Người lính già và ký ức xung phong tự thiêu ở nhà tù Phú Quốc

VietTimes -- Trong những ngày tuyệt thực tại nhà lao Phú Quốc, các đồng chí khỏe thì phải bò đi lấy nước uống cho cả phòng. Rất cảm động, tôi chứng kiến có đồng chí đã rất yếu mà anh em đưa nước và cơm rang tới vẫn nhất định chối, nói mình còn khỏe, chỉ đến khi đói lả đi thì mới chịu ăn uống...

Ông Đào Văn Kim, cựu tù Phú Quốc.
Ông Đào Văn Kim, cựu tù Phú Quốc.

Trải qua những ngày ở địa ngục trần gian ấy, ông vẫn tâm niệm, bao nhiêu năm qua cứ nghĩ đến giây phút ấy lại thấy mình phải sống xứng đáng với quá khứ. Cũng nhờ thế, khi từ cõi chết trở về với quê hương, ông mới chỉ học hết cấp hai, vậy mà ông lại vừa làm vừa học để thành anh kỹ sư, rồi được giữ những trọng trách không nhỏ như Trưởng đoàn Ngoại giao Công Gô...

Nhắc lại chuyện cũ, ông Đào Văn Kim, cựu tù Phú Quốc vẫn chẳng thể nào quên dẫu, tháng ngày ấy đã qua nửa thế kỉ.

Bị bỏ đói và tra tấn tàn bạo

Người cựu tù Phú Quốc bồi hồi nhớ lại: Trong nhà tù Phú Quốc, tôi chuyển qua nhiều trại từ D5 đến B5, A1, C4, C8, B7, C10. Mỗi khi đến đâu, tôi đều được tổ chức phân công công việc, như tham gia vào đội vượt ngục. Tôi đã từng làm đội trưởng đào nhiều hầm để vượt ngục cùng nhiều người, như anh Khương trắng (Tựa), Khoa (Trình) Bình (Giao) ở Thanh Hóa, anh Sơn, anh Toàn ở Quảng Bình, anh Tính (Tháo) ở Hưng Yên, anh Đông ở Thái Nguyên, anh Hoàng Trọng Lượng ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, anh Đinh Duy Điệp ở Ninh Bình, nguyên là Đảng ủy nhà lao của nhiều trại.

Ông nhớ nhất là lần công tác tình nguyện nhận nhiệm vụ hy sinh ở nhà lao C10. Vào khoảng tháng 7/1972, anh em tù binh Phú Quốc trong lúc đi lấy củi ở rừng đã đánh lính, cướp súng tìm đường về căn cứ, nên bọn địch đã chuyển tù ở trại này qua trại khác, nhằm để tù không quen nhau, không có cơ hội bàn tính chuyện vượt ngục.

“Tôi chuyển về C10 khoảng mồng 1 hoặc 2/8/1972 và đã gặp được một số người quen biết hồi ở cùng trại cũ, trong đó có anh Sơn khoèo (Hoàng Gia Lượng) ở Hà Tây anh Hà Văn Tháo (Phạm Văn Tính) ở Hưng Yên, anh Phạm Thanh Minh ở Thái Bình. Tôi và anh Lượng là đảng viên cùng sinh hoạt trước nên đã tìm tới anh Cang (cán bộ hồi kết) "chụm" lại để sinh hoạt chi bộ. Anh Cang là Bí thư, có nhiệm vụ chắp mối với tổ chức Đảng trong trại”, ông Kim nhớ lại.

Ở khu biệt giam diện tích chỉ dưới 30m2 nhưng khi cao điểm chúng giam tới 180 người. Các chiến sĩ cách mạng chỉ còn cách phải chia ra, nửa nằm, nửa ngồi, nằm nghiêng, co chân gác lên vai người trước, một số người thay nhau đứng lấy chỗ cho bạn tù nghỉ.
Ở khu biệt giam diện tích chỉ dưới 30m2 nhưng khi cao điểm chúng giam tới 180 người. (Ảnh chụp Khu di tích nhà tù Phú Quốc)

Đúng lúc này, Trại C10 không cung cấp đủ  gạo ăn, cá đã nhỏ còn thối ươn, nước sinh hoạt thiếu. Mặt khác, trong trại chúng cho rào ngăn từng phòng, không cho đi lại với nhau. Trước tình hình đó, chiều 4/8/1972 anh em chủ động phá hàng rào ngăn cách các phòng. Sáng hôm sau, ngày 5/8, bọn giám thị tập trung toàn trại lại và đưa khoảng trên 10 người sang B10 đánh đập. Ngày 6/8 khi đưa về chúng mang theo số người ở B10 sang rào lại hàng rào.

Phẫn nộ trước sự đàn áp của địch, anh em trong trại không cho rào và phản đối chế độ hà khắc của nhà tù. Để dằn mặt, giám thị không cho nhà thầu mang lương thực thực phẩm vào trại.

Vì thế, cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ bằng hình thức tuyệt thực được tiến hành, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy lâm thời của trại. Sau này ông Kim mới biết lúc đó Đảng ủy nhóm lại từ các đầu mối sinh hoạt, chi bộ ông thì đồng chí Cang tham gia.

Tuyệt thực và tình đồng đội

Cuộc tuyệt thực của những người tù và ông Kim bắt đầu diễn ra vào ngày 7/8/1972.

Trên đảo cũng đã có nhiều cuộc tuyệt thực, xong thông thường 4 hoặc 5 ngày là phía địch xuống thang, hoặc giải quyết riêng. Lần này đến 7 ngày địch không có động thái gì.

