Người đi làm lâu năm: Kinh nghiệm tăng lên nhưng tham vọng giảm đi?

VietTimes – Có đến 91% sinh viên mới ra trường thể hiện sự tham vọng cao ở các mức độ khác nhau, trong đó 24% có sự tham vọng cao và 67% ở mức trung bình. Tuy nhiên, với nhóm nhân viên có kinh nghiệm, nhiệt huyết và tham vọng trong công việc có xu hướng giảm.
Có đến 29% các bạn trẻ thế hệ Z thể hiện xu hướng phát triển thành quản lý trên nấc thang doanh nghiệp.
Có đến 29% các bạn trẻ thế hệ Z thể hiện xu hướng phát triển thành quản lý trên nấc thang doanh nghiệp.

Thế hệ Z (gọi tắt là Gen Z) là nhóm nhân khẩu học kế tiếp sau thế hệ Millennials và Thế hệ Alpha trước đó. Thế hệ Z, là tên gọi được dành cho các cá nhân được sinh ra trong nửa cuối những năm 90 đến những năm 2000.

Báo cáo được thực hiện dựa trên việc phân tích kết quả từ 1.000 bài kiểm tra.

Đó là một trong những nội dung đáng lo ngại được chỉ ra tại Báo cáo về Chân dung Thế hệ Z – Sinh viên mới ra trường và xu hướng phát triển sự nghiệp, để đánh giá về xu hướng tính cách, hành động, suy nghĩ của thế hệ Z trong môi trường làm việc - do Navigos Group, vốn là Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam, vừa công bố.

Cụ thể, theo báo cáo, với nhóm nhân viên có kinh nghiệm, chỉ 17% có sự tham vọng ở mức cao, 72% ở mức trung bình và 11% ở mức thấp.

Xu hướng tiếp theo được ghi nhận là xu hướng đóng góp cho cộng đồng. Theo đó, 28% nhóm sinh viên mới ra trường có xu hướng phát triển bản thân để đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn, đây cũng là xu hướng đứng thứ hai ở nhóm nhân viên có kinh nghiệm với 22%.

Đánh giá của Navigos về tính quyết đoán và sự tham vọng của nhóm thế hệ mới ra trường và nhóm có kinh nghiệm.
Đánh giá của Navigos về tính quyết đoán và sự tham vọng của nhóm thế hệ mới ra trường và nhóm có kinh nghiệm.

Chỉ 3% trong số kết quả kiểm tra ở cả hai nhóm nhân viên cho thấy xu hướng trở thành chủ doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đó, nhóm nhân viên này có đặc điểm biết tối ưu năng lực bản thân để vượt qua khó khăn và phát triển ra những điều mới mẻ.

Có đến 16% số nhân viên có kinh nghiệm xem trọng xu hướng ổn định tại một công ty, trong khi tỷ lệ này ở nhóm thế hệ Z chỉ ở 7%, tức chênh lệch đến 9%. Nhóm nhân viên có kinh nghiệm cũng cho thấy xu hướng xem trọng đời sống cá nhân hơn, chiếm tỷ lệ 8%, đối với nhóm sinh viên mới ra trường yếu tố này chiếm 7%.

Ông Gaku Echizenya - Tổng giám đốc Navigos Group - chia sẻ, thập niên 2020 là thời điểm thế hệ Z bắt đầu những năm tháng đầu tiên trong sự nghiệp. Tuy nhiên, những khoảng cách về đặc điểm thế hệ và nền tảng giáo dục cũng mang đến những khác biệt về sở thích, hành vi và suy nghĩ của thế hệ Z so với những thế hệ trước. Điều này mang đến những thách thức nhất định cho nhà tuyển dụng khi đứng trước nhu cầu tuyển dụng những tài năng trẻ.