Nga-Trung tập trận ở Baltic, chiến hạm NATO theo sát

VietTimes -- Cuộc tập trận chung ở biển Baltic giữa Hải quân Trung Quốc và Nga đã kết thúc vào ngày 28/7, diễn tập 6 khoa mục lớn và gây quan ngại cho nhiều quốc gia trong khu vực. Nhiều nước thành viên NATO đã cử tàu chiến theo dõi sát các động thái đi lại và tập trận của các lực lượng tham gia diễn tập của Nga và Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc và Nga tiến hành cuộc tập trận chung "Liên hợp trên biển-2017". Ảnh: Ifeng.
Hải quân Trung Quốc và Nga tiến hành cuộc tập trận chung "Liên hợp trên biển-2017". Ảnh: Ifeng.

6 khoa mục lớn

Cuộc tập trận chung “Liên hợp trên biển-2017” giai đoạn 1 giữa Trung Quốc và Nga ở biển Baltic kéo dài 1 tuần, bắt đầu từ ngày 21/7 và kết thúc vào hôm qua (ngày 28/7). Đây là lần đầu tiên Trung Quốc và Nga tiến hành tập trận ở vùng biển nằm giữa khu vực châu Âu, thu hút sự chú ý quan tâm của dư luận.

Tham gia cuộc tập trận này có 3 tàu chiến của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc gồm tàu khu trục Hợp Phì Type 052D, tàu hộ vệ Vận Thành Type 054A và tàu tiếp tế biển xa Lạc Mã Hồ Type 903A. Những tàu chiến này mang theo máy bay trực thăng và lực lượng hải quân đánh bộ.

Trong khi đó, lực lượng tham gia diễn tập phía Nga có tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Typhoon Type 941, tàu tuần dương động cơ hạt nhân Peter Đại Đế, 2 tàu hộ vệ mới, 1 tàu kéo cùng nhiều máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và lực lượng hải quân đánh bộ.

Trong cuộc tập trận lần này, các tàu chiến tham gia đều đại diện cho lực lượng tàu chiến chủ lực của hải quân hai nước Trung Quốc và Nga.

Trung Quốc và Nga đều rất coi trọng tổ chức cuộc tập trận này, đều cử Phó Tư lệnh Hải quân làm tổng chỉ huy cuộc tập trận, Điền Trung là Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc.

Trong diễn tập thực binh trên biển, lực lượng tham gia diễn tập của Trung Quốc và Nga được “trộn lẫn” vào nhau và chia làm hai cụm chiến đấu trên biển, tập trung vào diễn tập 6 khoa mục lớn như bắn đạn thật trên biển (pháo), phòng không liên hợp, đổ bộ kiểm tra liên hợp, tìm kiếm cứu nạn liên hợp, tiếp tế khi hành tiến, cứu tàu gặp sự cố, đồng thời tiến hành cơ động liên hợp, tập liên lạc thông tin trong đêm.

Hải quân Trung Quốc và Nga tiến hành cuộc tập trận chung
Hải quân Trung Quốc và Nga tiến hành cuộc tập trận chung "Liên hợp trên biển-2017". Ảnh: Ifeng.

Theo đánh giá của Du Mãn Giang, chỉ huy biên đội tham gia cuộc tập trận phía Trung Quốc, cuộc tập trận này đã tiếp tục tăng cường khả năng cùng ứng phó với các mối đe dọa trên biển cho hải quân hai nước Trung Quốc và Nga, đã nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy các hành động liên hợp, đã làm sâu sắc tình hữu nghị truyền thống và tăng cường lòng tin giữa hải quân hai nước.

Tập trận chung “không nhằm vào ai”

Trong thời gian thăm Phần Lan ngày 27/7, khi được hỏi về cuộc tập trận lần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga và Trung Quốc triển khai hợp tác chiến lược rộng rãi trên các phương diện kinh tế, chính trị và quân sự, những hợp tác này không nhằm vào bên thứ ba, sẽ chỉ tạo cân bằng cho thế giới. “Chúng tôi không xây dựng liên minh quân sự mới”.

Ông Vladimir Putin cho biết Nga và Trung Quốc đã liên tục nhiều năm tổ chức định kỳ tập trận chung trên biển và trên đất liền cũng như thi đấu quân sự.

Theo trang tin Sina Trung Quốc ngày 28/7, từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc và Nga đã liên tục tổ chức 6 cuộc tập trận chung trên biển. Chủ đề diễn tập năm 2017 là giải cứu liên hợp và cùng nhau bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế trên biển, từ đó củng cố, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung - Nga, làm sâu sắc hợp tác hữu nghị, thiết thực giữa quân đội hai nước, tăng cường khả năng ứng phó các mối đe dọa trên biển cho hải quân hai nước.

Trung Quốc và Nga đều nhấn mạnh cuộc tập trận chung ở biển Baltic lần này không nhằm vào ai, không liên quan đến tình hình khu vực. Tuy nhiên, NATO và một số nước phương Tây vẫn tỏ ra căng thẳng và lo ngại đối với cuộc tập trận lần này, thậm chí cho coi hợp tác quân sự Trung - Nga là một mối đe dọa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Phần Lan. Ảnh: Tân Hoa xã.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Phần Lan. Ảnh: Tân Hoa xã.

Nhiều nước thành viên NATO đã cử tàu chiến theo dõi sát các động thái đi lại và tập trận của các lực lượng tham gia diễn tập của Nga và Trung Quốc.

Gần đây, Trung Quốc thường xuyên tuyên bố sẽ xây dựng một quân đội, một hải quân “hàng đầu thế giới”. Đồng thời, Trung Quốc cũng đã triển khai lực lượng quân đội ở căn cứ tại Djibouti, tích cực xâm nhập và kiểm soát cảng biển các nước khu vực Ấn Độ Dương. Những động thái quân sự mới này của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của dư luận và gây cảnh giác cho nhiều nước.