Người cứu được Facebook lúc này có thể là CEO Apple

Mặc dù đang bận cứu chính công ty của mình, Tim Cook có thể là người nắm chìa khóa để giải quyết vấn đề đau đầu nhất với Facebook hiện tại: dữ liệu người dùng.

* Quan điểm của phóng viên Kevin Roose từ New York Times.

Thật khó hình dung là người nắm quyền xử lý Facebook về vấn đề khai thác dữ liệu người dùng lại không phải những nhà làm luật của Mỹ, mà là Tim Cook, CEO của Apple.

Vào ngày 31/1, Apple đã thẳng tay cấm ứng dụng khai thác dữ liệu người dùng của Facebook do vi phạm luật sử dụng của Apple. Ứng dụng Research này thực chất là ứng dụng mạng riêng ảo (VPN), những người sử dụng sẽ được Facebook trả tiền để khai thác thói quen, hành vi khi lên mạng của họ.

Facebook thiếu tôn trọng thỏa thuận với Apple.

Facebook đã đưa ứng dụng này lên App Store bằng chứng chỉ nhà phát triển đặc biệt, vốn chỉ được cấp cho các công ty để phát triển ứng dụng nội bộ của họ. Nhờ đó, nó vượt qua được vòng xét duyệt gắt gao của App Store. Sau khi bị phát hiện, Apple đã tạm khóa chứng chỉ này, khiến cho hàng trăm ngàn nhân viên của Facebook không thể truy cập các ứng dụng nội bộ.

Hành động của Apple là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự xung đột giữa Apple và Facebook về vấn đề dữ liệu người dùng.

Tim Cook, CEO của Apple luôn là người cổ súy cho quyền bảo vệ dữ liệu của người dùng. Ông đã nhiều lần chỉ trích những công ty như Facebook, Google về hành vi khai thác dữ liệu không đúng cách. Với vị thế và tư duy của mình, Tim Cook có thể trở thành người đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát Facebook.

Bằng quyền lực của mình, Apple có thể bắt các công ty khác phải tuân theo luật chơi và tôn trọng sự riêng tư của người dùng, hoặc chấp nhận mất đi hàng triệu người dùng trên nền tảng iOS.

Không phải những nhà làm luật, chính những công ty như Apple và người lãnh đạo như Tim Cook mới có khả năng khiến Facebook thay đổi. Ảnh: Getty.

Quyết định cấm ứng dụng của Facebook là trận chiến mới nhất để bảo vệ quan điểm của Apple. Facebook chấp nhận trả tiền cho người dùng tuổi teen cũng như người trưởng thành để thu thập thông tin về cách sử dụng điện thoại, ứng dụng, những website họ truy cập hoặc những gì họ mua trên Amazon.

Tuy nhiên, bằng cách sử dụng chứng chỉ cấp riêng, Facebook đã qua mặt Apple để cài đặt phần mềm cho người dùng mà không phải thông qua kiểm duyệt của App Store. Chứng chỉ đặc biệt của Apple chỉ cấp cho một số công ty, với mục đích để các công ty này phát hành ứng dụng nội bộ chứ không được sử dụng cho người dùng thông thường.

Sau khi bị Apple cấm mọi ứng dụng dùng chứng chỉ doanh nghiệp, Facebook đã phải đàm phán với Apple để khắc phục.

"Chúng tôi tạo ra chương trình Nhà phát triển doanh nghiệp để phục vụ cho những ứng dụng dành riêng cho nội bộ. Facebook đã dùng chương trình đó để phân phối ứng dụng thu thập dữ liệu người dùng, đây là sự vi phạm rõ ràng thỏa thuận giữa hai bên", đại diện Apple cho biết.

Sau hơn 1 ngày thỏa thuận, hai bên đã khắc phục được vấn đề và các ứng dụng nội bộ của Facebook đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, đây sẽ là một bài học với Facebook, bởi nó cho thấy những đối tác của họ cũng có quyền lực rất lớn.

