Tại hội nghị an ninh quốc tế vào tuần trước tại Munich (Đức), các bên liên quan trực tiếp tới cuộc chiến tại Syria đã muốn tiến hành kế hoạch chấm dứt mọi thù địch. Thế nhưng, cụm từ «đình chiến», được hiểu theo nghĩa chấm dứt hẳn cuộc xung đột đã không được đưa ra, khi tình hình tại thực địa vẫn còn căng thẳng vì những mục đích khác nhau của các bên tham chiến trong khu vực.
Nhật báo Pháp La Croix điểm mặt các phe tham chiến tại Syria, thứ nhất là Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích chính là không để người Kurd thành lập một khu vực tự trị tại Syria, như trường hợp đã xảy ra tại Iraq. Tham vọng trên của người Kurd được nhen nhóm ngay từ đầu cuộc xung đột tại Syria vào năm 2011.
Chính vì vậy, từ ngày 13/2, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục oanh kích các căn cứ của người Kurd tại ba khu vực tự trị Afrin, Kobani và Djezire, đồng thời kêu gọi liên quân quốc tế can thiệp trên bộ, nhằm ngăn chặn đường tiến của người Kurd trong việc chiếm thành phố Azaz. Vị trí chiến lược này dẫn tới trạm biên phòng Oncupinar bên phía Thổ Nhĩ Kỳ và mở đường tiếp tế cho phiến quân Syria.
Trong khi đó, Ả Rập Xê út tham chiến nhằm mục đích kiềm chế sức ảnh hưởng của Iran. Tháng 12/2015, quốc gia Hồi giáo này đã thành lập một nhóm đối lập có tên «Riyad» ngay tại Ủy ban đàm phán (HCN). Riyad muốn chế độ Damascus sụp đổ vì chính quyền Bashar Al Assad được Iran hậu thuẫn. Hiện đang đứng đầu liên quân gồm khoảng 30 quốc gia Hồi giáo, Ả Rập Xê út đã điều chiến đấu cơ tới Thổ Nhĩ Kỳ cùng tham gia các trận không kích tại Syria.
Nước thứ ba muốn bảo vệ lợi ích trong khu vực là Nga. Matxcơva muốn khôi phục ảnh hưởng tại Trung Đông. Vào tháng 9/2015, đúng lúc Damascus đang thất thế trên mọi mặt trận, việc Nga hỗ trợ chế độ của tổng thống Syria đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện của cuộc chiến và đã giúp Damascus chiếm lại được nhiều vùng đất nằm trong tầm kiểm soát của các nhóm đối lập.
Theo quan sát của nhiều nhà nghiên cứu, Matxcơva sẽ không dừng ở việc chiếm lại một phần lãnh thổ Syria. Nga sẽ giúp chế độ Damascus đứng vững, sau đó sẽ giúp lấy lại toàn bộ lãnh thổ đất nước và từ đó biến Syria thành bàn đạp của Nga trong khu vực.
Iran là nước thứ tư có lợi trong cuộc chiến Syria. Tehran cũng là đồng minh lâu đời của Damas. Ngoài việc hỗ trợ quân sự thông qua tổ chức Hezbollah Liban theo hệ phái Shia, Iran còn cử nhiều cố vấn quân sự cho chế độ Bachar Al Assad. Trên thực địa, quân nhân Iran chiến đấu cùng với lực lượng Hezbollah Liban, chiến binh Iraq và Afghanistan theo hệ phái Shiite. Can thiệp vào tình hình Syria, Tehran muốn khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực cũng như vị thế không thay thế được trong việc giải quyết khủng hoảng Syria.
Cuối cùng là các nước phương Tây, với một mục đích chính là chống lại tổ chức khủng bố IS. Thay vì khăng khăng yêu cầu tổng thống Bashar Al Assad phải ra đi, các nước phương Tây đã thay đổi chiến lược : từ giờ tập trung vào hai mục đích chính là loại trừ IS và ngăn chặn làn sóng người tị nạn Syria đổ vào châu Âu.
Được hình thành từ mùa hè năm 2014, liên quân quốc tế chống tổ chức IS do Mỹ đứng đầu đã quy tụ được 59 nước. Tuy nhiên, liên quân chỉ tập trung oanh kích IS tại Syria và Iraq với kết quả rất khiêm tốn.