Nhắc tới Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phan Thị Thuận đông đảo công chúng cũng như người tiêu dùng nhớ ngay tới loại chăn tơ do tằm tự dệt được biết đến đầu tiên vào năm 2012 và những chiếc khăn được dệt bằng tơ sen được biết đến năm 2018. Cả hai dòng sản phẩm này được ghi nhận là những sản phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn sáng tạo và lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Bên cạnh những giải thưởng danh giá với sản phẩm chăn tơ do tằm tự dệt thì NNƯT Phan Thị Thuận đã đăng ký độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ dòng sản phẩm này.
Tuy nhiên, ít ai biết, để tạo ra những sản phẩm quý hiếm và đắt đỏ không chỉ ở thị trường Việt Nam mà cả ở thị trường thế giới NNƯT Phan Thị Thuận đã trải qua những giai đoạn khó khăn cả trong đời sống lẫn công việc và bà không ngần ngại cho biết: bà đã tận dụng phân tằm để bón cho cây dâu thay vì dùng các loại phân hóa học.
Tương tự như vậy, bà không chỉ bỏ tiền để trồng sen thí điểm mà còn tự tay đi vớt những thân sen người ta thường bỏ thừa, bỏ thải trong các đầm sau khi ngắt hoa và lá đem bán, bà đem về rửa sạch, để ráo, cặm cụi rút tơ se sợi, dệt lụa tơ sen trước khi huy động thu gom và hướng dẫn mọi người rút tơ sen cho công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, Hà Nội.
NNƯT Phan Thị Thuận và những thước lụa từ tơ tằm tại xưởng của bà. Với sự chăm chỉ, luôn mày mò sáng tạo bà đã nhận được rất nhiều bằng khen và giải thưởng trong nước về lĩnh vực tơ tằm. Ảnh: Thục Nhi
|
Phân tằm và khẩu hiệu “không vứt đi thứ gì”
Nghề trồng dâu - nuôi tằm - dệt lụa đã có lịch sử hàng ngàn năm tại Mỹ Đức nhưng cách đây hơn 30 năm nghành nghề này đã bị bà con bỏ ngang do sự tác động từ thị trường. Vốn là “con nhà nòi” với ba đời trồng dâu - nuôi tằm - dệt lụa và trải qua thời gian làm kế toán cho HTX dâu tằm tơ Mỹ Đức, với kinh nghiệm, cách quan sát và đam mê công việc này mà NNƯT Phan Thị Thuận của những ngày gian khó đó đã quyết tâm theo đuổi công việc.
Với bà thì việc trồng dâu nuôi tằm dệt lụa là một chu trình khép kín mà trong đó không một khâu nào bị bỏ phí: người nông dân trồng cây dâu để lấy lá cho tằm ăn, con tằm ăn bằng nào lá dâu thì thải ra ngần ấy phân tằm, phân tằm là loại phân sạch, không gây độc hại cho cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường, lấy phân tằm bón cho cây dâu tạo ra chuỗi sản phẩm sạch. Khi ăn lá dâu và thải ra phân rồi con tằm bắt đầu làm tơ, tơ tằm dùng để dệt lụa, tạo ra các sản phẩm lụa tơ tằm quý giá như: chăn, gối, áo…
Khi đã cho sản phẩm tơ tằm quý giá con tằm lại hóa nhộng mang tới nguồn thức ăn bổ dưỡng, ngon và rẻ cho con người đồng thời con nhộng còn dùng làm thuốc, làm thực phẩm chức năng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe.
Con tằm vốn rất kén ăn, kén sống. Do vậy, khi chăm sóc cây dâu người dân không thể dùng phân hóa học, việc dùng chính phân tằm bón cho cây dâu là biện pháp tốt nhất, hiệu quả nhất và mang tới lợi ích kinh tế cao nhất.
Như vậy, với việc trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa người nông dân đã tận dụng trọn vẹn một quy trình khép kín mà ngay cả với phân tằm cũng không vứt đi chút nào.
NNƯT Phan Thị Thuận và sản phẩm tơ sen, loại tơ lụa đắt đỏ và quý giá trong dòng thời trang cao cấp thế giới khoảng 10 năm trở lại đây. Ảnh: Thục Nhi
|
Luôn mày mò, khắc phục khó khăn NNƯT Phan Thị Thuận đã tìm ra cách điều khiển những chú tằm để chúng tự dệt ra những thước tơ trên một mặt phẳng thay vì cuộn tròn những thước tơ ấy thành kén. Do đó, những sản phẩm tơ với “công nghệ” đặc biệt: Do chính tằm thực hiện đã lần đầu tiên xuất hiện tại VN cũng như trên toàn thế giới!
