Ngắt sóng truyền hình tương tự mặt đất giai đoạn 2 vào tháng 7/2017

VietTimes -- Dự kiến thực hiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh thuộc giai đoạn 2 có thể điều chỉnh tới tháng 7/2017. Vì vậy, việc tổng hợp số liệu hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ và việc đầu tư mua sắm thiết bị đầu thu DVB-T2 cần bắt đầu triển khai vào tháng 11/2016.
Số hóa truyền hình sẽ tác động lớn tới những người dân đang thu xem truyền hình quảng bá. Ảnh minh họa: Internet
Số hóa truyền hình sẽ tác động lớn tới những người dân đang thu xem truyền hình quảng bá. Ảnh minh họa: Internet

Chiều ngày 30/9/2016, tại Hà Nội, Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã họp phiên thứ 10. Phiên họp đã tổng kết, đánh giá công tác triển khai Đề án số hóa truyền hình theo giai đoạn 1 và các công tác chuẩn bị cho triển khai Đề án số hóa truyền hình theo giai đoạn 2.

Đánh giá về kết quả thực hiện giai đoạn 1, Ban Chỉ đạo cho biết, việc ngừng phát sóng toàn bộ kênh truyền hình tương tự mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. HCM, Cần Thơ đã kết thúc giai đoạn 1 của Đề án. Đây cũng là giai đoạn bản lề của Đề án số hóa truyền hình, vì khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, không chỉ người dân tại 5 thành phố này mà người dân trên địa bàn thuộc 20 tỉnh lân cận cũng có điều kiện hưởng các lợi ích của truyền hình số mặt đất.

Theo ước tính, dân số thuộc địa bàn chuyển đổi theo giai đoạn 1 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chiếm gần 50% dân số cả nước. Do đó, để chuẩn bị cho việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo giai đoạn 1, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa đã chỉ đạo các đơn vị, bộ, ngành, địa phương có liên quan chuẩn bị rất kỹ lưỡng trên tất cả các mặt công tác, rà  soát vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất tại các thành phố trực thuộc Trung ương, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, công tác hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất, quản lý thiết bị thu truyền hình số mặt đất theo quy định, đánh giá tỷ lệ thu xem truyền hình của các hộ gia đình tại các địa bàn, đảm bảo việc không làm gián đoạn việc thu xem các kênh truyền hình thiết yếu và lợi ích tối đa của người dân khi chuyển sang thu xem truyền hình số mặt đất.

Ngoài ra, các hoạt động thông tin hỗ trợ số hóa truyền hình nên vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chuyên trang số hóa truyền hình sohoatruyenhinh.vn do Trung tâm Thông tin – Bộ TT&TT thực hiện, tổng đài 0511 1022 của Sở TT&TT Đà Nẵng đã cung cấp đầy đủ thông tin về vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, thiết bị hợp chuẩn, hợp quy trên thị trường, cách thức chuyển đổi sang thu xem truyền hình số mặt đất, lợi ích của số hóa truyền hình, hỗ trợ đầu thu truyền hình số của Nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, và giải đáp rất nhiều câu hỏi của khán giả truyền hình về chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất.

Đánh giá về công tác hỗ trợ đầu thu tại 4 tỉnh, thành phố, Tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam cũng cho biết với sự phối hợp tích cực của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ TT&TT đã hoàn thành việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo theo quy định tại các địa bàn. Các hộ gia đình này có thể tiếp tục thu xem truyền hình số mặt đất sau khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại địa bàn.

Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đã thực hiện hỗ trợ 460.232 hộ gia đình đủ điều kiện nằm trong vùng ảnh hưởng của việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đảm bảo 100% số hộ nghèo, cận nghèo tại Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ đủ điều kiện nhận hỗ trợ có đầu thu để xem truyền hình số mặt đất. Trong đó có 16.052 hộ nghèo, cận nghèo tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam; 444.180 hộ nghèo, cận nghèo tại 4 Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM, Cần Thơ và địa bàn của 19 tỉnh lân cận.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì phiên họp
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì phiên họp

Ngoài số lượng hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương được Bộ TT&TT hỗ trợ, TP Đà Nẵng đã hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất cho 5.043 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Đà Nẵng, Hà Nội hỗ trợ 12.018 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Hà Nội sử dụng truyền hình cáp.