Apple có lạm dụng quyền lực của mình?

Lần này, phản ứng của Apple là rất cứng rắn. Dù vậy, nếu Tim Cook thực sự muốn bảo vệ người dùng khỏi những ứng dụng vi phạm quyền riêng tư, ông có thể cấm tất cả ứng dụng của Facebook, bao gồm cả WhatsApp và Instagram cho tới khi mạng xã hội này cải thiện hoặc chứng minh được rằng mình tôn trọng dữ liệu của người dùng.

Rõ ràng Facebook sẽ phải lo ngại trước những hành động của Apple. Chỉ 1 ngày sau khi các ứng dụng nội bộ bị cấm, hàng loạt nhân viên của Facebook đã thể hiện sự tức giận, khó chịu khi không thể truy cập các dịch vụ của công ty.

Nếu Apple mạnh tay hơn với tất cả dịch vụ của Facebook, mạng xã hội này sẽ đối diện với một mối nguy hiểm sinh tồn. Hàng trăm triệu người sử dụng các dịch vụ của Facebook trên iOS là một con số quá lớn để Facebook mạo hiểm.

Dù vậy, cũng cần đặt ra hai câu hỏi: Apple có đang chơi đẹp với Facebook, và hành động mạnh tay có ảnh hưởng đến chính Apple hay không?

Với câu hỏi đầu tiên, câu trả lời là có. Facebook đã vi phạm quyền riêng tư của người dùng nhiều năm, và lần này còn vi phạm thỏa thuận giữa họ với Apple. Năm 2018, một ứng dụng khác của Facebook là Onavo VPN cũng từng bị Apple cấm vì vi phạm chính sách.

Không chỉ Apple, Google cũng là bên bị thiệt hại khi Facebook vi phạm thỏa thuận. Một email được tiết lộ năm 2018 cho thấy những lãnh đạo của Facebook đã tìm nhiều cách để thu thập thông tin cuộc gọi và tin nhắn của người dùng Android mà không hiện thông báo.

Facebook đã dính quá nhiều scandal, cho thấy họ không tôn trọng sự riêng tư của người dùng. Ảnh: TechCrunch.

Liệu hành động mạnh tay có khiến Apple bị ảnh hưởng? Có thể, bởi những ứng dụng của Facebook thường nằm trong danh sách những ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store. Nếu Apple thẳng tay cấm Facebook, người dùng sẽ có động lực để chuyển sang nền tảng khác như Android.

Vậy Apple có đang lạm dụng quyền lực của mình? Có thể, nhưng so với nhiều gã khổng lồ công nghệ thì Apple vẫn tỏ ra tôn trọng sự riêng tư của người dùng hơn nhiều. Tất nhiên, hãng vẫn có những lúc mắc lỗi, như việc bỏ lọt lỗi khiến người dùng bị nghe lén qua FaceTime vừa được phát hiện.

Việc các công ty công nghệ làm căng với nhau cũng thường xảy ra. Bản thân Facebook cũng nhiều lần tìm cách ngăn cản người dùng sử dụng các dịch vụ của Twitter, Vine hay Prisma. Khi mà các chính phủ chưa đưa ra luật để điều chỉnh, thì tác động lớn nhất trong làng công nghệ là giữa các công ty với nhau.

Dù sao thì Facebook cũng đã vi phạm thỏa thuận với Apple, và họ phải chấp nhận bị trừng phạt.

Thái độ bảo vệ người dùng của Apple có thể mang tính lạm dụng quyền lực, nhưng đó vẫn là điều tốt cho người dùng. Nếu như Tim Cook muốn mạnh tay hơn vớn những nhà phát triển không tôn trọng người dùng, thì Facebook chính là công ty đầu tiên cần được xử lý. Facebook sẽ không tự thay đổi nếu như không có tác động từ những công ty khác như Apple.

Theo Zing

http://news.zing.vn/nguoi-cuu-duoc-facebook-luc-nay-co-the-la-ceo-apple-post913585.html