Cọng sen thải và những thước lụa đắt như vàng ròng
Theo các nguồn tài liệu từ báo giới: nghề dệt lụa từ tơ sen được bắt nguồn với lòng tín ngưỡng Phật giáo của những người dân vùng hồ Inlay, nước Myanmar mà khởi nguồn được bắt đầu từ câu chuyện về những người dân của làng KyaingKan (Chaing Kham) muốn dâng lên nhà sự trụ trì trong vùng một tấm áo cà sa.
Câu chuyện này đã có hàng 100 năm nay tại Myanmar và công việc dệt lụa từ tơ sen tại đây được xem như một công việc thủ công như rất nhiều công việc khác. Cùng với thời gian, Myanmar trở thành miền thánh địa và điểm đến thu hút du khách trên toàn thế giới với những ngôi chùa dát vàng lưu giữ nhiều kỉ vật quý giá của đạo Phật và nghề dệt lụa từ tơ sen được xem như một phần trong hành trình khám phá các kì quan.
Lụa tơ sen của Myanmar thực sự được biết đến rộng rãi và lập tức trở thành mặt hàng được yêu thích trong dòng thời trang cao cấp thế giới khoảng 10 năm trở lại đây thông qua những dự án quảng bá của tập đoàn thời trang quốc tế đến từ Ý: Loro Piana Group.
NNƯT Phan Thị Thuận và ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (bên trái) cùng đoàn đại biểu tới trường Tiểu học Phùng Xá, ngôi trường do ông Đỗ Trung Tá - Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn Thông đề xuất Bộ trưởng Bưu chính viễn thông Hàn Quốc tài trợ, xây dựng để đề nghị tạo điều kiện cho NNƯT Phan Thị Thuận mượn một số phòng đào tạo nghề và trưng bày sản phẩm. Ảnh: NVCC
|
Năm 2009, tập đoàn này đã đầu tư sản xuất vải và thời trang từ lụa tơ Sen tại Campuchia theo cách làm truyền thống Myanmar. Năm 2012 một thương hiệu từ tập đoàn này đã nhận được “Giải thưởng Xuất sắc của UNESCO” với đóng góp cải thiện điều kiện sống cho phụ nữ Campuchia thông qua các chương trình đào tạo chất lượng, chuyên nghiệp mang tính bền vững.
NNƯT Phan Thị Thuận cũng bắt đầu công việc thử nghiệm, nghiên cứu dệt lụa từ tơ sen theo phong cách thủ công truyền thống của Myanmar qua những khóa học tại Campuchia và ý tưởng bắt đầu từ năm 2017, vào một dịp gặp gỡ bà Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tới thăm và làm việc tại cơ sở sản xuất tơ tằm của NNƯT Phan Thị Thuận.
Nghiên cứu, áp dụng và đưa vào sản xuất lụa tơ tằm từ tơ sen là dự án mang tính quốc gia nhưng công việc thực sự được bắt đầu từ đôi bàn tay cần mẫn và sự nỗ lực của NNƯT Phan Thị Thuận. Những thước lụa tơ sen đầu tiên được ra đời tại Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Tây với một chiếc khăn có giá 150 đô la, tương ứng 3,5 triệu đồng VN và được sản xuất trong vòng một tháng. Việc hướng dẫn lớp trẻ thực hiện việc rút tơ sen một cách bài bản, thành những lớp học được đầu tư cũng bắt đầu từ đây dưới sự dẫn dắt của NNƯT Phan Thị Thuận. Hiện tại, người thợ giỏi nhất, chăm chỉ làm cả ngày cũng chỉ rút được 200 cọng sen một ngày.
Trước khi việc nghiên cứu trồng sen thành công trên cả nước và việc tận dụng nguồn nguyên liệu khổng lồ bị bỏ phí, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước bao lâu nay từ thân cây sen đưa vào sản xuất tơ lụa thì hiện tại NNƯT Phan Thị Thuận vẫn huy động mua thu gom những thân sen thải đi trong khắp các khu đầm quanh Phùng Xá với giá 1.000 đồng cho mỗi thân cây sen để đưa về rút tơ, sản xuất lụa tơ sen, tạo ra những sản phẩm đắt đỏ, quý giá tựa vàng ròng.