2015, “Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư” năm 2013, “Yêu người ngóng núi” năm 2012…
Tạp văn, tản văn Nguyễn Ngọc Tư vẫn nhiều màu sắc truyện ngắn đã định danh Nguyễn Ngọc Tư trong “Cố định một đám mây” (2018), “Không ai qua sông” (2016), “Đảo” (2014)…
Một nỗi buồn dai dẳng, chừng không có thật nhưng rất thật, rất người (trong “Đợi xa xôi”), ám ảnh niềm trông chờ của người đàn bà chợ Cùng, mắc kẹt trong ký ức, vương vấn với một lời hứa đã trôi theo gió thoảng mây bay.
Một thằng Mọt cả năm lặn ngụp nhổ bông súng bán, nhà nghèo chảy nước, bỗng dưng láng mượt bảnh bao trong bộ đồ vest xanh đóng hộp hình ảnh cứng ngắc của chú rể (trong “Đám cưới rừng”) ráng “nghiến răng ken két” mời dân rừng ăn một bữa cỗ cưới hoành tráng để rồi sau đó kéo cày trả nợ không biết đến hồi nào mới xong.
Một vết “sẹo của nước” để lại nhát cắt ngọt vào lòng người đọc, trong một vụ án oan, nạn nhân là cậu bé mồ côi bị khép tội khi cứu người. Người đại diện pháp luật không đứng về phía cậu bé, ngay cả người cậu cứu cũng không, vậy mà dân làng, những người thất học, ít học, nhưng chan chứa lòng nhân ái và giàu niềm tin là cả quyết: cậu bé không thể là kẻ ác. Cuối cùng thì cậu bé cũng được minh oan nhờ dân làng dốc lòng đòi công lý. Nhưng “Người ta vẫn tưởng chém vào nước thì không để lại sẹo. Chẳng nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng chúng vẫn ở đó, rách bươm, còn lâu mới lành” - Nguyễn Ngọc Tư kết thúc bài viết như vậy.
Một em Hai Ngò (trong “Dâu biển ngang qua một nét mày”) sống động ở ký ức, mặt xanh rớt rỏng, nem nép bên dòng kinh Xuôi, ngồi tem hem bán mớ rau còm, ngại ngần e ấp tuổi chưa kịp dậy thì, mấy chục năm sau đột nhiên biến đổi chóng mặt, trở thành thím Hai Ngò mới vừa tắm trắng, sáng rực như con nhộng tằm, cặp chân mày cong vút tô vẽ cẩn thận, dịch vụ của mấy tiệm làm đẹp dạo miền sông nước; diện áo đầm đi siêu thị. Bởi xứ kinh Xuôi từ khi có con tôm nuôi xuất hiện khiến nền kinh tế và cả nền tảng xã hội của miền quê đã thay đổi, mùi bùn đã phai đi rồi.
Một khúc quanh của cuộc sống (trong “Đến hồi tan vỡ”) khi ngày giỗ má không ai còn yêu cầu phải cúng cá đìa, bởi cá thiên nhiên đâu còn mà kiếm, cá nuôi thịt lạt nhách, mùi vừa tanh, vị vừa khó ăn, nhưng thời buổi cá nuôi đã lên ngôi, chiếm chỗ của cá thiên nhiên, không chỉ ở vựa gạo chợ Cuối, mà ở mọi nơi rồi.
Trong những sự đổi thay chóng mặt của người và thiên nhiên, có một đứa con gái nhớ hoài những hình ảnh ung dung (“Biết sống”) của bà má quá cố, lúc sinh thời dù rất tài năng nhưng chỉ làm vừa đủ, không bị hấp lực của đồng tiền quyến rũ, quyết chỉ kiếm vừa vặn lo cho gia đình, còn dư chút đỉnh phòng lúc ốm đau. Bởi, giàu có cỡ mấy thì “Giàu nghèo gì, phải vui mới được”…
Hành lý hư vô, với người viết như Nguyễn Ngọc Tư: “Đó là thứ duy nhất có thể mang theo. Vào đúng khi bạn nhận ra bao nhiêu đồ đạc cũng chẳng lấp nổi biển trong lòng. Vào đúng khi bạn có quá nhiều thứ để nhìn nhận lại trước và trong những cuộc chia tay. Vào đúng khi bạn hiểu cách những mối quan hệ biến dạng sau mỗi cuộc chuyển dời, nhất là giữa người với người. Vào đúng khi bạn biết là mình có thể buông, nhẹ không” – Nguyễn Ngọc Tư tự sự.