"Ngành dệt may Việt Nam nếu không ứng dụng công nghệ 4.0 thì sẽ bị tụt lại phía sau"

VietTimes – Ngày 9/7/2019 tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã phối hợp với Viện Kỹ thuật Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) tổ chức hội thảo “Sản xuất tốt hơn với sự trợ giúp của kỹ thuật số trong ngành dệt may”. Nhân dịp này, VietTimes đã thực hiện phỏng vấn ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Xin ông đánh giá về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đến ngành dệt may Việt Nam?

CMCN 4.0 đang tác động rất lớn đến ngành dệt may. Các chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã dự đoán trong khoảng một thập kỷ tới, máy móc, thiết bị sẽ thay thế con người đến 86% ở Việt Nam và đến 88% ở Campuchia. Đây cũng là những dự báo đầy thách thức không chỉ với ngành dệt may, dù rằng thời gian diễn ra không phải một sớm, một chiều.

Và trong mươi, mười lăm năm tới thì ngành dệt may Việt Nam vẫn sẽ phát triển dựa vào nền tảng đang có và chúng ta phải sử dụng hết những gì đã đầu tư cùng nguồn nhân lực đang có. Bên cạnh đó, chúng ta phải tập trung nghiên cứu những khâu nào có thể ứng dụng được công nghệ 4.0 để thay thế những khâu giản đơn, nhàm chán, lặp đi lặp lại hoặc những công đoạn độc hại cũng như với nhưng khâu cần độ chính xác cao. Nếu ngành dệt may Việt Nam không ứng dụng công nghệ 4.0 thì chúng ta sẽ bị tụt lại phía sau. CMCN 4.0 sẽ là tất yếu với ngành dệt may và chúng ta phải có sự lựa chọn thích hợp, kết hợp với điều kiện thực tế đang có để phát huy tốt nhất năng lực của mình.

Ông nghĩ gì về thực trạng và triển vọng của dệt may Việt Nam?

Nhiều năm trước, dệt may của chúng ta chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà nay đã xuất khẩu rất lớn. Với tốc độ phát triển rất nhanh, chúng ta phải chọn những khâu phù hợp nhất. Năm 1990, chúng ta mới chỉ xuất khẩu được 55 triệu USD nhưng đến năm 2018 đã là 36,2 tỷ USD. Và như vậy, chúng ta tập trung vào khâu may là khá lớn. Còn dệt, nhuộm thì hiện nay khá yếu. Tuy nhiên, không phải là chúng ta không muốn giải quyết vấn đề này. Song những khâu này có những khó khăn nhất định không dễ vượt qua. Để đầu tư về may thì nguồn vốn không có gì quá lớn nhưng với dệt, nhuộm thì đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.

Tuy nhiên, vốn không phải là quyết định. Chính là công nghệ và con người sử dụng những công nghệ đó. Và có lẽ khâu yếu nhất của chúng ta hiện nay chính là con người. Việc đào tạo để đáp ứng được nhu cầu với các công nghệ, thiết bị hiện đại có lẽ còn tương đối chậm. Tuy rằng chúng ta có những chuyên gia rất giỏi song chủ yếu là được đào tạo ở nước ngoài. Và việc đào tạo trong nước của ngành dệt may vẫn còn nhiều vấn đề còn phải khắc phục. Tuy rằng đã có hẳn một trường đại học của ngành dệt may song quy mô đào tạo còn với dệt, nhuộm cũng chưa nhiều. Và với một trường có ngành dệt may như Đại học Bách khoa Hà Nội thì sinh viên theo học cũng chưa nhiều. Vì thế, đào tạo nguồn nhân lực ở trình độ cao vẫn là mấu chốt với ngành dệt may.

Đứng trước sức ép của CMCN 4.0 thì máy móc đang dần thay thế con người. Tuy nhiên, chắc chắn có một số công đoạn mà điển hình là thiết kế thì máy móc không thể thay thế mà chỉ hỗ trợ con người, có phải vậy không thưa ông?

Tôi xin có ý kiến hơi khác một chút. Chính công nghệ hiện đại đang tập trung vào khâu thiết kế thời trang. Đây chính là khâu khá được ưu tiên trong việc áp dụng công nghệ 4.0 của ngành dệt may. Trước đây, việc thiết kế nếu làm thủ công có thể mất cả tuần, thậm chí cả tháng mới được một mẫu thì nay với công nghệ 3D, công nghệ tùy chỉnh thì bản thân mỗi người đều có thể lựa chọn thiết kế riêng cho mình hoặc là cho khách hàng chỉ trong một vài giờ. Dĩ nhiên, công nghệ máy móc bao giờ cũng chỉ là sự hỗ trợ chứ không thay thế hoàn toàn con người. Chỉ có điều, chính nhờ ứng dụng máy móc, công nghệ thì đội ngũ thiết kế có thể giảm thiểu mà năng suất làm việc cùng hiệu quả thiết kế lại tăng lên rất nhiều.

