|
Phi công Nga tham gia chiến dịch quân sự tại Syria |
(tiếp theo kỳ trước)
Nga “phá trận” phong tỏa Mỹ-phương Tây thế nào
Vào tháng 2/2014, cuộc biểu tình Euromaidan ở Ukraine đã đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Nga-Mỹ. Mỹ là nước ủng hộ chính cho các cuộc biểu tình lật đổ chính quyền ông Yanukovich, đây là một thất bại chiến lược cay đắng của Nga. Trong con mắt của phương Tây, Nga đã phát triển quá mạnh. Chính sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc nổi dậy và sau đó là một chính quyền thân phương Tây được thành lập ở Kiev, điều mà Nga coi là bất hợp pháp đã báo trước rằng chính sách kiềm chế Nga chắc chắn sẽ quay trở lại.
Những sự kiện này đã gây ra một bế tắc lớn giữa Nga và phương Tây và quan hệ hai bên đã xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Mátxcơva đã đáp trả lại thất bại về chính trị ở Kiev bằng cách sáp nhập Crimea và phương Tây cáo buộc Mátxcơva hỗ trợ lực lượng thân Nga ở miền đông Ukraine, thúc đẩy tăng cường quân sự ở cả Nga và phương Tây dọc biên giới châu Âu.
Mỹ và EU đã áp đặt những lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga trong khi ủng hộ các nỗ lực hội nhập vào phương Tây của Ukraine, Moldova và Georgia, các nước này đều ký với EU các hiệp định liên kết EU vào tháng 6/2014.
Những biện pháp này cho thấy Mỹ đã quay trở lại chính sách ngăn chặn Nga, sự chuyển dịch này tăng lên nhanh chóng trong những năm cuối của chính quyền Obama khi Mỹ đã đẩy mạnh các hoạt động triển khai quân sự tới các nước thành viên NATO ở Đông Âu, tăng cường sự ủng hộ chính trị và an ninh cho Ukraine, cạnh tranh với Nga ở Syria.
Tân quan tân chính sách
Ông Trump đã chính thức đảm nhận trách nhiệm ở Phòng Bầu Dục và động lực quan hệ Mỹ-Nga có thể sẽ lại thay đổi. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhấn mạnh nhu cầu hợp tác nhiều hơn với Nga trong cuộc xung đột ở Syria. Ông cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga vì điều này là không hiệu quả và không tốt cho quan hệ hai nước.
Ông Trump cũng bổ sung rằng Mỹ chỉ nên viện trợ cho các nước đồng minh NATO nếu họ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Mỹ trong lĩnh vực chi tiêu quốc phòng. Hơn nữa, ông còn cho rằng việc hậu thuẫn cho Ukraine không phải là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Vào ngày 15/1, ông Trump thậm chí còn gợi ý rằng cuộc mặc cả giữa Mỹ và Nga có thể đang được thực hiện khi ông cho biết Mỹ có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga để đổi lấy thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Nhưng Stratfor cho rằng những phát biểu của ông Trump không phải là thứ duy nhất định hình chính sách đối ngoại Mỹ ở Á-Âu trong những năm tới. Còn phải có sự xem xét của nội các mới của Mỹ, đặc biệt là về lập trường liên quan đến chính sách đối ngoại. Trong biên bản họp quốc hội, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã tán thành đường lối cứng rắn với Nga hơn đường lối mà ông Trump đề xuất.
Ông Tillerson, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đối phó với Nga đã nói với các thượng nghị sĩ Mỹ rằng “các đồng minh NATO đã đúng khi lo lắng trước một nước Nga đang hồi sinh” và chỉ trích chính quyền Obama còn quá mềm mỏng với Mátxcơva. Trong khi đó ông Mattis lại cho rằng ông ủng hộ sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Baltic và lên án Nga vì cố “phá hoại” NATO.
Cho dù những tuyên bố này có thể chưa hẳn đã phản ánh đường lối chính sách cuối cùng của chính quyền mới, những lời nói này vẫn cho thấy ông Trump có thể sẽ phải đối mặt với sự phản đối trong bất kỳ hành động nào được coi là hòa giải với Nga. Hơn nữa, các lãnh đạo quốc hội Mỹ còn chỉ trích Nga nhiều hơn cả tổng thống, điều này nhấn mạnh những hạn chế trong việc điều chỉnh chính sách Mỹ.
Tất nhiên, ông Trump có thể dùng các lệnh điều hành để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên Nga, nhưng với các vấn đề liên quan đến thương mại và các vấn đề cấp thiết trong nước, ông Trump có lẽ cũng chưa thể ngay lập tức đầu tư quá nhiều vào các hành động này.
Ngoài chính trị, các nguồn lực địa chính trị lớn hơn cũng phải được tính đến trong việc tính toán đường lối chính sách đối ngoại Mỹ. Cho dù ai nắm quyền, yêu cầu ngăn chặn bá quyền khu vực của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục trở thành nhiệm vụ chính trong chính sách đối ngoại. Với việc châu Âu ngày càng chia rẽ từ sau khi nước Anh trưng cầu dân ý rời châu Âu, Nga lại có thêm cơ hội để phục hồi từ thất bại chiến lược của mình và giành lại ảnh hưởng ở khu vực Á-Âu trong năm tới.
Thực tế, đã có những dấu hiệu cho thấy Nga đã phục hồi trong vài tháng gần đây, và một nước Nga quyết đoán hơn có thể sẽ tăng cường thách thức các lợi ích của Mỹ ở Á-Âu, Trung Đông và bất cứ đâu. Vì vậy, hiện nay, việc các nước ở biên giới châu Âu với Nga lo sợ rằng cuộc mặc cả giữa Mỹ và Nga thành hiện thực có vẻ đang bị thổi phồng.
Theo Stratfor, quan hệ Nga-Mỹ chắc chắn sẽ tiến triển dưới thời ông Trump. Một số sự chuyển dịch mang tính chiến thuật, bao gồm cả những điều chỉnh trong các lệnh cấm vận của Mỹ và sự hợp tác ở Syria chắc chắn sẽ diễn ra. Tuy nhiên chính sách ngăn chặn, kiềm chế Ngsa của Mỹ vẫn sẽ được thực thi và sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ dưới thời ông Trump.