Viettimes - tin tức và phân tích chuyên sâu kinh tế, quốc tế, y tế
Dòng sự kiện »
#Cục Quản lý Dược
#Nghị quyết số 18 và sửa đổi Luật Đất đai năm 2013
#Viện Sức khỏe tâm thần
#Diễn biến dịch Covid-19
#Vaccine Covid 19
Thời sự - Xã hội
Pháp luật
Xã hội
Y tế
Giáo dục
Ngắm 9 bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng điêu khắc Chăm
Hồ Xuân Mai
23/05/2024 08:30
Bảo tàng điêu khắc Chăm tại TP Đà Nẵng nằm gần cầu Rồng. Nơi đây đang lưu giữ, trưng bày 9 cổ vật được Thủ tướng công nhận là bảo vật Quốc gia.
Kỳ lạ: Giá căn hộ Đà Nẵng cao gấp 2-3 lần đất nền
Đà Nẵng đề nghị dỡ phong tỏa tài sản của vợ Phan Văn Anh Vũ
Nhà ga quốc tế Đà Nẵng có phòng nuôi con bằng sữa mẹ
Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại TP Đà Nẵng, nơi đang lưu giữ, trưng bày 9 cổ vật Quốc gia gồm Đài thờ Trà Kiệu; Đài thờ Mỹ Sơn E1; Tượng bồ tát Tara; Đài thờ Đồng Dương; Tượng thần Ganesha; Tượng Gajasimha; phù điêu Apsara; Tượng thần Shiva, phù điêu Đản sinh Brahma.
Đài thờ Trà Kiệu được làm từ đá sa thạch, được phát hiện trong quá trình khảo cổ tại Trà Kiệu (Quảng Nam), đài thờ có niên đại thế kỷ VII -VIII, được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2012.
Đài thờ Trà Kiệu được đưa về bảo tàng từ năm 1901, gồm có các bộ phận: Phía trên là một Linga, ở giữa là bệ Yoni gồm hai thớt tròn được trang trí những cánh hoa sen cách điệu đối xứng nhau, phía dưới là một chiếc bệ vuông. Bốn mặt quanh khối vuông được chạm trổ nhiều chi tiết người.
Đài thờ Trà Kiệu được đánh giá là một trong những kiệt tác điêu khắc, nên ngay sau khi được phát hiện, Đài thờ Trà Kiệu đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu tìm đến giải mã nội dung câu chuyện của các nhân vật quanh đài thờ và đoán định niên đại của nó.
Đài thờ Mỹ Sơn E1 được chế tác từ đá sa thạch, xuất xứ Mỹ Sơn (Quảng Nam), đài thờ có niên đại thế kỷ VII-VIII, được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2012. Đài thờ gồm 16 khối đá (hiện nay chỉ còn 14 khối). Đây là đài thờ duy nhất được tìm thấy hiện nay mô phỏng các chi tiết trang trí kiến trúc của một ngôi tháp như các bậc cấp, vòm cửa, trụ cửa, động vật, hoa lá.
Tượng thần Shiva có xuất xứ tháp Mỹ Sơn C1 (Quảng Nam), được công nhận bảo vật quốc gia năm 2024. Bức tượng được làm từ đá Sa thạch, có niên đại Thế kỷ VIII.
Tượng thần Ganesha cũng được làm từ chất liệu đá sa thạch. Tượng xuất xứ từ Mỹ Sơn, Quảng nam và có niên đại thế kỷ VII.
Bức tượng được phát hiện vào năm 1903 bởi Viện Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) trong quá trình khảo cổ tại đền tháp E5, tại di tích Mỹ Sơn, Quảng Nam. Sau đó bức tượng được đưa về lưu trữ và trưng bày tại bảo tàng từ năm 1918. Năm 2020, bức tượng được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam.
Phù điêu Đản sinh Brahma, được phát hiện tại Mỹ Sơn, Quảng Nam. Phù điêu được làm từ chất liệu đá sa thạch và có niên đại Thế kỷ VII-VIII. Đây là bức chạm khắc trên vòm của tháp Mỹ Sơn E1, được đưa về bảo tàng từ năm 1935. Năm 2024, bức phù điêu này được công nhận Bảo vật quốc gia.
Tượng bồ tát Tara được làm từ chất liệu đồng, xuất xứ Đồng Dương (Quảng Nam), niên đại cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X, được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2012. Đây là một trong những tượng Tara bằng đồng quan trọng nhất đã được phát hiện tại khu vực Đông Nam Á.
Bảo vật này được người dân tại địa phương tình cờ tìm thấy vào năm 1978. Tượng thần cao gần 1,15m, đứng thẳng, hai tay cùng cân xứng về phía trước. Tay phải cầm đóa hoa sen, tay trái cầm vỏ ốc. Tuy nhiên hai chi tiết này đã bị thất lạc khi tượng được phát hiện.
Sau thời gian lưu lạc, đến tháng 12/2023, hai hiện vật đã được Bảo tàng tỉnh Quảng Nam bàn giao lại cho Bảo tàng Chăm Đà Nẵng lưu giữ và bảo quản.
Đài thờ Đồng Dương có xuất xứ Đồng Dương (Quảng Nam). Đài thờ được chế tác từ đá Sa thạch, có niên đại cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X. Đài thờ được công nhận bảo vật quốc gia năm 2018.
Đài thờ gồm 24 khối đá ghép lại với nhau tạo nên kiến trúc đài thờ gồm 4 bộ phận gồm: Phần đế đặt dưới cùng, bệ thờ lớn có mặt diện hình vuông; trên bệ thờ lớn là bệ thờ nhỏ vuông và một bệ thờ cao hơn áp vào mặt sau của bệ thờ lớn.
Tượng Gajasimha có xuất xứ ở Tháp Mẫm (Bình Định). Bức tượng được làm từ đá sa thạch, có niên đại thế kỷ XII, được tìm thấy trong cuộc khai quật tại Tháp Mẫm (Bình Định) vào năm 1933-1934. Sau đó tượng được đưa về bảo tàng vào năm1935. Năm 2020, bức tượng được công nhận bảo vật quốc gia.
Phù điêu Apsara, xuất xứ Trà Kiệu (Quảng Nam), được làm từ đá sa thạch, bảo vật có niên đại thế kỷ X và được công nhận bảo vật Quốc gia vào năm 2024.
Kỳ lạ: Giá căn hộ Đà Nẵng cao gấp 2-3 lần đất nền
Đà Nẵng đề nghị dỡ phong tỏa tài sản của vợ Phan Văn Anh Vũ
Cỏ mọc um tùm, đồ đạc phủ bụi tại công viên phần mềm số Đà Nẵng