Còn với dệt, nhuộm thì máy móc, công nghệ đương nhiên sẽ dần chiếm lĩnh. Riêng với cắt vải và may thì hiện máy móc tự động còn ít. Với công đoạn may thì máy móc sẽ thay thế con người một cách chậm nhất so với các công đoạn khác. Để thay thế bằng máy móc tự động với công đoạn này, chúng ta sẽ phải cân nhắc rất nhiều vì còn các yếu tố phải xử lý về thời trang, tôn giáo… Chính vì vậy, tôi muốn nhắc lại về yếu tố nguồn nhân lực phải đáp ứng được thực tiễn của việc sử dụng máy móc tự động hóa.

Các chuyên gia Hàn Quốc trong phần hỏi đáp về ứng dụng các công nghệ mới tại hội thảo
Các chuyên gia Hàn Quốc trong phần hỏi đáp về ứng dụng các công nghệ mới tại hội thảo

Như ông đã biết, mới đây Việt Nam đã ký kết chính thức Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA), ông đánh giá thế nào về cơ hội này với ngành dệt may của chúng ta?

Ngành dệt may sẽ được hưởng lợi rất nhiều, thậm chí là hưởng lợi nhiều nhất với EVFTA. Chúng tôi nhìn nhận EVFTA cả về cơ hội và thách thức. Cơ hội đầu tiên sẽ là mở ra một thị trường xuất khẩu dệt may rộng lớn vì nhu cầu nhập khẩu dệt may của Liên minh Châu Âu (EU) là lớn nhất thế giới với tổng giá trị trên 250 tỷ USD. Con số này gấp hơn 2 lần so với Hoa Kỳ và chiếm 26% thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, nhu cầu của EU cũng đòi hỏi hàng nhập khẩu với chất lượng, đẳng cấp rất cao. Khi hiệp định này có hiệu lực, ngoài việc mở rộng thị trường thì các doanh nghiệp của chúng ta sẽ có cơ hội tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh vì đa phần các dòng thuế sẽ giảm dần từ 9,6% như hiện nay về 0% trong vòng 7 năm.

Ngoài ra, chúng tôi cho rằng hiệp định EVFTA có những yêu cầu xuất xứ tuyệt vời. Kết hợp với Hiệp định Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì đây cũng tạo ra cơ hội để chúng ta thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các khâu còn yếu của Việt Nam như dệt vải, kéo sợi, nhuộm… Dù rằng đó là những mặt hàng chúng ta đã sản xuất được nhưng để đáp ứng được yêu cầu của các hiệp định này thì còn phải cố gắng rất nhiều. Vì thế, các hiệp định này chính là cơ hội giải quyết những điểm nghẽn của ngành dệt may Việt Nam.     

Tuy nhiên, thách thức cũng là rất lớn vì những hiệp định này đánh đúng vào khâu yếu của chúng ta. Đó là về khâu dệt vải, nhuộm… Nếu chúng ta không đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ dệt vải thì sẽ không được hưởng ưu đãi về thuế quan. Dĩ nhiên, cũng có những ngoại lệ như có thể nhập vải từ Hàn Quốc. Hiện nay, chúng ta đang nhập của Hàn Quốc khoảng 2 tỷ USD vải/năm và có thể sử dụng nguồn vải này để may hàng xuất khẩu sang EU và được coi là có xuất xứ hợp lệ và được hưởng thuế suất 0%. Đây là một điều kiện thuận lợi cho hàng dệt may Việt Nam với thị trường EU. Tuy nhiên, nhu cầu về vải cho dệt may của chúng ta rất lớn. Cho nên, các doanh nghiệp phải phối hợp, liên kết để sử dụng nguồn vải của nhau. Vấn đề thứ hai nữa là phải thu hút đầu tư nước ngoài về dệt để có nguồn vải đủ sức đáp ứng nhu cầu may xuất khẩu sang EU. Nếu không, chúng ta sẽ không được hưởng lợi ưu đãi về thuế quan.

Thêm một thách thức nữa khi vào thị trường EU chính là sự khó tính, yêu cầu chất lượng cao. Nhất là về an toàn cho sản phẩm, vệ sinh môi trường. Rồi cả với lao động cũng là vấn đề cũng là thách thức…

Xin cảm ơn ông!