Nga phóng ngư lôi đánh chìm tàu ngầm Mỹ - “fake news” gây chấn động thế giới

VietTimes-- Bí mật ẩn chứa phía sau sự cố cháy tàu ngầm khảo sát biển sâu của Nga? Vì sao Tổng thống Nga Vladimir Putin triệu tập khẩn cấp Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu? Điều gì khiến Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đột ngột thay đổi hành trình, hủy bỏ sự kiện ở New Hampshire để quay về thủ đô Washington họp khẩn cấp? Một loạt sự kiện đã xảy ra vào ngày 2/7 mà không rõ nguyên nhân khiến người ta tò mò. Trang web tình báo quân sự Israel “DEBKAfile” ngày 2/7 đã gắn các sự kiện với nhau để đăng một tin “gây chấn động thế giới”.
Bản tin trên trang “DEBKAfile” được cho là tin giả cỡ bom tấn
Bản tin trên trang “DEBKAfile” được cho là tin giả cỡ bom tấn

Bản tin này có nhan đề “Tàu ngầm Mỹ và Nga giao chiến, Washington và Moscow tham vấn khẩn cấp” đăng trên “DEBKAfile” cho biết: một tàu ngầm Mỹ đã ngăn chặn một tàu ngầm hạt nhân của Nga ở vùng biển của Mỹ đối diện Alaska; tàu ngầm hộ tống của chiếc tàu ngầm hạt nhân Nga lập tức phóng  một quả ngư lôi “Balkan 2000”, đánh chìm tàu ngầm Mỹ.

Tuy nhiên, sau 2 ngày, những gì diễn ra đã chứng minh có vẻ trang web chuyên tập trung vào vấn đề Trung Đông này của Israel, rõ ràng đã sử dụng một số sự kiện có thật xảy ra cùng một lúc để tạo ra một “fake news” cỡ bom tấn!

Tổng thống Nga Vladimir.Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shogun
Tổng thống Nga Vladimir.Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shogun

Bản tin của “DEBKAfile” nói rằng, do Nga tấn công đánh chìm tàu ngầm Mỹ nên Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence hôm 2/7 đã tạm thời hủy các hoạt động ở New Hampshire và được triệu hồi về Washington để họp khẩn. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng triệu tập Bộ trưởng Quốc phòng và các nhà lãnh đạo quân sự để tham vấn.

Bản tin còn cố gắng liên kết vụ tai nạn hỏa hoạn của chiếc tàu ngầm nghiên cứu khoa học Nga một ngày trước đó với sự kiện nói trên, nói rằng chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân AS-12 “Losharik” bị cháy này “thường xuyên được sử dụng cho các nhiệm vụ gián điệp”.

Nếu bản tin của “DEBKAfile” là đúng, thì sự cố này đủ để gây ra hậu quả mang tính thảm họa và thậm chí “kích nổ” Chiến tranh thế giới thứ Ba.

Chiếc tàu ngầm nghiên cứu khoa học tuyệt mật AS-12 “Losharik” của Nga bị cháy hôm 1/7 khiến 12 người bị chết
Chiếc tàu ngầm nghiên cứu khoa học tuyệt mật AS-12 “Losharik” của Nga bị cháy hôm 1/7 khiến 12 người bị chết

Tuy nhiên, bản tin này tồn tại đầy rẫy các điểm khả nghi. Trước hết, một tin có tính bùng nổ như vậy nhưng lại có nguồn không rõ ràng và không có những tình tiết cụ thể được nêu trong bản tin. Thứ hai, các phương tiện truyền thông chính thống trên thế giới đều im ắng và tất cả những phương tiện truyền thông khác khi đưa về thông tin này đều lấy lại từ một nguồn là... “DEBKAfile”.

Điều quan trọng nhất là, mặc dù trong bản tin có đề cập đến sự thay đổi hành trình của ông Mike Pence và vụ tai nạn cháy tàu ngầm của Nga, nhưng cả hai việc này đều đã được xác nhận rằng không liên quan gì đến cái gọi là vụ “tàu ngầm Mỹ bị Nga đánh chìm”.

Về vụ cháy tàu ngầm nghiên cứu khoa học AS-12 “Losharik” của Nga, địa điểm xảy ra tai nạn là ở vùng biển Nga; con tàu gặp nạn là nột tàu khảo sát khoa học biển sâu. Vào thời điểm xảy ra sự cố, nó đang tiến hành một hoạt động khảo sát đáy biển trong lãnh hải của Nga; 14 thủy thủ bị chết do hít phải khí độc sinh ra do vụ cháy. Hiện nay chiếc tàu ngầm khảo sát biển sâu này được được đưa về căn cứ Severomorsk và nguyên nhân vụ tai nạn đang điều tra.

