Ngoại trưởng Trung Quốc kín đáo công kích Mỹ tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ

VietTimes -- Trong bài phát biểu mới đây tại kỳ họp lần thứ 74 của Đại hội đồng LHQ (UNGA) tổ chức tại New York, Mỹ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra con đường hướng tới tăng trưởng và phát triển của đất nước ông trong tương lai, không ít lần ám chỉ tới đối thủ cạnh tranh Mỹ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ (Ảnh: Reuters)

Trong bài phá biểu, Ngoại trưởng Vương đã lên án chủ nghĩa dân tộc và các chính sách đơn phương, cùng lúc nhấn mạnh quan điểm của Trung Quốc về các vấn đề toàn cầu như thương mại, việc thành lập một nhà nước độc lập của người Palestine và tầm quan trọng của các mối quan hệ hợp tác.

Phát triển là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề

Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng phát triển nên được xem là trung tâm của nền tảng chính sách vĩ mô toàn cầu, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục và chăm sóc y tế. Chúng ta cần phải duy trì hợp tác phát triển toàn cầu với hợp tác Nam-Nam như kênh chính, và hợp tác Nam-Nam như phụ trợ" - ông Vương nói.

Liên quan tới Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), ông Vương nói ông hy vọng rằng các quốc gia khác sẽ nắm bắt các cơ hội phát triển mà sáng kiến này tạo nên để tạo động lực mới cho việc thực thi chương trình nghị sự 2030.

Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ hòa bình và công lý toàn cầu

Ông Vương cũng nói về tầm quan trọng của vai trò của Trung Quốc đối với toàn thế giới cũng như trong cấu trúc cốt lõi của tổ chức LHQ.

"Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành nước tiên phong trong phát triển toàn cầu và đóng vai trò như chiếc mỏ neo đối với hòa bình thế giới. Trung Quốc là nước góp vốn lớn thứ hai của cả LHQ và các chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ" - ông Vương nói - "Trung Quốc cũng là nước triển khai số binh sĩ gìn giữ hòa bình lớn nhất trong số các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ".

Tranh chấp thương mại ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu

Về vấn đề thương mại, ông Vương nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc ưu tiên hợp tác đôi bên cùng có lợi.

"Trong thế giới toàn cầu hóa này, tất cả các nước đều trỗi dậy hoặc sụp đổ cùng với nhau. Tâm lý tổng bằng không (zero-sum: Khi một bên được lợi, còn một bên chịu thiệt) và các chính sách làm hại láng giềng chính là công thức dẫn tới sự thất bại" - ông Vương nói - "Chúng tôi không tìm kiếm an ninh đơn phương, cũng không đặt lợi ích của chúng tôi lên trên lợi ích của nước khác".

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng cảnh báo về sự nguy hiểm của các tranh chấp thương mại, đặc biệt khi chúng không được giải quyết và vượt khỏi tầm kiểm soát.

"Các hàng rào thuế quan và hành động khiêu khích trong tranh chấp thương mại, vốn gây tổn hại tới các chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu, sẽ chỉ làm xói mòn cơ chế thương mại đa phương, trật tự kinh tế và thương mại toàn cầu. Chúng thậm chí có thể kéo thế giới vào chỗ suy thoái" - ông Vương nói.

Liên quan tới chính sách trừng phạt - dường như ám chỉ nước Mỹ - ông Vương nói: "Đó là hành động không hợp lệ và không thể biện minh của bất kỳ quốc gia nào, xét theo vị trí của một cường quốc áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương hay áp đặt quyền hạn pháp lý của mình lên quốc gia khác. Các hành động kiểu này không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế".

"Đặt lợi ích của một nước lên trên lợi ích chung của tất cả các nước khác là kiểu hành động bắt nạt điển hình, không nhận được sự ủng hộ của mọi người" - ông nói thêm.

Trung Quốc không ngồi yên trước chủ nghĩa đơn phương hung hăng

Trong bài phát biểu của mình, ông Vương nói rằng trật tự quốc tế cần phải được thực thi nhờ luật pháp và các quy định, và những hành động vi phạm quy tắc quốc tế sẽ chỉ đẩy thế giới vào chỗ hỗn loạn.

"Sẽ không hợp pháp hay không thể biện minh, nếu như bất kỳ một quốc gia nào ở vị trí siêu cường lại áp đặt các đòn trừng phạt đơn phương hay áp đặt quyền hạn pháp lý của họ lên quốc gia khác" - ông Vương nói.

Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cán cân chiến lược và sự ổn định toàn cầu. Việc đơn phương rút khỏi hiệp ước này sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực - ông Vương chỉ ra.

"Trung Quốc phản đối việc phát triển các tên lửa trung mặt đất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi kêu gọi các nước sở hữu kho hạt nhân lớn thực thi toàn diện trách nhiệm chính yếu và đặc biệt của họ trong vấn đề giải giáp hạt nhân. Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực trong tiến trình kiểm soát vũ trang quốc tế" - Ngoại trưởng Vương nói, thêm rằng Trung Quốc đã khởi động tiến trình pháp lý để gia nhập Hiệp ước Buôn bán Vũ khí (ATT).

Ông Vương đặc biệt đề cập tới cuộc xung đột ở Palestine.

"Vấn đề Palestine cần phải được ưu tiên trong chương trình nghị sự quốc tế. Thứ chúng ta thiếu không phải một bản thiết kế lớn (kế hoạch hòa bình), mà là sự dũng cảm để thực hiện các cam kết và sự sẵn lòng thực thi công lý" - ông Vương nói - "Việc người Palestine thành lập một nhà nước độc lập là quyền không thể khước từ của họ, đó là thứ không nên bị đem ra để ngã giá".