“Đảng ủy nhóm họp và xác định phải xây dựng ý chí đoàn kết, quyết tâm đấu tranh tuyệt thực đến cùng, dù phải hy sinh. Có được ít gạo rang cơm cháy tồn lại phải tiến hành phân phối cho những đồng chí ốm đau, già cả để giữ sức chiến đấu”, ông Kim cho biết.

Rồi ông kể, các đồng chí khỏe thì phải bò đi lấy nước uống cho cả phòng. Rất cảm động, tôi chứng kiến có đồng chí đã rất yếu mà anh em đưa nước và cơm rang tới nhất định chối, nói mình vẫn khỏe, chỉ đến khi đói lả đi thì mới chịu ăn uống. Cứ như thế đến ngày thứ 10 vẫn vậy, địch cũng không ỏ ê gì tới mà anh em tù thì nhiều người đã xuống sức quá nhiều.

Chuồng cọp - một trong những hình thức tra tấn dã man tại nhà tù Phú Quốc
Chuồng cọp - một trong những hình thức tra tấn dã man tại nhà tù Phú Quốc

Kiên quyết không lùi bước…

Ông Kim bảo, tuyệt thực đến thế mà địch vẫn không thay đổi. Vì thế, đồng chí Cang đã phổ biến quyết tâm của Đảng ủy là không lùi bước, nhưng cũng cần phải có đồng chí sẵn sàng hy sinh để buộc địch phải giải quyết.

“Nghe được tinh thần đó, tôi và đồng chí Sơn (Lượng) báo cáo xin sẵn sàng hy sinh để phản đối cuộc đấu tranh này và đề nghị đồng chí Cang báo cáo với Đảng ủy. Ngay chiều hôm đó, tôi nhận được chỉ đạo để đề xuất phương án. Hai người bàn và thống nhất chọn phương án hy sinh là tự thiêu vì đây là hình thức mới chưa có trên đảo”, ông Kim nhớ lại.

Cách cụ thể là: Tiến hành hỏa thiêu cả 2 người một lúc. Một người đọc bản cáo trạng và người kia cầm đuốc lửa châm sẵn để bọn địch không thể vào được.

Để đảm bảo thiêu là chết, mỗi người chuẩn bị 3 bộ quần áo và có ít nhất 40 viên thuốc ngủ, dầu thì lấy sẵn một can 10 lít ở nhà bếp. Khi được lệnh, 2 người uống thuốc ngủ, rồi đổ dầu vào quần áo. Ông Sơn cầm sẵn bản cáo trạng tiến ra trước, còn ông Kim theo sau với bó đuốc đã châm lửa. Kế hoạch và phương án của các ông đưa ra được chi bộ chấp nhận.

Ông Cang yêu cầu chỉ được hành động khi có chỉ đạo trực tiếp của ông .

Bí thư Cang cho biết mọi công tác phải chuẩn bị xong trước ngày 20/8/1972 và nếu đồng chí nào có nguyện vọng gì thì đề đạt. Nhưng ông Kim bảo: Chúng tôi đã quyết tử có gì mà đề đạt, chỉ chờ lệnh thôi. Song đồng chí Bí thư gợi ý nếu ai muốn viết thư về gia đình thì cứ viết, những người còn lại sẽ tìm cách chuyển về.

Theo gợi ý của ông Cang, đêm ấy ông Kim đã viết bức thư tuyệt mệnh. "Bên cạnh tôi là anh Phạm Thanh Minh quê ở Thái Bình và anh Hà Văn Tháo (Phạm Văn Tính) quê ở Hưng Yên. Tôi chuyển giao lá thư viết bằng mực cá trên giấy lột từ hộp bìa các tông ra cho các hai người bạn tù, rồi các anh em cứ thế ôm chúng tôi mà khóc" - ông Kim xúc động nhớ lại. 

Dừng một lúc lâu để chế ngự cảm xúc dâng trào khi nhớ về đồng đội, ông Kim bảo: Khi ấy tôi lại giải thích cho các anh rằng việc mình làm là tự nguyện và cần thiết, để phản đối việc chúng bỏ đói nhiều người cho đến chết, nên không có gì phải băn khoăn. Nếu sau này mọi người có về được thì đến nói cho bố, mẹ và các em minh là mình đã thanh thản ra đi…

Sáng hôm sau, hai người tình nguyện chờ lệnh, nhưng đến hết ngày 21/8 vẫn không có lệnh. Đến tối thì ông Cang báo tin Đảng ủy chưa thống nhất.

Ông Kim bảo, sau này ông được biết Đảng ủy lâm thời gồm 8 đầu mối biểu quyết tới 2 lần vẫn tỷ lệ bằng nhau nên ngày 21/8 không thực hiện được.

Bước sang ngày 22/8 tức là tuyệt thực được 15 ngày thì cai tù gọi đại diện ra giải quyết các yêu sách đặt ra gồm 7 điểm.

Ngày ấy, các tù nhân ở các trại khác đến nấu cháo cho tù nhân Phú Quốc đã chúc mừng quyết tâm của 2 đồng chí tình nguyện hy sinh đã góp phần làm cho cuộc đấu tranh giành thắng lợi.

Ông Đào Văn Kim từng là Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Phó đoàn xây dựng ở IRAC 1988 - 2000, Giám đốc Xí nghiệp Vinaconex xây dưng cải tạo nhà máy Đạm Hà Bắc 1990-1992. Năm 1994 -1999, ông là Trưởng đoàn chuyên gia Cộng Hòa Công Gô... Hiện ông là Phó Ban liên lạc, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bắc Ninh.