Nghịch lý thuế về 0%: Người mua ôtô Việt Nam lại phải mua xe đắt hơn!

Theo cam kết tại các FTA thuế nhập khẩu ô tô sẽ có lộ trình giảm về 0% tuy nhiên, cùng lúc thuế tiêu thụ đặc biệt có thể được điều chỉnh khiến giá ô tô nhập khẩu không những không giảm còn tăng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thuế, phí "đè" nặng ô tô

Giá ô tô tại Việt Nam đang được đánh giá là mức cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới bởi các chính sách liên quan đến thuế, phí.

Hiện mỗi ô tô tại Việt Nam phải chịu 3 loại thuế bắt buộc là thuế nhập khẩu linh kiện với xe lắp ráp tại Việt Nam hoặc thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc với mức cao nhất lên tới 70%; thuế tiêu thụ đặc biệt từ 45% -60% tuỳ dung tích xe; thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng được tính vào giá xe.

Bên cạnh đó, khi bán ra thị trường ô tô tiếp tục phải "cõng" thêm nhiều loại phí như phí trước bạ, phí cấp biển số, phí đăng kiểm, phí sử dụng đường bộ, phí xăng dầu, phí thử nghiệm khí thải...

Riêng thuế nhập khẩu, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng khi Việt Nam ký kết các FTA với ASEAN, Hàn Quốc, EU và tham gia TPP với 12 nước thành viên là lộ trình cắt giảm thuế quan đối với mặt hàng ô tô bởi lẽ thuế nhập khẩu là một trong những gánh nặng lớn "đè" lên giá xe bán ra tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, vì được coi là mặt hàng "nhạy cảm" nên tại các FTA kể trên, hầu hết việc cắt giảm thuế quan được áp dụng tại các dòng xe không phổ biến tại Việt Nam.

Cụ thể, trong FTA với Hàn Quốc chỉ cam kết xoá bỏ thuế quan cho ô tô tải trên 10 tấn đến không quá 20 tấn và xe du lịch dung tích trên 3.000 cm3 là nhữg dòng xe có nhu cầu không lớn thậm chí rất thấp. Mặc dù Hàn Quốc cũng là một trong những nước Việt Nam nhập khẩu ô tô khá lớn sau Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan...

Nội dung thoả thuận TPP cũng cho thấy, Việt Nam sẽ giảm dần thuế nhập khẩu đối với ô tô có động cơ dung tích từ 3.000 cm3 trở lên trong vòng 10 năm, và mức thuế hiện tại đang áp dụng đối với xe nhập nguyên chiếc về Việt Nam là 70%.

Tại FTA với các nước thuộc Liên minh Châu Âu EU, thuế suất ô tô nhập khẩu cũng sẽ được xoá bỏ dần sau 10 năm về 0% và riêng động cơ lớn hơn 3.000 cm3 sử dụng xăng sẽ được dỡ bỏ thuế quan sau 9 năm.

Giảm thuế nhập khẩu, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Có công bằng?

Trong bối cảnh thuế nhập khẩu sẽ giảm dần về 0%, đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô nhập khẩu mới đây đã không được thông qua trong kỳ họp Quốc hội này và Bộ Tài chính cho biết sẽ trình lại dự thảo và sẽ được thông qua tại kỳ họp tháng 3/2016 và cách tính thuế đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc có thể khiến xe nhập nguyên chiếc tăng giá mạnh hơn.

Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số Luật về Thuế được Bộ Tài chính đề xuất giảm sâu thuế tiêu thụ đặc biệt, mức 20-25% so với mức thuế hiện hành (45%) cho ôtô dung tích nhỏ và tăng mạnh tới 2,5 lần với dòng xe sang nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam.

 TS. Huỳnh Thế Du. Ảnh BizLIVE

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế diễn ra vào chiều 13/11 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị cân nhắc việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô đặc biệt đối với dòng xe dưới 9 chỗ do tác động đến ngành ô tô nội địa và tác động tiêu cực khi hạ tầng giao thông còn hạn chế.

TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright một trong số những chuyên gia ủng hộ chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô cho biết, nguy hiểm lớn nhất của Việt Nam là vấn đề hạ tầng giao thông. Do đó để không biến Việt Nam thành "bãi để xe khổng lồ" như một số nước trong khu vực việc hạn chế xe bằng cách tăng chi phí sở hữu, chi phí sử dụng là hợp lý. Trường hợp này thuế tiêu thụ đặc biệt là hữu hiệu nhất.

"Vậy liệu có công bằng với người tiêu dùng Việt Nam khi thuế nhập khẩu giảm, thuế tiêu thụ đặc biệt lại tăng?", trước câu hỏi này, ông Du cho rằng, cần sự đánh đổi quyền lợi cá nhân và lợi ích chung của xã hội.

"Nếu đi xe gây kẹt xe cho cả thành phố, gây tắc nghẽn giao thông diện rộng ví dụ vì lợi ích người dùng 1 đồng nhưng gây hậu quả 100 đồng thì phải tìm cách ngăn việc sử dụng và cần làm cân bằng", ông Du giải thích.

Trước thắc mắc tại sao nhà nước không đồng thời nâng cơ sở hạ tầng, ông Du cho biết, bối cảnh ngân sách khó khăn, đầu tư công lãng phí nên càng phải giảm cầu và tăng cung. Bên cạnh đó, thực tiễn chứng minh ở Mỹ hay Châu Âu cứ mở đường đến đâu đường đều tắc nên cần hạn chế xe cá nhân. 

Theo Bizlive