Ngẫm về “Tầm nhìn World Cup 2026”

VietTimes – Vòng chung kết World Cup 2026 dự kiến có 48 đội tuyển tham gia. HLV đội tuyển U.19 Việt Nam Philippe Troussier được giao nhiệm vụ làm “kiến trúc sư” cho “giấc mơ hoa” này.
HLV đội tuyển U.19 Việt Nam Philippe Troussier được giao nhiệm vụ làm “kiến trúc sư” cho “Tầm nhìn World Cup 2026”. Ảnh THNA
HLV đội tuyển U.19 Việt Nam Philippe Troussier được giao nhiệm vụ làm “kiến trúc sư” cho “Tầm nhìn World Cup 2026”. Ảnh THNA

Vòng chung kết World Cup 2026 dự kiến có 48 đội tuyển tham gia. HLV đội tuyển U.19 Việt Nam Philippe Troussier được giao nhiệm vụ làm “kiến trúc sư” cho “giấc mơ hoa” này.

Trước hết, phải nói đây là nhiêm vụ khó, Thái Lan đã loay hoay hơn 10 năm nay nhưng vẫn chưa đến đâu. Nhưng nếu không dám nghĩ, thì suốt đời chúng ta vẫn không thể mon men đến sân chơi danh giá này.

Định hướng của ông thầy người Pháp

Là chuyên gia bóng đá hàng đầu thế giới, ông thầy người Pháp đã vạch ra lộ trình rất chi tiết, khoa học. Theo ông, để 5-6 năm nữa có khoảng 20 cầu thủ tốt cho đội tuyển thì chúng ta cần phải có 100 cầu thủ sinh từ năm 1998 đến 2004. Những cầu thủ trẻ xuất sắc nhất của sân cỏ Việt Nam cần được thử thách ở các giải đấu từ vòng loại World Cup tới SEA Games 2021, vòng loại Olympic 2024... Đúng như bóng đá Nhật Bản và Qatar đang làm, chọn lọc tài năng và tung vào thử lửa để rèn giũa kinh nghiệm, đào thải.

Theo ông, để 5-6 năm nữa có khoảng 20 cầu thủ tốt cho đội tuyển thì chúng ta cần phải có 100 cầu thủ sinh từ năm 1998 đến 2004. Ảnh VFF
Theo ông, để 5-6 năm nữa có khoảng 20 cầu thủ tốt cho đội tuyển thì chúng ta cần phải có 100 cầu thủ sinh từ năm 1998 đến 2004. Ảnh VFF

Nhưng ngay từ vạch xuất phát nhà cầm quân người Pháp này đã băn khoăn: “100 cầu thủ này bây giờ đang ở đâu?” Phần lớn các tuyển thủ quốc gia có mặt tại World Cup đều ít nhất tham gia giải quốc nội khi 17-18 tuổi. Trong khi đó, tại đội hình U.19 Việt Nam chuẩn bị cho vòng chung kết U.19 châu Á 2020, không có cầu thủ nào giành được suất đá chính tại V-League. Vậy nếu ai trong số đó sẽ xuất hiện tại World Cup 2026 thì lịch sử bóng đá thế giới sẽ được viết lại.

Nhìn từ HAGL, Hà Nội FC thì biết, không phải lúc nào chúng ta cũng may mắn có được 1 lứa cầu thủ tài năng. Ngay cả khóa 1 của HAGL, sau 4-5 năm chinh chiến tại V.League rốt cuộc cũng chỉ còn vài ngôi sao trụ lại được. Quy luật đào thải hình chóp của bóng đá vốn rất khắc nghiệt, tỷ lệ cầu thủ đọng lại đến phút cuối khá thấp.

Hơn ai hết, người Thái đã thấm rõ, nếu không chủ trọng đào tạo trẻ, Thái Lan cũng chỉ quanh quẩn ở những giải đấu “ao làng” như SEA Games hay Giải vô địch Đông Nam Á. Dường như kiên trì đào tạo, chắt lọc, làm đi, làm lại trong một quãng thời gian dài, có thêm chút may mắn thì chúng ta mới có thể có cơ may đến “ngày hội bóng đá của hành tinh”. Nhưng trước đó, chúng ta phải xây dựng được một chiến lược dài hơi và có những ông thầy tâm huyết, giỏi chuyên môn.

