Một phân tích trên The Strategist cho thấy các diễn biến xấu về kinh tế đã ảnh hưởng tiêu cực đến các kế hoạch hiện đại hóa quân đội Nga ra sao. Để tiết kiệm, quan trọng nhất là Nga đã đầu tư vào hiện đại hóa và nâng cấp dựa trên nền tảng hiện nay thay vì chờ đợi để có được những nền tảng mới hoàn toàn như siêu tăng Armata hay máy bay chiến đấu PAK-FA đi vào hoạt động.
Theo Strategist, hầu hết các trang thiết bị của lực lượng vũ trang Nga đều là di sản từ thời Chiến tranh lạnh và ưu tiên của Nga là tăng cường số lượng các loại vũ khí hiện đại đi vào hoạt động, hơn là tạo ra các khả năng mới mang tính cách mạng.
Các chỉ tiêu chính của Chương trình vũ khí quốc gia của Nga giai đoạn 2011-2020 nhấn mạnh vào tỉ lệ các thiết bị hiện đại trang bị cho quân đội: Đến cuối năm 2015 phải đạt 30% tổng thể và đến năm 2020 phải đạt 70% các vũ khí hiện đại. Sự thành công của chương trình này là sự kết hợp của nhiều yếu tố và các con số chính xác rất khó để tìm thấy, nhưng tỷ lệ các vũ khí hiện đại được biên chế rõ ràng đã tăng lên đáng kể.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga hồi tháng 4/ 2016 cho biết, từ năm 2013 quân đội Nga đã nhận được khoảng 1.200 máy bay mới và được hiện đại hóa trong đó có 250 máy bay mới, 300 máy bay trực thăng mới và 700 máy bay được hiện đại hóa.
Về cơ bản tất cả các máy bay chiến đấu có cánh cố định mới đều là phiên bản hiện đại của máy bay thời Xô Viết những năm 1980: Các chiến đấu cơ dòng Su-27 Flanker (Su-30; Su-35 và Su-33), Su-25 'Frogfoot, MiG-29 Fulcrum (sắp tới có thêm MiG-35) và MiG-31 Foxhound. Khung thân máy bay thế hệ thứ 4 được trang bị hệ thống điện tử và cảm biến kỹ thuật số hiện đại, thường được gọi là máy bay chiến đấu thế hệ 4.5. Tuy nhiên thế hệ này vẫn thiếu các tính năng thiết kế bên trong của máy bay thế hệ thứ 5 như F-35.
Tham vọng về thế hệ máy bay chiến đấu thứ 5 của Nga, PAK-FA, đã liên tục bị trì hoãn do chi phí cao và sự hỗ trợ không liên tục từ đối tác phát triển là Ấn Độ. Chỉ có 8 nguyên mẫu của chiếc máy bay được ca tụng rất nhiều này hiện được thử nghiệm, và các kế hoạch mới nhất cũng chỉ mong chờ mua lại 12 chiếc máy bay vào năm 2020. Dây chuyền sản xuất Su-35 và MiG-35 có thể học hỏi từ những thiếu sót của PAK-FA, cũng như tiếp tục đáp ứng nhu cầu xuất khẩu các máy bay Nga thế hệ 4.5.
Trên thực tế, đây là một kế hoạch rất thiết thực và tiết kiệm chi phí. Hải quân Mỹ đã bắt đầu chuyển từ chiến đấu cơ F/A-18 Hornet từ những năm 1980 sang chiếc Super Hornet hiện đại đầu những năm 2000. Những máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 này vẫn rất hiệu quả và ít yêu cầu cải tiến hơn so với các khung thân máy bay mới. Vì những chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của quân đội Mỹ đã vấp phải nhiều thất bại đáng kể, dễ thấy rằng tại sao Nga lại chọn một con đường ít nguy hiểm hơn, cho dù không phải là không mất chi phí cơ hội.