Tuyên bố của Văn phòng Phó Tổng thống Mike Pence về việc ông hủy bỏ kế hoạch tới New Hampshire
Tuyên bố của Văn phòng Phó Tổng thống Mike Pence về việc ông hủy bỏ kế hoạch tới New Hampshire

Về việc Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đột ngột thay đổi hành trình, tờ New York Times ngày 2/7 cho biết rằng, cùng ngày, ông Mike Pence khi đang ở trên chiếc “Airforce Two” chuẩn bị cất cánh, thì đột nhiên từ bỏ kế hoạch bay đến New Hampshire, xuống máy bay mà không thông báo lý do.

Thông tin này khiến mọi người ra sức suy đoán. Nhiều người đã gắn vụ việc với vụ tai nạn cháy chiếc tàu ngầm nghiên cứu khoa học của Nga. Ngay cả ông Donald Trump cũng bị “vạ lây” khi bị đồn đoán là có thể tổng thống có vấn đề đột ngột về sức khỏe nên Phó tổng thống mới phải hủy bỏ việc thực hiện kế hoạch đã định.

Vài giờ sau, văn phòng của ông Mike Pence đã đứng ra làm rõ. Mặc dù vẫn không đưa ra lý do, nhưng phủ nhận việc ông thay đổi hành trình là do các vấn đề sức khỏe của Tổng thống Donald Trump hay vấn đề an ninh quốc gia, đồng thời nói sự việc “không có lý do gì để hoang mang”.

Qua đó có thể thấy, “DEBKAfile” rõ ràng đã tạo ra một “fake news” (tin tức giả) từ hai tin có thật.

Tình hình căng thẳng hiện tại ở Trung Đông cũng tạo bối cảnh để “DEBKAfile” dựng lên các tin tức giả. Sáng sớm ngày 1/7, ít nhất 10 máy bay chiến đấu của Israel đã phóng tên lửa từ không phận Lebanon vào các thành phố Damascus và Homs của Syria, giết chết ít nhất 4 thường dân và làm 21 người bị thương. Lực lượng phòng không Syria đã đánh trả và bắn hạ ít nhất ba tên lửa.

Trang web “DEBKAfile” từng đưa tin giả về việc Mỹ sẽ rút các căn cứ quân sự khỏi Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ
Trang web “DEBKAfile” từng đưa tin giả về việc Mỹ sẽ rút các căn cứ quân sự khỏi Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ

Israel từ lâu đã coi Iran là thế lực bành trướng ở Trung Đông, tuyên bố họ không thể dung thứ việc Iran biến Syria thành trận địa tiền duyên chống lại Israel và đã nhiều lần lấy cớ tấn công các cơ sở quân sự của Iran để tiến hành các cuộc không kích vào lãnh thổ Syria. Chính phủ Syria và Iran đều phủ nhận Iran có quân đội đồn trú ở Syria, nói rằng chỉ có các cố vấn quân sự do chính phủ Iran gửi đến. Khi tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran nóng lên, truyền thông Israel nói rằng cuộc không kích quy mô lớn nhất và có phạm vi rộng nhất trong những tháng gần đây  này có khả năng liên quan đến sự hỗ trợ của Mỹ.

“DEBKAfile” là một trang web tình báo quân sự của Israel có trụ sở tại Jerusalem, nơi đăng tải các bài viết phân tích và bình luận về các vấn đề quốc tế, chủ nghĩa khủng bố và các vấn đề khác, chủ yếu tập trung vào vấn đề Trung Đông.

Trang tin “Người quan sát” của Trung Quốc chỉ rõ, “DEBKAfile” đã có tiền sự “sản xuất tin giả”. Hồi tháng 3 năm 2018, “DEBKAfile” đã đưa tin Mỹ sẽ từ bỏ các căn cứ quân sự ở Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Tin này đã được đăng lại trên trang nhất của một tờ báo Bahrain. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã nhanh chóng làm rõ: quan hệ hợp tác giữa họ với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ là rất tốt và các căn cứ quân sự tại hai nước này đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự của Mỹ. Vì vậy, quân đội Mỹ sẽ quyết không rút khỏi các căn cứ quân sự ở đó.