Nguồn lực y tế khan hiếm, các nhân viên y tế Italy buộc phải lựa chọn “ưu tiên cứu chữa bệnh nhân trẻ tuổi”

VietTimes -- Với số trường hợp mới được chẩn đoán bị COVID-19 đã vượt mốc 10 ngàn người, các nhân viên y tế Italy đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn. Do thiếu nghiêm trọng giường bệnh và vật tư y tế, các nhân viên y tế tuyến đầu ở Italy buộc phải lựa chọn trong việc cứu giúp bệnh nhân. Xem xét đến cơ hội sống sót, những người trẻ tuổi thường là đối tượng được ưu tiên điều trị.
Sau khi phong tỏa cả nước, Italy vẫn duy trì hoạt động vận tải công cộng trong thành phố. (Ảnh: Tân Hoa xã).
Sau khi phong tỏa cả nước, Italy vẫn duy trì hoạt động vận tải công cộng trong thành phố. (Ảnh: Tân Hoa xã).

Theo trang tin chính trị Politico ngày 10/3, do chưa có dấu hiệu cho thấy khi nào dịch bệnh sẽ bùng nổ, các bác sĩ gây mê và thày thuốc người Italy được yêu cầu chặt chẽ trong việc chỉ định cơ hội cho bệnh nhân sử dụng máy thở và giường khi nguồn tài nguyên y tế khan hiếm.  

Tại vùng Lombardy (hay Bologna), khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh COVID-19 ở Italy, tình trạng thiếu giường và vật tư y tế đã buộc các bác sĩ tuyến đầu phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Một bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Milan cho biết: “Thực tế, chúng tôi buộc phải chọn (người để điều trị) và chúng tôi chỉ có thể trao (công việc lựa chọn) cho những người không cảm thấy có gánh nặng đạo đức đối với việc này”.

Hiện tại, vùng Bologna chỉ có khoảng 900 giường cho các bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt. Nhưng ở những khu vực như Bergamo, Lodi và Pavia, việc sử dụng giường tại bệnh viện đã “gần như bão hòa”.

Theo Politico, nguyên tắc điều trị hiện nay tại các bệnh viện ở Italy là giành nguồn lực y tế cho những người có cơ hội sống sót cao nhất, điều đó có nghĩa là nhân viên y tế sẽ ưu tiên cho những người trẻ tuổi hơn là người già hoặc những người bị mắc các bệnh tiềm ẩn.

Sau khi Thủ tướng Conte ban bố sắc lệnh phong tỏa cả nước, các điểm du lịch trọng điểm đều vắng khách. Ảnh: một người đàn ông mang khẩu trang đi ngang bên ngoài di tích Đấu trường La Mã ở thủ đô Roma (Ảnh: Tân Hoa xã).
Sau khi Thủ tướng Conte ban bố sắc lệnh phong tỏa cả nước, các điểm du lịch trọng điểm đều vắng khách. Ảnh: một người đàn ông mang khẩu trang đi ngang bên ngoài di tích Đấu trường La Mã ở thủ đô Roma (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ông Luigi Riccioni, bác sĩ gây mê và là người đứng đầu Ủy ban Gây mê, Giảm đau, Phục hồi chức năng và Chăm sóc Chuyên sâu của Italy, nói: “Chúng tôi không muốn phân biệt đối xử (bất kỳ bệnh nhân nào)”, “Chúng tôi biết rằng so với những người khỏe mạnh, các bệnh nhân dễ bị tổn thương không thể chịu đựng được một số phương pháp điều trị”. Ông Riccioni đã tham gia soạn thảo một hướng dẫn của bệnh viện về nguyên tắc điều trị ưu tiên cho bệnh nhân bị COVID-19.

Riccioni cũng cho biết ông muốn đảm bảo rằng các nhân viên y tế “không bị cô lập khi đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong vấn đề đạo đức”.

Giulio Gallera, một thành viên của Ủy ban phúc lợi xã hội vùng Bologna nói, áp lực đối với các bác sĩ tuyến đầu đang ngày càng gia tăng. Ông đã thấy một số bác sĩ khóc tại hiện trường vì tình hình nghiêm trọng trong bệnh viện. “Họ lo ngại rằng họ sẽ không thể cung cấp dịch vụ chăm sóc cho mọi người bệnh, bởi vì nhu cầu vượt quá những tài nguyên y tế mà bệnh viện có”, ông Gallera nói.

Ông Borelli, người đứng đầu bộ phận bảo vệ dân sự của Italy, Ủy viên của Ủy ban khẩn cấp về virus Corona mới, hôm 10/3 nói, tính đến 18h00 giờ địa phương cùng ngày, Italy đã có tổng cộng 10.149 ca COVID-19 được xác nhận với 631 người đã tử vong.