Nga, Mỹ lật bài ngửa, tung vũ khí “độc” nhất?

Sau khi Tổng thống Vladimir Putin có lời nhắc nhở phương Tây về sức mạnh hạt nhân hàng đầu của Nga thì Mỹ cũng nhanh chóng có lời đáp trả cứng rắn không kém.
Nga, Mỹ lật bài ngửa, tung vũ khí “độc” nhất?

Cuộc đối đầu Nga-Mỹ khiến người ta lo ngại khi hai bên bắt đầu không ngần ngại tung ra “chiêu” độc nhất, đó là vũ khí hạt nhân – thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt mà ai cũng phải kinh sợ.
 
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Work hôm qua (25/6) đã phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ rằng, những lời đe dọa hạt nhân của Nga gần đây là phản tác dụng nhưng điều đó khiến Mỹ thấy cần thiết phải thúc đẩy kế hoạch thực hiện chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân.
 
Giới chức Nga cáo buộc Mỹ và NATO đang phá vỡ một cách có hệ thống những lời cam kết mà họ đã đưa ra sau Chiến tranh Lạnh khi tiếp tục bành trướng ảnh hưởng của liên minh và đưa vũ khí hạng nặng cũng như các lực lượng quân sự đến sát biên giới của Nga.
 
Moscow cho rằng, những hành động như vậy là mang tính khiêu khích và gây bất ổn trong khu vực.
 
Hơn nữa, giới chức Nga cũng tố cáo việc Mỹ có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đến Đông Âu là vi phạm Hiệp ước Kiểm soát Vũ khí Hạt nhân Tầm trung (INF).
 
“Các quan chức cấp cao Nga tiếp tục đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm liên quan đến lực lượng vũ khí hạt nhân, và chúng tôi đánh giá họ đang làm điều đó để đe dọa các đồng minh của chúng tôi và cả chính chúng tôi”, ông Work đã nói như vậy tại phiên điều trần ngày hôm qua. Ông này còn nói thêm, “những lời đe dọa liên quan đến vũ khí hạt nhân của Moscow làm dấy lên hoài nghi về cam kết của Nga đối với việc kiểm soát vũ khí chiến lược”.
 
Tuy nhiên, ông Work cho rằng những lời đe dọa đáng sợ của Nga chỉ phản tác dụng và khiến các thành viên trong liên minh NATO đoàn kết hơn, tiến lại gần nhau hơn trong việc đối phó với Nga. “Những lời đe dọa đó đã thất bại. Nếu có bất kỳ điều gì thì những lời đe dọa chỉ giúp củng cố thêm sự đoàn kết của NATO”.
 
Thứ trưởng Work còn cho rằng, chính cái mà ông này gọi là những lời đe dọa vô trách nhiệm của Nga sẽ thúc đẩy Mỹ thấy sự cần thiết hơn nữa trong việc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Mỹ càng sớm càng tốt.
 
“Trong khi chúng ta đang tìm kiếm một thế giới không có vũ khí hạt nhân thì chúng ta phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt là Nga và Trung Quốc lại đang đẩy mạnh hoạt động hiện đại hóa nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân của họ”, ông Work cáo buộc.
 
Mỹ chi tiền “khủng” đầu tư cho kho vũ khí hạt nhân
 
Với lý do là lời đe dọa vũ khí hạt nhân của Nga, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Work, cho rằng, nước này sẽ cần 18 tỉ USD mỗi năm từ năm 2021 đến 2035 để đầu tư cho lực lượng răn đe hạt nhân.
 
Thứ trưởng Work đã phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ rằng, Mỹ sẽ phải chi 18 tỉ USD mỗi năm trong vòng 15 năm liên tục để hiện đại hóa toàn bộ lực lượng răn đe hạt nhân nếu không nước này sẽ mất tất cả.
 
“Để thực hiện kế hoạch đắt đỏ đó, chúng ta sẽ tiêu tốn 18 tỉ USD mỗi năm từ năm 2021 đến 2035. Một lực lượng răn đe hạt nhân mạnh sẽ là điều vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc gia của chúng ta trong tương lai trước mắt. Đây là ưu tiên cao nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ”.
 
Ông Work cho hay, Quốc hội và các chính quyền trước đó đều liên tục trì hoãn kế hoạch hiện đại hóa lực lượng hạt nhân trong suốt nửa thế kỷ qua nhưng bây giờ là lúc các hệ thống già cỗi kết thúc đời sống của họ và cần phải bị thay thế.
 
“Mức chi tiêu nói trên sẽ đòi hỏi mức độ cam kết rất cao từ giới lãnh đạo chính trị Mỹ ở cả trong chính quyền và Quốc hội”, ông Work cho biết.
 
Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ - Đô đốc James Winnefeld Jr. cũng ủng hộ ý kiến của Thứ trưởng Work. Ông Winnefeld cho biết: “Các hệ thống đã già cỗi và cần phải được thay thế. Điều này sẽ gây ra một sự tốn kém trong một thời gian tương đối ngắn”.
 
Chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Mỹ được đưa ra vào thời điểm khi mà các nguồn lực quân sự và tài chính của Mỹ đang trở nên ngày một hạn chế, ông Winnefeld thừa nhận nhưng nói thêm rằng nỗ lực hiện đại hóa vũ khsi hạt nhân không còn bị cản trở.
 
“Không thể trì hoãn được nữa. Chúng ta sẽ cần một nguồn quỹ ổn định và dài lâu”. Ông Winnefeld giải thích, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phải cắt giảm mạnh ở nhiều lĩnh vực khác để dành nguồn ngân sách cho chương trình hạt nhân ưu tiên. “Điều đó sẽ làm cho nhiều người ở bên trong và bên ngoài Bộ Quốc phòng cảm thấy không vui”.
 
Tuy nhiên, ông Work cảnh báo, nếu chương trình hiện đại hóa hạt nhân không được thực hiện, Mỹ sẽ mất đi năng lực răn đe hạt nhân vào những năm 2020 và 2030.
 
Cuộc khủng hoảng Ukraine chứng kiến cuộc đối đầu nóng bỏng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới – Nga và Mỹ. Sau nhiều cuộc khẩu chiến liên tiếp cùng những động thái quân sự rầm rộ nhằm dương oai, diễu võ, thị uy lẫn nhau, Nga và Mỹ bắt đầu tung ra con bài đáng sợ nhất là vũ khí hạt nhân. Việc hai cường quốc vũ khí hạt nhân mạnh nhất “lật bài ngửa” bằng con bài gây kinh khiếp nhất là vũ khí hạt nhân đã khiến cộng đồng thế giới không tránh khỏi sự lo lắng, bất an.

Theo: VnMedia