Kết thúc giai đoạn 1, Ban Chỉ đạo cũng chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục, rút kinh nghiệm cho giai đoạn 2 như: Một số thuật ngữ tuyên truyền còn khó hiểu đối với người dân (ví dụ như thuật ngữ “truyền hình tương tự”); Một số nội dung chưa được cập nhật kịp thời (ví dụ như một số địa phương vẫn tuyên truyền các hộ gia đình chính sách thuộc đối tượng hỗ trợ); Một số địa phương thuộc giai đoạn 3 chưa được phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 nhưng đã tuyên truyền quá sớm nên hiệu quả không cao)…

Trong giai đoạn 2, Ban Chỉ đạo tập trung, chú trọng và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tại các tỉnh, tập trung vào đối tương đang thu xem truyền hình tương tự mặt đất, sử dụng các phương tiện có hiệu quả cao như phát thanh truyền hình tương tự, truyền thanh với nội dung thể hiện dễ hiểu hơn; tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các tỉnh thuộc giai đoạn 2.

Dự kiến thực hiện ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh thuộc giai đoạn 2 có thể điều chỉnh tới tháng 7/2017. Vì vậy, việc tổng hợp số liệu hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ và việc đầu tư mua sắm thiết bị đầu thu DVB-T2 cần bắt đầu triển khai vào tháng 11/2016.

Sau giai đoạn 2, sẽ thực hiện kết hợp số hóa truyền hình mặt đất và truyền hình số qua vệ tinh. Vì vậy, sẽ  xem xét vấn đề hỗ trợ đầu thu truyền hình số qua vệ tinh DTH cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các địa bàn này.

Đánh giá kết quả giai đoạn 1, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, ngày 15/8 đã tắt sóng tại 5 tỉnh thành phố Trung ương, việc tắt sóng giai đoạn 1 còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến 50% dân số. Tuy nhiên sau hơn 1 tháng tắt sóng đã có những kết quả phấn khởi, trong đó có sự cố gắng của các cơ quan, đơn vị.

Thứ trưởng Phan Tâm cũng chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị tổng kết đánh giá kết quả giai đoạn 1, đánh giá điểm được và chưa được, đồng thời phải nêu được hạn chế và khắc phục của giai đoạn 1 để tập trung vào giải pháp thực hiện tốt hơn giai đoạn 2. Sau khi tổng kết xong thì phải có Báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thực hiện xây dựng các phương án thông tin tuyên truyền hiệu quả, tiết kiệm chi phí, để người dân nắm rõ được thông tin.

Đối với giai đoạn 2, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh, giai đoạn 2 của Đề án sẽ có nhiều thách thức, vì thời gian tắt sóng thử nghiệm chỉ còn 3 tháng (dự kiến 31/12/2016 sẽ tắt sóng). Vì vậy, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử và các đơn vị liên quan cần tích cực triển khai các công tác thông tin tuyên truyền.

Về vùng phủ sóng và thời gian tắt sóng, Cục Tần số vô tuyến điện làm việc với các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực; các Đài truyền hình VTV, VTC rà soát thời gian tắt sóng kèm với các cam kết cụ thể của các doanh nghiệp và các sở cứ của các doanh nghiệp để có  quyết định về các mốc thời gian trên tinh thần là tắt sóng sớm, đúng dự kiến.

Việc hỗ trợ đầu thu phải năng động tích cực hơn nữa để đảm bảo tốc độ phủ sóng của các đài truyền hình, nghiên cứu các phương án linh hoạt, khi phủ sóng đã sẵn sàng thì hỗ trợ phải theo sát. Ban quản lý cũng phải bám vào các mốc thời gian để xây dựng các các gói thầu để việc hỗ trợ đúng tiến độ thời gian, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.