Ngân hàng “hụt” của Vinaconex

VietTimes – Ít người biết rằng Vinaconex cũng từng có một ngân hàng. Đó là Ngân hàng TMCP Năng lượng Việt Nam...
Vinaconex cũng từng có một ngân hàng... (Ảnh: Internet)
Vinaconex cũng từng có một ngân hàng... (Ảnh: Internet)

HNX vừa chính thức thông báo và công bố tài liệu về việc chào bán cạnh tranh cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) tại Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex; Mã chứng khoán: VCG).

Bản công bố thông tin về đợt chào bán đã phác họa khá tường minh về lịch sử hình thành, cơ sở pháp lý, tình hình hoạt động, sức khỏe tài chính, dấu ấn thành tựu và chiến lược phát triển của Vinaconex suốt từ khi thành lập cho đến nay.

Đọc bản công bố thông tin này, nếu để ý, không ít nhà đầu tư sẽ bất ngờ về việc Vinaconex đã từng có một ngân hàng. Đáng tiếc là ngân hàng này vốn đã “chết” trước lúc trình làng.

Đó là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Năng lượng Việt Nam (Ngân hàng Năng lượng).

Bản công bố thông tin về việc chào bán cổ phần VCG của SCIC chỉ điểm qua về Ngân hàng Năng lượng khi đề cập đến các vụ tranh chấp kiện tụng liên quan tới Vinaconex có thể ảnh hưởng đến giá cả cổ phiếu chào bán.

Theo đó, Vinaconex hiện đang trực tiếp tham gia 04 vụ việc tranh chấp pháp lý với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan điều tra. Trong đó có vụ tranh chấp hợp đồng dịch vụ số 40/2009/LTST-DS giữa Nguyên đơn là Công ty TNHH Richard Moore A-Ssociate và Bị đơn là ông Nguyễn Hữu Thủy.

“Tháng 6 năm 2007, Tổng công ty CP Vinaconex với tư cách là cổ đông sáng lập thành lập Ngân hàng TMCP Năng lượng Việt Nam có tham gia vào Ban trù bị thành lập Ngân hàng Năng lượng Việt Nam. Ông Nguyễn Hữu Thủy – Trưởng BĐH Ngân hàng Năng lượng đã ký hợp đồng phát triển bản sắc thương hiệu với Công ty TNHH Richard Moore A-Ssociate. Do bất khả kháng, Ngân hàng Năng lượng không được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng, mọi hoạt động thành lập của ngân hàng bị chấm dứt và Công ty TNHH Richard Moore A-Ssociate đã khởi kiện ông Nguyễn Hữu Thủy về nghĩa vụ thanh toán hợp đồng nói trên”, Vinaconex tóm tắt về vụ án.

Trong vụ án này, vai trò của Vinaconex là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Được biết, ngày 22/9, Tòa án đã xét xử và Vinaconex không phải chịu bất kỳ nghĩa vụ nào. Song Vinaconex sẽ tiếp tục theo dõi kháng cáo (nếu có).

Cần thiết phải nói rằng, vụ tranh chấp trên không lớn, không quá phức tạp, Vinaconex – trên tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan – cũng sẽ không bị tác động quá nhiều từ phán quyết của Tòa.

Việc thông tin về vụ tranh chấp phản ánh quan điểm minh bạch, có trách nhiệm của SCIC, Vinaconex và nhà tư vấn SSI trong việc cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư quan tâm đến đợt chào bán.

Bên cạnh đó, với những ai không thường xuyên theo dõi những thông tin có liên quan đến Vinaconex trước đây, khi đọc bản công bố, cũng sẽ biết được rằng, Vinaconex đã từng có một ngân hàng – dù trên “giấy”.

Ngân hàng TMCP Năng lượng Việt Nam

Ban trù bị thành lập Ngân hàng Năng lượng Việt Nam được thành lập vào giữa năm 2006 – thời kỳ mà các tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn trong nhà nước và ngoài nhà nước đua nhau thành lập ngân hàng. Trong thuở “đua nhau” thành lập ngân hàng thương mại ấy, bộ tứ “ông lớn” nhà nước là Vinaconex, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Sông Đà; Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng đồng lòng sáng lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Năng lượng Việt Nam.

Ngân hàng được kỳ vọng sẽ huy động sức mạnh nội lực từ các tập đoàn, các tổng công ty, các doanh nghiệp và hàng chục vạn cán bộ công nhân viên ngành năng lượng Việt Nam, xây dựng nên một tổ chức tài chính vững mạnh của quốc gia, tiến tới hội nhập với khu vực và trên thế giới. Mục đích chính của ngân hàng này, theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, là khắc phục phần nào tình trạng thiếu vốn đầu tư cho chiến lược phát triển điện và năng lượng quốc gia.

