Nghề game tại Việt Nam liệu có “xấu” như định kiến?

VietTimes – Mặc dù được coi là lĩnh vực đầy triển vọng, ngành game tại Việt Nam hiện đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Thực tế, không ít bạn trẻ đang “mơ hồ” về ngành công nghiệp mới mẻ này, một phần do tư duy và định kiến xã hội.
Ngành game tại Việt Nam có triển vọng nhưng đang đứng trước nhiều thách thức.
Ngành game tại Việt Nam có triển vọng nhưng đang đứng trước nhiều thách thức.
“Không nên nhìn vào người nghiện chơi game mà đánh giá cả ngành game” - nhận định của Giám đốc Đào tạo Arena Multimedia Vũ Anh Đức tại talkshow trực tuyến “Giải mã nhân lực ngành game” do Appota tổ chức mới đây.

Theo báo cáo từ Appota, năm 2019 toàn Việt Nam có khoảng 50 triệu người chơi game, chiếm 51% dân số, tổng doanh thu ước tính đạt 500 triệu USD. Trong đó, 70% lượng game trong nước là các game phát hành với gần 200 công ty, doanh nghiệp liên quan đến ngành game.

Thống kê sơ bộ cho thấy, nhân sự phục vụ cho ngành game cần khoảng 23.000 đến 28.000 người thuộc nhiều vị trí, nhất là nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao.


Bên cạnh đó, chương trình còn có các khách mời gồm Giám đốc Vận hành Gamota Trang Vũ, Shoutcaster/Streamer Mạnh An, CEO Adsota Trần Quốc Toản. Với sự tham gia của những người trẻ thành công trong lĩnh vực game tại Việt Nam, sự kiện đã mở ra tư duy mới mẻ và tháo gỡ định kiến về nghề nghiệp này. 

Lĩnh vực “đầy rẫy” sự lầm tưởng


Hiện nay, vẫn không ít người cho rằng “làm game” không phải là một nghề, không có tương lai phát triển, chỉ suốt ngày chơi game, nghiện game... Xã hội hầu như chỉ nhìn vào mặt tiêu cực để đánh giá về cả lĩnh vực.

Theo Giám đốc Đào tạo Arena Vũ Anh Đức, ngành game hiện đại đem lại nhiều tác dụng, ngoài việc giải trí còn truyền bá tính giáo dục, nâng cấp kiến thức xã hội, phổ biến văn hóa,... Bên cạnh đó, ngành game còn mở rộng ra nhiều loại hình đa dạng như Marketing, quảng cáo, streamer, vận hành, diễn xuất,...

Ngoài ra, những trăn trở xoay quanh kỹ năng chơi game cũng vô tình trở thành rào cản đối với các bạn trẻ muốn theo đuổi ngành game.

Đứng trên phương diện là một nhà tuyển dụng - Giám đốc Vận hành Gamota Trang Vũ - giải đáp: “Không nhất thiết phải chơi game giỏi mới có thể làm game. Quan trọng là các bạn phải có tư duy nhanh nhạy, niềm yêu thích cái mới, sau đó là sự hiểu biết nhất định về sản phẩm”.

Bên cạnh định kiến và hiểu lầm về ngành công nghiệp còn non trẻ tại Việt Nam, ngành game đang chịu nhiều “thiếu thốn” về môi trường đào tạo, môi trường làm việc, thông tin nghề nghiệp,... cũng như thách thức về đào thải khốc liệt và áp lực của những người trong cuộc. Thị trường Việt Nam hiện tại đang bị hạn chế trong lĩnh vực phát hành game, thiếu nhân lực nghiên cứu và phát triển chuyên sâu, sáng tạo.

Sự kiện trực tuyến "Giải mã nhân lực ngành Game" đã mở ra tư duy mới mẻ và tháo gỡ định kiến về nghề nghiệp mới mẻ này.
Sự kiện trực tuyến "Giải mã nhân lực ngành Game" đã mở ra tư duy mới mẻ và tháo gỡ định kiến về nghề nghiệp mới mẻ này.

Làm game chỉ có hơn, không có kém


Đây là quan điểm của Giám đốc Vận hành Gamota Trang Vũ. Theo chia sẻ của các khách mời đang hoạt động trong lĩnh vực game, đây là công việc thường xuyên tiếp xúc với việc chơi game giúp tư duy linh hoạt hơn, tăng cường khả năng làm việc nhóm, khả năng nắm bắt thông tin, tư duy logic, phát huy khả năng lãnh đạo,...

Bên cạnh đó, nhân viên còn được trang bị thêm những kỹ năng về marketing, tư duy hình ảnh, diễn xuất… Đây được coi là cơ hội phát triển bản thân bởi ngành game không theo khuôn mẫu như nhiều ngành đặc thù khác.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất ít trường đào tạo nghề game chuyên nghiệp, hầu hết nhân sự đều tự học kinh nghiệm từ những người đi trước. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường game trong nước, nhiều công ty đã xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, giúp các bạn trẻ trang bị kiến thức trước khi bước chân vào nghề.

Giải đáp thắc mắc về mức thu nhập trong nghề game, các khách mời cho biết, mức lương hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và khả năng của nhân sự. Thêm vào đó, cơ hội về thu nhập cũng đa dạng, có thể đến từ các hoạt động phụ như streamer. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào năng khiếu của từng người.

"Hiện nay, nhiều người thường nghĩ Streamer là một nghề “triệu đô”. Có thể nói, đây là một nhận định không sai, nhưng cũng không hẳn là quá đúng. Và sẽ là không sai đối với những người thật sự có năng lực hoặc để chỉ chung cho một hệ thống streamer nói chung. Ở thời điểm hiện tại, tôi nhận thấy được mức độ hài lòng của cả những người đồng nghiệp trong ngành game và tôi cũng vậy” - streamer Mạnh An giải thích về "nghề phụ" trong lĩnh vực game của mình.

Có thể nói, ngành game là một lĩnh vực không khó, tuy nhiên cần có đủ đam mê và ý chí để theo đuổi. Các diễn giả nhấn mạnh, xóa bỏ định kiến và thay đổi tư duy của xã hội chỉ là một phần, quan trọng nhất là giới trẻ phải biết định hướng trước khi quyết định "gia nhập" ngành công nghiệp mới mẻ và đầy triển vọng này.