Nga phát triển được sụn nhân tạo

Các nhà khoa học Nga đã phát triển được loại sụn nhân tạo dùng để tái tạo các sụn khớp và các khu vực bị tổn thương của đĩa đệm. Thậm chí, sụn nhân tạo còn có thể dùng trong thẩm mỹ.
Nhờ dựa trên polyacrylamide hydrogel và cellulose, nên chất liệu mới có thuộc tính tương tự như mô sụn - Ảnh: Pixabay
Nhờ dựa trên polyacrylamide hydrogel và cellulose, nên chất liệu mới có thuộc tính tương tự như mô sụn - Ảnh: Pixabay

Theo Rossijskaya Gazeta, trên cơ sở của các loại vật liệu polymer, các kỹ sư sinh học Nga đã phát triển thành công sụn nhân tạo. Loại sụn nhân tạo này phù hợp để tái tạo các sụn khớp và các khu vực bị tổn thương của đĩa đệm. Thậm chí, sụn nhân tạo còn có thể dùng trong thẩm mỹ.

Ông Sergej Lyulin, Viện trưởng Viện hợp chất cao phân tử thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, nhận xét rằng các nhà khoa học ở Petersburg đã tổng hợp thành công loại vật liệu đặc biệt dựa trên polyacrylamide hydrogel và cellulose, qua đó có thể thu được chất liệu có thuộc tính tương tự như mô sụn.Theo ông, polymer acrylamide được tổng hợp trong các sợi cellulose vi khuẩn (bacterial cellulose), được vi khuẩn sản sinh ra ở nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Do nguồn gốc tự nhiên nên những sợi này vô hại với con người.

Sụn nhân tạo đã được cấy thử nghiệm vào khớp của thỏ và các nghiên cứu tiền lâm sàng là rất đáng khích lệ.

Các nhà khoa học Nga khẳng định nhờ cơ sở để phát triển polymer acrylamide là cellulose vi khuẩn (bacterial cellulose) nên thành tựu của họ rất có triển vọng để sử dụng trong y học. Ví dụ, cellulose vi khuẩn có thể được sử dụng làm vật liệu chữa lành vết thương để điều trị bỏng và các tổn thương khác trên da khi bề mặt vết thương lớn. Các nhà khoa học cho rằng có thể tăng cường hiệu quả với sự trợ giúp của các chế phẩm dựa trên bạc cấu trúc nano, có đặc tính diệt khuẩn mạnh.

Theo Một Thế Giới

https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/nga-phat-trien-duoc-sun-nhan-tao-111562.html