|
Bà Park Geun-hye. Ảnh: Cankao |
Áp lực của người dân
Chiều ngày 9/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết về luận tội Tổng thống Park Geun-hye với 234 phiếu tán thành, 56 phiếu chống, 2 phiếu trắng, 7 phiếu không hợp lệ.
Số phiếu tán thành đã vượt xa tiêu chuẩn 200 phiếu cần thiết cho việc luận tội, đồng thời phản ánh bà Park Geun-hye đã bị đảng cầm quyền xa lánh và hầu như đã mất đi tất cả những nỗ lực của bà trong những năm qua.
Sau khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết luận tội, bà Park Geun-hye đã lập tức bị đình chỉ chức vụ Tổng thống, do Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn lên thay.
Căn cứ vào luật pháp của Hàn Quốc, vụ luận tội này sẽ được Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết trong thời gian 180 ngày. Trước khi Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết, bà Park Geun-hye vẫn tiếp tục sống ở Phủ Tổng thống Cheong Wa Dae và có thể lĩnh tiền lương cơ bản, được bảo vệ; nhưng bà sẽ không thể tiếp tục đến văn phòng, đã mất đi toàn bộ đãi ngộ Tổng thống.
Giáo sư chính trị học Kang Won-taek ở Đại học Seoul, Hàn Quốc coi đây là một “cuộc cách mạng vinh quang” của Hàn Quốc, cho rằng sự thất bại của bà Park Geun-hye là thắng lợi của lực lượng dân chúng Hàn Quốc.
Bán đảo Triều Tiên có thể nguy hiểm hơn
Nhiều người ở Hàn Quốc lo ngại trước khi Tòa án Hiến pháp đưa ra quyết định đối với vấn đề luận tội bà Park Geun-hye, Hàn Quốc sẽ rơi vào trạng thái chính trị nguy hiểm, sự chấn động của bán đảo Triều Tiên có thể trầm trọng hơn.
Tối ngày 9/10, Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn đã phát biểu trước người dân, cho biết bản thân ông “cảm thấy trách nhiệm to lớn”, sẽ nỗ lực hết sức để bảo đảm cho chính trị đất nước vận hành ổn định.
Sau đó, ông Hwang Kyo-ahn đã lập tức tổ chức hội nghị an ninh quốc gia, nhấn mạnh thúc đẩy quan hệ đồng minh Hàn - Mỹ, đồng thời cho rằng “tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay rất cấp bách và nghiêm trọng, không cho phép xuất hiện lỗ hổng bảo đảm an ninh”.
Ông Hwang Kyo-ahn còn cảnh báo: “Nếu Triều Tiên phán đoán nhầm tình hình hiện nay của Hàn Quốc và tiến hành khiêu khích” thì nhất định phải tiến hành trừng phạt nghiêm khắc, yêu cầu Quân đội Hàn Quốc “làm tốt trạng thái sẵn sàng chiến đấu”.
Nghề Tổng thống có mức độ nguy hiểm cao
Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc bình luận, bà Park Guen-hye, một Tổng thống đơn thân cũng không thoát khỏi “số phận” như nhiều Tổng thống Hàn Quốc khác, đó là không có Tổng thống nào đến đích trọn vẹn, không được xã hội Hàn Quốc chấp nhận.
Ở Hàn Quốc, Tổng thống là một nghề “nguy hiểm cao”, làm người thân và bạn của Tổng thống cũng có nghĩa là một chân lúc nào cũng có thể bước vào cánh cửa nhà tù.
Nhìn bề ngoài, Tổng thống bị luận tội, dân chủ và người dân Hàn Quốc trở thành người chiến thắng, nhưng đã tiếp tục cho thấy nền chính trị ở Hàn Quốc còn chưa tương thích thực sự với xã hội Hàn Quốc, sự vận hành của hệ thống không thuận lợi, còn Tổng thống lại trở thành vấn đề hay "mắc lỗi" lớn nhất.
Từ khi thành lập nước đến nay, Tổng thống Hàn Quốc đều rất khó tồn tại lâu. Sau khi nền chính trị ở Hàn Quốc thay đổi, mỗi vị Tổng thống đều không thể tránh khỏi rơi vào tranh chấp tư pháp.
Nguyên nhân căn bản ở chỗ Tổng thống ở tầng đứt gãy giữa chính trị tài phiệt và tư pháp độc lập của Hàn Quốc, logic của hai loại quyền lực này làm cho Tổng thống bị dồn ép.
Muốn thắng cử thì phải giành được sự ủng hộ của các nhà tài phiệt lớn, cộng với quan hệ thân quen của Hàn Quốc. Các tập đoàn tài phiệt lớn luôn tìm được người đại diện về chính trị, cuối cùng thâm nhập vào Phủ Tổng thống.
Bất kể bà Choi Soon-sil, bạn của bà Park Geun-hye can thiệp vào chính trị hay có hành vi tham nhũng như cáo buộc của phe đối lập hay không đi nữa thì cũng như vậy.
Trong khi đó, việc xử lý đối với vấn nạn tham nhũng lại là một hệ thống khác. Từ khi Kim Young-sam bắt đầu thúc đẩy công khai tài sản đến nay, những trói buộc tư pháp đối với trừng phạt tham nhũng ngày càng chặt chẽ. Bà Park Geun-hye mặc dù đã từ chối thẩm vấn “mặt đối mặt”, nhưng sức ép điều tra tư pháp ngày càng lớn.
Đây có thể là vấn đề chung của các nước chuyển đổi chính trị ở Đông Á, “xã hội quan hệ” truyền thống vẫn tồn tại. Trong khi đó, khát vọng về một xã hội trong sạch ngày càng trở thành một thực tiễn tư pháp. Mâu thuẫn giữa hai vấn đề này cuối cùng làm cho nhà lãnh đạo dân cử ở Đông Á đối mặt với số phận không mấy tốt đẹp.
Với sự phát triển của mạng Internet, cuộc cách mạng về phương thức truyền thông tin đã làm thay đổi quy tắc trò chơi của chính trị, nền chính trị Hàn Quốc và một số nước đã không có gì là thần bí, kể cả hóa đơn mua sắm của Phủ Tổng thống Hàn Quốc, thậm chí những vật phẩm khá bí mật cũng lộ ra trước người dân, không gian riêng tư của nhà lãnh đạo hầu như không còn.