Nghi vấn Trung Quốc quay lại kịch bản phá giá Nhân dân tệ

Hãng tin Reutes đưa tin trong phiên giao dịch ngày 11.12, đồng Nhân dân tệ (NDT) đã giảm xuống còn  6.4515 NDT/USD, mức thấp nhất trong vòng hơn 4 năm qua.
Nghi vấn Trung Quốc quay lại kịch bản phá giá Nhân dân tệ

Theo Reuters, mức suy giảm lần này còn thấp hơn cả mức suy giảm hồi giữa tháng 8.

Lần suy giảm vào sáng nay (11.12) điễn ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đặt tỷ giá tham chiếu của đồng NDT ở mức 6.4358 NDT/USD - mức thấp nhất kể từ ngày 5.8.2011 và thấp hơn 0,2% so với tỷ giá 6.4236 NDT/USD được PBOC ấn định trước đó. 

Vào ngày 30.11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tuyên bố chấp nhận đồng NDT vào giỏ định giá Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), một cột mốc quan trọng trong hội nhập của Trung Quốc vào tài chính toàn cầu.

Cũng vào thời điểm IMF tuyên bố chấp thận, đồng NDT đã bắt đầu chỉ ra động thái suy yếu. Lúc đó, PBOC cũng tuyên bố cho biết không có cơ sở để đồng NDT tiếp tục suy giảm và ngân hàng này đã cam kết sẽ giữ cho đồng tiền này ở mức ổn định.

Tuy nhiên, trong tuần qua, đồng NDT liên tục giảm đã khiến thị trường đầy rẫy những đồn đoán rằng Bắc Kinh sẽ  tiếp tục thực hiện chính sách phá giá đồng tiền sau khi được IMF chấp thuận vào SDR.

Động thái Trung Quốc giảm đồng NDT xuống mức thấp nhất hơn 4 năm đã làm dấy lên những nghi vấn rằng quốc gia này tiếp tục thực hiện kịch bản phá giá đồng tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi lẽ, trong tháng 8 vừa qua, 3 ngày liên tiếp (từ ngày 11-13.8), Trung Quốc liên tục phá giá đồng NDT để mở rộng thương mại và thúc đẩy tăng trưởng. Giờ đây, tham vọng tăng trưởng kinh tế lại một lần nữa đánh vào tâm lý Trung Quốc và hơn hết là đồng NDT đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế chấp thuận nên việc Trung Quốc quay lại phá giá đồng NDT là điều hiển nhiên. 

Đến 1.10.2016, quyết định để đồng NDT của Trung Quốc vào giỏ định giá  Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) mới có hiệu lực. Do đó, trong thời gian từ bây giờ tới thời điểm đó, tham vọng của Trung Quốc sẽ không chỉ cải tiến đồng tiền mà còn tăng trưởng nền kinh tế lên một tầm cao mới.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nghi ngờ rằng PBOC đang gia tăng sự biến động trong thị trường với những lần phá giá đồng NDT liên tục. Trên thực tế đồng NDT suy giảm sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán, khiến thị trường chứng khoán giảm theo. Điều đó chính là mối lo ngại của các nhà đầu tư. 

"Sự suy giảm của đồng NDT đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán Trung Quốc. Bởi lẽ, điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ mất niềm tin vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Trung Quốc",  Linus Yip, Giám đốc chiến lược tại First Shanghai Securities, cho biết.

Đồng NDT đã giảm 0,8% trong tuần này, đánh dấu mức suy giảm trong tuần lớn nhất kể từ ngày 11.8.

Về phía Việt Nam, khi Trung Quốc phá giá đồng tiền, nhiều chuyên gia kinh tế đã có nhận định rằng sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam.

Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Trung Quốc phá giá đồng tiền là để đẩy mạnh xuất khẩu, bởi xuất khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm đã giảm 3,3% và Trung Quốc phá giá đồng NDT thì hàng hóa của Trung Quốc sẽ ngày càng rẻ hơn, từ đó sẽ có lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc. 

"Riêng với Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều hàng hóa nhất của Trung Quốc, đặc biệt là nhập khẩu biên mậu và không chính ngạch, tức là nhập khẩu qua biên giới, buôn lậu, thì theo con số thống kê của Trung Quốc và Việt Nam đã lên đến 20 tỉ USD.

Với tình hình như vậy, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT sẽ có tác động hết sức mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam bởi vì hàng của Trung Quốc rẻ hơn sẽ tràn vào Việt Nam. Đặc biệt là phía Trung Quốc đã xây dựng được mạng lưới biên mậu (tức là mạng lưới những người chuyên đóng hàng buôn lậu về Việt Nam, sống dựa vào Trung Quốc), giờ chênh lệch tỷ giá tăng lên thì mạng lưới biên mậu này lại càng có cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn", ông Doanh nhận định.

Tuyết Nhung - Theo Reuters, Một thế giới