“100 cầu thủ này bây giờ đang ở đâu?” Ảnh Goal
“100 cầu thủ này bây giờ đang ở đâu?” Ảnh Goal

Nhìn lại thực trạng

SLNA, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Nam Định vốn là nhưng địa chỉ một thời cung cấp nhiều cầu thủ có chất lượng. Nhưng những khó khăn về kinh tế bó hẹp phạm vi tuyển đầu vào, điều kiện tập luyện, dinh dưỡng, y tế và khả năng tiếp cận với phương pháp đào tạo mới nên các lò này đã “chạm trần”. Đồng Tháp sau khi rời V.League lại vừa dính vụ kỷ luật 11 cầu thủ U21 nên đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì các tuyến trẻ vì bí đầu ra.

Xuất phát sau nhưng các lò Viettel, PVF, Hà Nội, HAGL đang là đích đến của các tài năng nhí sân cỏ Việt Nam. Các CLB này đã dày công nghiên mô hình đào tạo trẻ của nước ngoài để tiếp cận bóng đá hiện đại từ khâu tuyển chọn, huấn luyện. Thậm chí các CLB còn mời chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Điều này đã trả lời câu hỏi vì sao các giải trẻ U19, U21 khó thoát khỏi tay các lò đào tạo này. Khi cần đến tính chiến thuật, phối hợp đồng đội thì các thầy ngoại ăn luốn đứt thầy nội.

Với cơ sở vật chất tốt hơn, điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn nên Viettel, PVF, Hà Nội, HAGL thu hút được “nhân tài” khắp toàn quốc. Hiện nay tiền ăn của các cầu thủ nhí PVF khi thi đấu đã lên tới 1 triệu đồng/ngày, gấp 5 lần lò SLNA. Các điều kiện học ngoại ngữ, chăm sóc y tế đều tốt hơn hẳn.

Chưa kể các CLB như Hà Nội, Đà Nẵng, Viettel đều đã có đội B thi đấu tại các giải hạng Nhì, hạng Nhất để các cầu thủ có thể thi đấu có xát lấy kinh nghiệm trước khi đá V.League. Tuy nhiên, nếu chỉ có những địa chỉ trên thì cũng chưa thể đãi cát, tìm vàng như mong muốn.

Hơn ai lúc nào hết, VFF cần sớm có một giám đốc kỹ thuật để làm việc với các CLB để thống nhất một mục tiêu và giáo án. Ảnh VPF
Hơn ai lúc nào hết, VFF cần sớm có một giám đốc kỹ thuật để làm việc với các CLB để thống nhất một mục tiêu và giáo án. Ảnh VPF

Để có 100 cầu thủ cho “tầm nhìn World Cup 2026” thì vẫn cần có thêm nhiều học viện đào tạo trẻ tham gia, kể cả các lò tư nhân. Việc các tuyển thủ U19 không thể có mặt tại V.League do số trận thi đấu giai đoạn 17-19 tuổi không nhiều. VFF ngoài các giải vô địch trẻ hàng năm cần có thêm các giải khu vực, thêm nhiều sân chơi.

Ngoài các lò đào tạo còn phải phát hiện các tài năng ở bóng đá đường phố, bóng đá học đường. Hơn ai lúc nào hết, VFF cần sớm có một giám đốc kỹ thuật để làm việc với các CLB để thống nhất một mục tiêu và giáo án. Tránh việc hầu như các đội V.League đá 4 hậu vệ nhưng đội tuyển quốc gia lại đá 3 hậu vệ, vênh nhau về chiến thuật. “Tầm nhìn World Cup 2026” là một việc khó, nếu các bên liên quan không xắn tay vào thì mọi thứ chỉ nằm trên bàn giấy.