Kế hoạch hiện đại hóa hải quân của Nga tiến triển chậm hơn rất nhiều. Trong số 108 chiến hạm mặt nước hiện đang hoạt động, gần ¾ đã trên 25 năm tuổi. Những nỗ lực để xây dựng tàu chiến hiện đại tập trung vào các tàu nhỏ hơn: Từ năm 2010, trang bị thêm 11 tàu hộ tống và 2 tàu khu trục, và sẽ có thêm 12 tàu hộ tống nữa sẽ đi vào hoạt động vào năm 2019.
Tuy nhiên, sự can thiệp của Mátxcơva trong cuộc nội chiến của Ukraine đã khiến Ukraine ngừng cung cấp động cơ cho các tàu chiến quan trọng đối với Nga. Trong số 6 tàu khu trục đang ở giai đoạn hoàn thành, chỉ có ba tàu có đủ số động cơ cần thiết để vận hành, điều này hiện khiến hải quân Nga đau đầu tìm phương án thay thế.
Trong số 20 chiến hạm lớn (tàu khu trục hoặc lớn hơn, bao gồm cả tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov), chỉ có hai chiếc được bổ sung vào nửa cuối những năm 1990, và kể từ đó không có thêm một chiếc tàu mới nào. Ba tàu khu trục khác đang được dự trữ, nhưng nếu các tàu này quay lại phục vụ, chúng có khả năng sẽ thay thế các tàu chiến cũ hơn.
Tương tự như vậy, hai trong số những chiếc tàu chiến khổng lồ lớp Kirov vẫn đang được dự trữ, một trong số đó là chiếc Đô đốc Nahkimov đang trải qua quá trình hiện đại hóa. Đến năm 2020, tàu Đô đốc Nahkimov sẽ thay thế chiến hạm Pyotr Veliky, trở thành kỳ hạm của Hạm đội Biển Bắc, trong khi đó một chiếc tàu còn lại sẽ trải qua quá trình bảo dưỡng vào hiện đại hóa. Một lớp tàu chiến lớn của Nga, lớp Leader, được cho là sẽ bắt đầu xây dựng vào đầu những năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa có bản hợp đồng nào được ký kết.
Hạm đội tàu ngầm của Nga cũng đang ở trong tình trạng tương tự, phần lớn tàu của hạm đội này đều có niên đại từ đầu những năm 1990. Việc xây dựng tàu ngầm hiện đại tập trung vào phiên bản nâng cấp các tàu ngầm lớp Kilo vào thập kỷ 1980. Tàu Kilo là một mặt hàng xuất khẩu thành công của Nga, với 16 trong số 22 tàu Kilo được nâng cấp hiện đang phục vụ ở lực lượng hải quân nước ngoài.
Gần đây, người ta đã chuyển sự tập trung sang tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen, chiếc tàu ngầm thứ hai thuộc lớp này được dự tính sẽ đi vào vận hành trong năm nay. Tương tự, chiếc tàu thứ tư của lớp Borei SSBN cũng sẽ được tung ra trong năm nay. Các tàu ngầm hạt nhân này đều là phiên bản cải tiến các tàu cũ hơn thuộc cùng một lớp, do đó chúng mới có các định danh là lớp Yasen M hay lớp Borei II.
Những khó khăn kinh tế gần đây đã khiến Nga chỉ có thể đi theo hướng nâng cấp các nền tảng cũ thay vì mua mới hoàn toàn. Nhưng điều này vẫn không cản được quá trình hiện đại hóa quân đội, chỉ là có sự điều chỉnh một chút. Dù sao một số loại vũ khí vẫn có thể đạt được mục tiêu hiện đại hóa thậm chí còn sớm hơn, nhờ vào dây chuyền sản xuất đáng tin cậy. Và các thiết kế kể từ sau Chiến tranh lạnh vẫn sẽ được sử dụng, đặc biệt là khi chúng được trang bị thêm các hệ thống cảm biến tinh vi và vũ khí hiện đại.