Đầu tháng 1/2008, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức cấp giấy phép nguyên tắc cho phép thành lập Ngân hàng TMCP Năng lượng Việt Nam. Đáng nói là trong đợt này, ngoài Ngân hàng Năng lượng, còn có tới 4 trường hợp ngân hàng khác cũng được duyệt về nguyên tắc, đó là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Châu Á, Ngân hàng TMCP Ngôi sao Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đông Dương Thương tín, Ngân hàng TMCP Bảo Tín. Lưu ý, đây chỉ là 5 trong số 21 hồ sơ xin cấp phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần đã nộp trước thời điểm 31/12/2007.

Cả 5 ngân hàng đều có vốn điều lệ đăng ký là 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngoại trừ trường hợp của Ngân hàng Năng lượng được sáng lập bởi các cổ đông thuần doanh nghiệp, 4 ngân hàng còn lại đều có sự tham gia góp vốn của các ngân hàng đã hiện diện sẵn trên thị trường.

Trên cơ sở phê duyệt về mặt nguyên tắc của cơ quan quản lý, Ngân hàng Năng lượng dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ giữa năm 2008, trở thành một trong những đầu mối thu xếp nguồn vốn đầu tư cho phát triển điện.

Kế hoạch tưởng chừng như không có gì thay đổi, Vinaconex – trong bản cáo bạch niêm yết của mình vào tháng 5/2008 – khi đề cập đến chức vụ đang nắm giữ tại tổ chức khác của P.TGĐ Vinaconex Nguyễn Đình Thiết, thậm chí đã đề rằng, ông Thiết đang đồng thời đảm nhiệm chức vụ “Thành viên HĐQT Ngân hàng Năng lượng Việt Nam”.

Nhưng đấy là nếu mọi chuyện hanh thông.

Mở ngân hàng bất thành, lập công ty tài chính

Còn trên thực tế, các ngân hàng như Năng lượng, Ngoại thương Châu Á, Ngôi sao Việt Nam, Đông Dương Thương tín và Bảo Tín chỉ tồn tại trong kế hoạch và không có cơ hội xuất hiện một cách đúng nghĩa trên thị trường.

Lý do thì như Vinaconex đã công bố: “Do bất khả kháng, Ngân hàng Năng lượng không được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng, mọi hoạt động thành lập của ngân hàng bị chấm dứt”. Cụ thể hơn, ngày 29/07/2008, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tiêu chí thành lập ngân hàng thương mại cổ phần trong nước cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Thủ tướng cũng chỉ đạo trong khi chưa ban hành tiêu chí, sẽ chưa cho phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần mới.

Quyết định đã kịp thời xử lý và điều chỉnh tình trạng “đua nhau mở ngân hàng” thời bấy giờ ở Việt Nam, góp phần lành mạnh hóa và ổn định thị trường tài chính.

Bất thành trong kế hoạch thành lập Ngân hàng Năng lượng, nhưng nên biết rằng, sau đó, Vinaconex vẫn có một tổ chức tín dụng của họ. Đó là Công ty tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel (VVF), một tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

VVF được thành lập cuối năm 2008, do Vinaconex, Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) là cổ đông sáng lập. Trong đó, Vinaconex là cổ đông lớn nhất - với tỷ lệ sở hữu 33%. Khá thú vị khi VVF cũng có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng – ngang bằng mức vốn điều lệ dự kiến của Ngân hàng Năng lượng.

Tương tự, các cổ đông đồng hành cùng Vinaconex trong kế hoạch thành lập Ngân hàng Năng lượng - là Lilama, Sông Đà, Vinacomin – cũng có những công ty tài chính của riêng mình. Chẳng hạn như với Tổng công ty Sông Đà là Công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC).

Đến thời điểm hiện tại, các công ty tài chính trên đều đã được bán cho các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước.

Với VVF, công ty tài chính này hiện đã sáp nhập vào ngân hàng TMCP Hà Nội Sài Gòn (SHB) của ông “bầu” Đỗ Quang Hiển. Đón VVF “về chung một nhà”, “bầu” Hiển đã từng ví von rằng: VVF như một cô gái đẹp trong làng, mà chàng trai nào cũng nhòm ngó. SHB đã rất may mắn khi có được VVF./.